Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Bana ở Gia Lai

(VOV5) - Để có một tấm thổ cẩm đẹp, phụ nữ Bana phải thực hiện rất nhiều công đoạn từ trồng bông, xe sợi, nhuộm màu, lên khung rồi mới ngồi dệt.

Nghề dệt thổ cẩm của người Ba Na ở Gia Lai đã có từ lâu, được trao truyền từ đời này sang đời khác và duy trì cho đến ngày nay. Đây không chỉ là nghề thủ công truyền thống mà còn là nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc ở nơi đây.

Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Nghề dệt thổ cẩm đòi hỏi sự kiên trì, đôi bàn tay khéo léo cũng như sự sáng tạo của các nghệ nhân. Các thiếu nữ Ba Na từ lúc 12 - 13 tuổi đã bắt đầu được các bà, các mẹ cho đi rẫy hái bông, se sợi, dệt vải để may quần áo, chăn màn, các vật dụng bằng thổ cẩm dùng phổ biến trong đời sống thường ngày. Dệt thổ cẩm được xem là tiêu chuẩn để đánh giá tài năng, sự khéo léo của người phụ nữ, nên đa phần phụ nữ Ba Na khi xưa đều rất khéo tay trong việc đan dệt, kéo sợi. Ngay từ khi còn nhỏ, các cô gái Bana đã phải làm quen rồi tìm tòi, học hỏi từ những người bà, người mẹ trong gia đình, dòng họ.
Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Bana ở Gia Lai - ảnh 1Nhiều phụ nữ Ba Na hiện đang duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Nghệ nhân Đinh Ply, ở xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, cho biết: "Tùy theo từng người, ai có tâm huyết hay sở thích thì từ 12-13 tuổi họ đã tập làm với bố mẹ. Làm từ cái nhỏ, như: làm dây quàng đầu hay tập đường nét hoa văn để nối với nhau xem như thế nào dần dần mới thành sản phẩm.

Theo nghệ nhân dệt Đinh Thị Tớp, ở xã Tơ Tung, huyện KBang, tỉnh Gia Lai, khác với đàn ông chuyên tâm với nghề rèn, nghề đan lát, thì phụ nữ tập trung với thêu dệt. Chính vì thế, trong mỗi gia đình người Bana hầu như đều có khung cửi để dệt. Nghệ nhân Đinh Thị Tớp nhớ lại: "13 tuổi là tôi biết sơ sơ rồi. Sang 15, 16 tuổi là đã biết dệt thành thục và dệt được cả tấm vải lớn. Mình yêu thích nghề dệt thì nói mẹ dạy, chứ không có thầy, cô dạy dệt vải. Tự bản thân mình, mình thích làm thì mình sẽ làm.

Để có một tấm thổ cẩm đẹp, phụ nữ Bana phải thực hiện rất nhiều công đoạn từ trồng bông, xe sợi, nhuộm màu, lên khung rồi mới ngồi dệt. Ở giai đoạn chuẩn bị nguyên liệu, bông sau khi thu hoạch được phơi khô, loại bỏ hết tạp chất, tiếp tục lấy kén bông để tách bông ra khỏi hạt và dùng dụng cụ bật bông để làm cho bông tơi xốp, mịn màng hơn, thuận lợi khi xe thành sợi. Sau khi bông đã bật tơi xốp, họ sử dụng dụng lông nhím vón bông thành từng cục hình trụ tròn với chiều dài khoảng 20cm, rồi tiếp tục đưa bông vào dụng cụ xa kéo sợi.

Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Bana ở Gia Lai - ảnh 2Những tấm vải thổ cẩm được dệt từ bàn tay khéo léo của người phụ nữ Ba Na. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Nghệ nhân Đinh Thị Tớp cho biết thêm: "Đầu tiên cũng lấy bông, làm bông xong thì mình kéo chỉ, kéo chỉ xong thì mình nhuộm. Khi xong thì cho khô hết rồi cuốn tiếp rồi lên khung để dệt. Nhiều khâu lắm."

Để làm nên sự độc đáo cho sản phẩm, người Bana luôn tỉ mẩn, khéo léo trong cách chọn và phối hợp các màu sắc với nhau. Màu sắc có được là nhờ các loại cây rừng và mỗi màu sắc đều mang một ý nghĩa riêng, thông điệp riêng mà người Bana muốn gửi gắm vào sản phẩm của mình. Nghệ nhân Đinh Ply, ở xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, chia sẻ theo quan niệm của người Bana, màu đen là màu chủ đạo, gây ấn tượng mạnh mẽ về phong cách. Màu đỏ biểu hiện cho màu của lửa, của máu, tượng trưng cho sức sống, sự vươn lên, được nhuộm bằng nhựa cây kxang, kơbai. Màu vàng biểu hiện cho ánh sáng mặt trời, sự kết hợp hài hòa giữa con người và tự nhiên, nhuộm bằng củ nghệ hay màu của cây kmếch. Màu xanh biểu hiện cho màu da trời, của cây lá được nhuộm bằng nhựa cây truông-nhây hay cây kpai: 

"Cái này rất cầu kỳ chứ không hề đơn giản. Công đoạn này rất lâu và công phu. Màu sắc của Tây Nguyên là 4 màu: đen, đỏ, trắng và màu màng. Đó là màu sắc rực rỡ của người Tây Nguyên."

Trang phục thường ngày của người Bana ít có hoa văn trang trí mà thường là một màu chàm đen hoặc đen. Chỉ những trang phục sử dụng trong các lễ hội hay cưới hỏi thì mới được trang trí nhiều họa tiết hoa văn rực rỡ. Thêm vào đó là những phụ kiện theo kèm như dây buộc đầu, túi đeo chéo hay xà tích.

Ngày nay, nghề dệt thổ cẩm của người Bana ở Gia Lai đã có một số thay đổi để phù hợp với yêu cầu của cuộc sống nhưng vẫn còn duy trì những công đoạn thủ công mà ông cha truyền lại. Bởi nó vừa mang ý nghĩa bảo tồn những giá trị văn hoá của dân tộc, lại vừa tôn lên vẻ đẹp cho người mặc, khi khoác lên mình bộ trang phục truyền thống dân tộc Bana.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác