Đình làng của người Sán Chỉ

(VOV5) - Cũng giống như người Kinh, với người Sán Chỉ, đình làng là nơi thờ tự và diễn ra các nghi lễ tín ngưỡng linh thiêng của làng. Đình làng cũng là nơi thờ Thành hoàng làng, người có công với làng. Tuy nhiên, nếu như đình làng của người Kinh đóng vai trò trung tâm  sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các sự kiện của làng xã thì đình của người Sán Chỉ chủ yếu đóng vai trò tâm linh, thờ tự, theo thông lệ một năm chỉ mở một lần vào mùng 2 Tết cổ truyền. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:




Ở xã Kiên Lao, nơi tập trung sinh sống của người Sán Chỉ, mỗi thôn đều có một đình làng. Đình làng  thờ Thành Hoàng làng, người có công với làng. Không có kiến trúc tinh xảo như đình của người Kinh, đình làng của người Sán Chỉ hết sức đơn giản. Đình được xây dựng bằng bằng gạch, vôi, cát. Nhìn bề ngoài đình giống như những ngôi nhà ở bình thường. Bên trong đình của người Sán Chỉ cũng không trang hoàng lộng lẫy sơn son thiếp vàng, không thờ tượng, không treo hoành phi câu  đối mà chỉ duy nhất có một bàn thờ đặt bát hương. Tuy nhiên vị trí của đình làng thì lại được người Sán Chỉ chọn lựa cẩn trọng. Ông Lâm Văn Oanh cho biết: "Đình làng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Đình làng được xây dựng ở vị trí rất đắc địa của làng và giữ nguyên từ xưa đến nay và được làng tu bổ tôn tạo nhiều lần. Thực tế hiện nay đình làng còn khiêm tốn nằm dưới mấy gốc cây cổ thụ".

Đình làng không đặc sắc về kiến trúc, tượng thờ nhưng người Sán Chỉ lại có những điều kiêng kỵ nghiêm ngặt liên quan tới công trình linh thiêng của cộng đồng mình. Ông Lý Hồng Viên, trưởng ban công tác mặt trận thôn Họ, cho biết: "Đình làng tổ chức mùng 2 tháng giêng không phân biệt, các gia đình đều đến lễ tết. Hàng năm lễ tổ chức vào ngày mùng 2 tháng Giêng âm lịch, nhân dân góp tiền, lễ để thờ cúng, mong thần hoàng phù hộ cho toàn dân làm ăn phát đạt, đời sống ấm no, mưa thuận gió hòa. Chúng tôi có người cai đám để chủ trì buổi cúng tế. mong muốn thần hoàng phù hộ cho nhân dân. Và bàn một số công việc của thôn và triển khai những công việc đã bàn trong năm".

Theo ông Lâm Văn Oanh, ngoài ngày mùng 2 Tết thì đình cũng còn mở cửa làm lễ khi có việc đột xuất liên quan tới cả cộng đồng. "Những nội dung đột xuất của làng cần phải bàn, làm lễ để mong thần Thành hoàng làng phù hộ cho dân làng có cuộc sống yên ổn làm ăn phát tài. Ví dụ như ngày xưa hay xẩy ra dịch bệnh cho con người, cây trồng thường làm lễ cầu mong thần thành hoàng phù hộ làng. Đó cũng là về mặt tâm linh, khi khoa học chưa phát triển thì người dân nhờ cậy một đấng thiên nhiên, việc này có tính nhân văn cộng đồng rất lớn" - ông Oanh cho biết.

Người Sán Chỉ đến giờ vẫn khắc cốt ghi tâm và luôn thực hiện những điều kiêng kỵ bằng một tâm thế thành kính. Trong năm, gia đình nào có người thân mất đi  thì gia chủ cũng không đến đình làng. Bà Lý Thị Nam, người dân ở thôn Họ, cho biết: "Đồ lễ mang đến đình là một chai rượu, một cái bánh chưng, có nhà thì mang bát thịt hoặc bát phở. Mấy người đến đặt vào mâm để cúng. Đến lúc thụ lộc cũng phải để một tý để mang lộc về. Đồ lễ mang ra đình phải là người sạch sẽ mới nấu còn không người đàn ông đi ra đình thì tự nấu, Cũng phải kiêng, không sạch sẽ thì bị phạt. Muôn đời vẫn thế, nghiêm lắm. nếu phạm pháp một tý thì khổ cả làng".

Thông thường thì người đàn ông tự dậy nấu đồ lễ. Ông Lâm văn Oanh cho biết người đàn ông dậy rất sớm để nấu những món ăn để đem đến đình làng. Trước hết món ăn phải thanh, tịnh, sạch. Trong quá trình nấu nướng tất cả các đồ dùng chết biến phải sạch sẽ và đem cái tâm mình vào đó:
 "Từ trước đến nay tôi thường xuyên phải làm công việc đó. Từ trước đến nay các cụ truyền lại như thế, tôi hiểu và làm như thế. Tuy nhiên tôi nghĩ các cụ ngầm hiểu là trong những ngày Tết thì giải phóng cho chị em phụ nữ để họ nghỉ ngơi, có thời gian chăm sóc con cái, những người đàn ông cũng phải biết thử công việc nội trợ như thế nào".

Cho đến tận ngày nay khi mà đời sống thay đổi, hiện đại hơn nhưng người Sán Chỉ vẫn giữ và thực hiện đúng những nghi lễ mà tổ tiên mình để lại. Trong tâm thức của mỗi người đều mong rằng nếu mình thực hiện đúng thì không chỉ gia đình mà cả cộng đồng làng xã của mình gặp nhiều may mắn, làm ăn thuận lợi, mưa thuận gió hoà. Trải qua nhiều đời, nhiều thế hệ, đình làng của người Sán Chỉ vẫn là một chỗ dựa tâm linh vững chãi của cộng đồng dân tộc này, giúp họ tự tin và thêm nhiều nghị lực trong xây dựng và phát triển cuộc sống gia đình, tộc người của mình. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác