Lễ kết nghĩa của người Cơ tu ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam

(VOV5) - Sau lễ hội đó thì sau này hai làng đi đến với nhau, đi rừng cùng nhau, trai gái hai làng tự do yêu đương kết nghĩa vợ chồng..

Người Cơ Tu, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, còn lưu giữ được nhiều bản sắc văn hóa quý giá về phong tục, lễ hội, trang phục, âm nhạc, ẩm thực… trong đó có lễ kết nghĩa khá độc đáo.

 Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Như phần đông các dân tộc cư trú ở vùng Tây Nguyên, đồng bào Cơ tu vẫn lưu giữ trong cộng đồng nhiều lễ hội độc đáo, điển hình là lễ kết nghĩa. Với đồng bào dân tộc khác, các cá nhân trong làng hoặc các dân tộc khác nhau kết nghĩa anh em là để gắn bó với nhau và cùng giúp nhau sống tốt hơn.

Kết nghĩa nhằm mục đích làm cho hai người thành đôi bạn thân thiết, bảo đảm kết nghĩa đến đời con, đời cháu. Trong khi đó, Lễ kết nghĩa của đồng bào Cơ tu lại là để giải quyết mâu thuẫn.

Ông Ploong Plenh, xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, cho biết: Lễ kết nghĩa của người Cơ Tu ở Quảng Nam thường được diễn ra trong rừng và chỉ là giữa những người Cơ Tu với nhau. "Trong cuộc sống sẽ có những va chạm giữa hai làng, hay trên nương, trong địa giới của làng này, làng kia. Qua thời gian thì mâu thuẫn ngày càng lớn lên... Các thế hệ người Cơ tu nghĩ rằng không thế để mâu thuẫn mãi như vậy được."

Lễ kết nghĩa của người Cơ tu ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam - ảnh 1 Làng truyền thống Cơ Tu - một biểu tượng của “đoàn kết cộng đồng làng”.
- Ảnh: baoquangnam.vn

Lý do của Lễ kết nghĩa của người Cơ Tu là mâu thuẫn còn được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống: "Đối với người Cơ tu là có một tục lệ là đi cướp vợ, tức là con trai trong làng mà tài giỏi, từ săn bắn, hái lượm, bẫy thú rừng, làm nhà nhưng nhà nghèo, muốn lấy vợ nhưng không được do điều kiện ngày xưa rất nặng nề, muốn lấy vợ là phải có con trâu làm lễ vật. Không lấy được vợ trong làng, phải đi cướp vợ. Mà cướp vợ bên làng kia thì cô gái ấy đã có chủ... thì lý do xích mích chỉ là chuyện cướp vợ."

Để giải quyết những mâu thuẫn trong cộng đồng, Lễ kết nghĩa của người Cơ tu được tổ chức. Qua lễ này họ thể hiện sự gắn bó, cùng giúp đỡ nhau để có một cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên việc kết nghĩa phải diễn ra một cách tự nguyện, không bên nào bắt buộc bên nào, đặc biệt phải có sự tham dự của Hội đồng già làng của hai bên tổ chức.  

Hội đồng già làng được dân làng bầu ra và đề cử và phải là người có trách nhiệm, có đóng góp cho làng. Khi có khúc mắc, hội đồng già làng hai bên thống nhất công việc sao cho hòa hợp giữa hai làng."

Lễ vật trong ngày kết nghĩa bao gồm rượu và con trâu cùng những sản vật của núi rừng, đồ dùng quý giá của người Cơ tu như chung, ché. Tuy nhiên những năm gần đây, đồng bào Cơ tu không còn sử dụng con trâu cho những lễ hội trong các lễ hội... mà thay vào đó là những mô hình tượng trưng.: "Lúc làm lễ kết nghĩa sẽ tự phân ra một bên nhà gái, một bên nhà trai. Bên nhà trai sẽ chuẩn bị trâu bò, chum ché, nấu cơm tẻ. Bên nhà gái sẽ mang cá, nấu cơm, tổ chức múa hát, trống chiêng, và tổ chức lễ hội ăn trâu kết nghĩa giữa hai làng".

Lễ kết nghĩa của người Cơ tu ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam - ảnh 2Qua lễ này họ thể hiện sự gắn bó, cùng giúp đỡ nhau để có một cuộc sống tốt hơn. - Ảnh minh họa/ HN

Khi mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng, vào sáng sớm của ngày tổ chức Lễ kết nghĩa, giàn cồng chiêng được tấu lên cùng với lời cầu khấn của thấy cúng gửi đến các thần linh cầu mong cho tình anh em luôn vui vẻ, hòa thuận. Khi hành lễ, thầy cúng sẽ quay mặt về hướng đông, đón ánh sáng ban mai của mặt trời để truyền lại cho mọi người, đó là thể hiện cho sự minh mẫn nhằm gạt bỏ những điều hiềm khích, mâu thuẫn chất chứa lâu nay trong mỗi người. Sau lời khấn cầu của thầy cúng, hai bên bắt đầu trò chuyện, trao đổi và lý giải để mọi người cùng hiểu nhau hơn.

Thông thường vào những dịp này, người Cơ tu sẽ sử dụng lối nói lý, hát lý để dễ giải bày những tâm tư, tình cảm. "Thông qua những câu chuyện đó, bắt buộc những người tham gia phải hiểu tập tục, tập quán, địa giới của làng, mọi con đường trong rừng, trong suối, những vật quý nhất... để có thể nói lý, hát lý với nhau. Cả đêm đó, người gia, đàn ông, đàn bà, trẻ con... ngồi trong nhà Gươi (nhà sàn của người Cơ tu) nói lý, hát lý đối đáp nhau để mọi câu chuyện được thông suốt và đoàn kết với nhau."

Thông qua những câu hát, câu cuộc trò chuyện, mâu thuẫn giữa các bên được giải quyết. Lúc này nhiều hứa hẹn cho những ngày tiếp theo được hai bên bàn luận. Sau lễ hội đó thì sau này hai làng đi đến với nhau, đi rừng cùng nhau, trai gái hai làng tự do yêu đương kết nghĩa vợ chồng... Hai làng không còn khúc mắc nữa và mọi thù hận được hóa giải.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác