Nghề thủ công của người Khơ Mú

(VOV5) - Người Khơ Mú có tập quán canh tác nương rẫy và cuộc sống sinh hoạt luôn gắn bó mật thiết với thiên nhiên núi rừng. Trong quá trình lao động sáng tạo, người Khơ Mú đã tạo ra các vật dụng, dụng cụ thủ công bằng  tre nứa mang dấu ấn bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình. 

Nghề thủ công của người Khơ Mú - ảnh 1
Đồng bào Khơ mú với nghề đan lát (Ảnh: mytour.vn)


Nghe âm thanh bài viết tại đây:




Theo tập tục truyền thống từ hàng trăm năm nay, người Khơ Mú sống du canh du cư, canh tác nương rẫy với công cụ sản xuất thô sơ như: dao, gậy chọc lỗ và săn bắn, hái lượm chiếm vai trò quan trọng trong đời sống. Ngoài nông nghiệp, săn bắt hái lượm, dân tộc này còn có những nghề thủ công mang tính chất tự túc, tự cấp, đó là nghề đan lát. Một số nơi còn biết thêm nghề rèn, mộc, dệt vải. Từ trong gian khó lao động sản xuất, với tâm hồn chan hòa với thiên nhiên, người Khơ Mú đã làm ra các vật dụng thủ công vô cùng sáng tạo. Nghề đan lát của người Khơ Mú rất phát triển và đạt đến trình độ tinh xảo. Những chiếc ghế mây, mâm mây, cái ép đựng xôi, hay như cái Eng, (tương tự như chiếc gùi) một dụng cụ rất thông dụng đựng đồ khi đi nương rẫy...được làm từ cây tre, cây giang, cây nứa hay từ những sợi mây, qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, đã trở thành các đồ gia dụng xinh xắn, chất chứa hồn thiêng của đại ngàn. 

Ngày nay, nghề đan lát đã và đang trở thành nghề mưu sinh của đồng bào dân tộc Khơ Mú. Ông Xeo Văn Hoe, dân tộc Khơ Mú, cho biết: "Dân tộc Khơ Mú hay đan lát, người nào cũng biết đan rồi dạy dỗ cho con em cũng biết, cũng làm được như thế. Bây giờ người ta làm đồ để đan để đi bán, còn bán không hết thì đem về dùng".


Nghề thủ công của người Khơ Mú - ảnh 2
Bán đồ đan lát tại chợ (Ảnh: mytour.vn)


Người Khơ Mú tạo ra rất nhiều sản phẩm đan lát, từ đồ đựng, phương tiện vận chuyển, cho đến công cụ sản xuất, đồ dùng đánh bắt cá cho đến nhiều vật dụng  dành cho các nghi thức cúng. Tất cả đều được làm rất công phu. Đồ thủ công đan lát của người Khơ Mú  không chỉ đẹp về hình thức, mà con có thể sử dụng lâu dài. Tùy từng vật dụng mà người Khơ Mú có thể sử dụng nhiều cách đan lát khác nhau, nhưng đan gùi, đan ghế đòi hỏi kỹ thuật cao hơn. 


Ông Nguyễn Trung Thanh, một người sưu tập các vật dụng, đồ dùng của đồng bào các tộc ít người, cho biết: "Trong các vật dụng đan lát của người Kho Mú thì Eng là phương tiện vận chuyển thông dụng tiện lợi đan rất cầu kỳ. Eng tựa như chiếc gùi của người Mông, nhưng miệng lại có quai to, giữa quai là mảnh vải đệm, vắt qua trán người, tạo nên điểm tựa lưng và trán, làm cân đối giữa lực cơ thể và trọng lượng hàng hoá trên Eng".


Người Khơ Mú còn cho rằng khi đan gùi đựng lúa hay cái ép đựng xôi, thì nên tạo thêm hoa văn, có như vậy chủ nhân của các đồ dùng ấy mới ăn nên làm ra. Ngoài nghề đan ghế mây, mâm mây, nhiều sản phẩm đan lát khác của người Khơ Mú đã trở thành vật dụng dùng để trao đổi mua bán trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của các dân tộc anh em cùng chung sống.


Tre nứa không chỉ dùng đan lát những đụng cụ đồ vật trong đời sống mà còn làm ra  nhưng nhạc cụ cho các cuộc vui của đồng bào Khơ Mú. Để làm được các vật dụng hay nhạc cụ bằng tre nứa đòi hỏi đôi bàn tay khéo léo cũng như kinh nghiệm và tâm huyết của những người thợ thủ công. Ông Công Dần, người Khơ Mú, cho biết: "Làm các nhạc cụ bằng tre nứa, chẳng hạn như làm cây sáo, thì phải chọn loại nứa trổ còn non và phải khéo tay mới làm được. Tôi sợ rằng tụi trẻ sau này không còn biết làm đồ thủ công truyền thống của dân tộc mình nữa nữa, nên mình phải dạy cho các cháu, các em giữ nghề của dân tộc mình".


Mặc dù là nghề phụ, song nghề đan lát các đồ dùng, vật dụng bằng tre nứa lại là nghề đem lại thu nhập chủ yếu cho người Khơ Mú. Nhất là khi các Hợp tác xã mây tre đan của người Khơ Mú được thành lập đã góp phần khuyến khích nghề thủ công truyền thống phát triển, mang lại sản phẩm hàng hóa có giá trị. 
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác