Đời sống của đồng bào Khơ Mú ở bản Thẩm Phé

(VOV5) - Điệu hát múa dân ca dân vũ trong văn hóa của đồng bào Khơ Mú ở bản Thẩm Phé, xã Mường Kim, huyện Than Uyên.

Dân tộc Khơ Mú là một trong những cộng đồng dân tộc sinh sống lâu đời cùng với hơn 20 dân tộc anh em khác trên mảnh đất Lai Châu. Tuy có số lượng dân khá ít, sống rải rác và văn hóa chịu nhiều ảnh hưởng của đồng bào dân tộc Thái nhưng đời sống văn hóa của người dân Khơ Mú vẫn là một kho tàng độc đáo cần được bảo tồn và phát huy. Trong số đó phải kể đến điệu hát múa dân ca dân vũ trong văn hóa của đồng bào Khơ Mú ở bản Thẩm Phé, xã Mường Kim, huyện Than Uyên.

  Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
 Cùng với nét đẹp trong trang phục, một điểm dễ nhận ra văn hóa của đồng bào Khơ Mú chính là các loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đó là dân ca và dân vũ. Thông qua các điệu dân vũ, đồng bào Khơ Mú mong muốn con người luôn khỏe mạnh, họ cầu cho mùa màng bội thu, cầu cho mưa thuận gió hòa. Đồng thời cũng thể hiện mối cộng cảm giữa con người với con người, con người với thiên nhiên.
Đời sống của đồng bào Khơ Mú ở bản Thẩm Phé - ảnh 1Lễ hội cầu Mùa của người Khơ Mú. Ảnh VOV

Các điệu múa cuả đồng bào Khơ Mú liên quan mật thiết với tín ngưỡng cầu mùa và khát vọng tình yêu đôi lứa, sự cố gắng nỗ lực của người dân khi vượt qua khó khăn để tồn tại phát triển cùng với cộng đồng. Nét đặc biệt của múa dân gian Khơ Mú là các động tác thường rất khỏe mạnh, sôi động nhưng không kém phần duyên dáng. Khi thể hiện các điệu múa toàn thân, cư thể người múa rung lên thể hiện sức sống dồi dào. Người múa như đắm mình trong những tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng và thăng hoa trong các điệu múa.

 Chị Hoàng Thị Thu ở bản Thẩm Phé, xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, cho biết: " "Nhằm khôi phục lại bản sắc văn hóa dân tộc Khơ Mú, bản Thẩm Phé được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng một đội văn nghệ gồm 14 thành viên, mỗi tuần đội tập 2 buổi, còn các buổi khác là các thành viên tự tập với nhau. Trong bản còn có các ông, các bà còn truyền lại các điệu múa, nhạc cụ cho con cháu."
Đời sống của đồng bào Khơ Mú ở bản Thẩm Phé - ảnh 2Nét đặc biệt của múa dân gian Khơ Mú
là các động tác thường rkhỏe mạnh,
sôi động nhưng không kém phần duyên dáng.

Cũng như nhiều đồng bào dân tộc thiểu số khác, người Khơ Mú có hệ thống nhạc cụ rất phong phú, trong số đó có tới 90% được làm ra từ những chất liệu có sẵn từ núi rừng như tre, nứa với những âm sắc vô cùng độc đáo.

Xuất phát từ một nông cụ sản xuất, trải qua quá trình của lịch sử và niềm vui ca hát, đồng bào dân tộc Khơ Mú đã biến dụng cụ lao động sản xuất từ những cây nứa nhỏ thành những nhạc cụ gần gũi, thân thuộc, đó chính là đao đao. Đao đao được làm từ một ống nứa, nguyên liệu tự nhiên gần gũi và gắn bó thân thuộc với đồng bào Khơ Mú.  

Đao đao có đường kính trung bình từ 3-4cm, chiều dài khoảng 40-50cm và có 7 bộ phận trên thân, bao gồm thân đao, thành ống, cột hơi, vách ngăn, hai khe trên thân đao. Việc chế tác đao đao nhìn tưởng chừng rất đơn giản, nhưng để có một cây đao đao tốt thì người nghệ nhân phải bỏ nhiều công sức, trí tuệ trong việc lựa chọn nguyên liệu và thẩm âm. Vì đao đao chỉ là ống nứa khá đơn sơ về cả nguyên liệu, hình dạng, chế tác, diễn tấu nhưng lại phức tạp ở nguồn phát âm. Khi diễn tấu, người sử dụng sẽ dùng tay phải cầm phần dưới của nhạc cụ, đập phần đầu của nhạc cụ vào mu bàn tay để âm thanh vang lên. Điệu múa truyền thống mang đặc trưng riêng của đồng bào được tạo nên từ tiết tấu của nhạc cụ tạo nhịp cho các bước di chuyển, kết hợp với động tác của đôi bàn tay và toàn bộ cơ thể. Khi múa và diễn tấu đao đao, đồng bào dùng chiêng và trống đệm theo.

Ông Hoàng Văn Tiến ở bản Thẩm Phé, xã Mường Kim, huyện Than Uyên, cho biết: "Người Khơ Mú từ ngày xưa không có nhạc cụ tính tẩu, chỉ dùng nhạc cụ bằng cây nứa vót ra để làm thành nhạc truyền thống. Khi chàng trai cầm đao đao thổi lúc cô gái đang ngủ buổi tối, cất lên sẽ làm cô gái ưng bụng và thức dậy để đón chàng trai.

Từ sự ý thức được những giá trị của văn hóa cội nguồn, trong nhiều năm qua từ mỗi người dân đến cấp ủy, chính quyền tỉnh Lai Châu luôn coi trọng công tác bảo tồn văn hóa dân gian của cộng đồng người Khơ Mú, trong đó phải kể đến những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng người Khơ Mú.

Ông Vũ Văn Hùng, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, cho biết: "Chúng tôi tập trung giúp đỡ bản Thẩm Phé chỉnh trang nhà cửa, di dời chuồng trại ra khu chăn nuôi tập trung, hướng dẫn nhân dân trồng hoa để tạo cảnh quan và hướng dẫn đội văn nghệ tập luyện, hướng tới phục vụ khách du lịch."

Với những gì còn lưu giữ được trong văn hóa đồng bào Khơ Mú cùng với nét văn hóa phong phú và đa dạng, bản Thẩm Phé, xã Mường Kim, huyện Than Uyên, đã và đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn cho du khách trong và ngoài tỉnh Lai Châu, qua đó góp phần tích cực vào việc giữ gìn, bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác