(VOV5)- 2 năm nay, Quỹ hỗ trợ văn hóa vùng và dân tộc ít người của đại sứ quán Đan Mạch đã giúp người Khơ Mú ở Mường Phăng, tỉnh Điện Biên duy trì hoạt động của một đội văn nghệ nhằm phát huy bản sắc văn hóa của chính dân tộc mình. Những buổi sinh hoạt tập luyện múa, hát của đội văn nghệ dân gian như cơn mưa trong mùa hạ, làm bừng lên nhịp sống rộn ràng của người dân ở núi rừng Tây Bắc.
Âm thanh mà quý vị và các bạn đang nghe là tiếng cồng chiêng đặc sắc của người Khơ Mú ở bản Ten. Một buổi tập luyện như thế này luôn hấp dẫn nhiều người dân trong bản. Cứ 2 tháng một lần, các thành viên trong đội văn nghệ dân gian ở bản Ten lại mang cồng chiêng, khèn, pí ra luyện tập cùng nhau và truyền dạy cho những người trẻ.
Một điệu múa Khơ mú (Ảnh: Internet)
Giờ đã thành quen, người dân ở các bản không phải chờ đến các dịp hội, lễ tết mới được thưởng thức những âm thanh quen thuộc và múa những điệu múa truyền thống của chính dân tộc mình. Ông Quàng Văn Mướn, bí thư chi bộ bản Ten, cho biết những người già như ông không thể làm ngơ trước cảnh văn hóa dân tộc dần bị lãng quên nên ngay từ năm 2000, ông cùng với những người có uy tín trong bản đi vận động người dân đứng ra thành lập đội văn nghệ. "Lúc đó có 20 người tham gia. Thấy số lượng đó quá lớn, nên cắt bớt đi. Giờ có 16 người tham gia. Chọn những người chăm chỉ, gọi lúc nào là có mặt lúc đó. Vì cái chung thôi nên mọi người tham gia tự nguyện. Một đến hai tháng lại tổ chức truyền dạy cho các cháu."
Ông Muôn cho biết, thời gian đầu, ông với các người già trong bản đến từng vận động mọi người tham gia vào đội văn nghệ. Ai biết hát, thổi nhạc cụ ...thì dạy cho người chưa biết. Ngay cả đến việc chế tác nhạc cụ, các ông cũng phải kỳ công dạy tỷ mỉ từng người một. Giờ thì sinh hoạt của đội văn nghệ đã thành nề nếp và đã có nhiều người giúp các ông truyền dạy đàn, hát cho bọn trẻ. Chị Lương Thị Vinh, là người phụ nữ biết thổi nhiều nhạc cụ nhất trong bản Ten, đang giúp bọn trẻ thổi kèn lá.
Nhìn chị Vinh say sưa hướng dẫn các bạn trẻ cách thổi kèn lá mới thấy được hết sự nhiệt tình cũng như tình yêu của chị dành cho các loại nhạc cụ. Chị bảo nhìn thì đơn giản vậy thôi nhưng phải thực sự thích và chú tâm học thì mới thổi được. Bản thân chị ngay từ nhỏ đã thích thổi nhạc cụ rồi nên giờ đây chị mới có thể truyền dạy được cho mọi người. "Tôi chơi được 4 đến 5 loại nhạc cụ như sáo, đao đao, khèn môi, nhị, ...do ông bà truyền dậy từ lúc còn nhỏ. Học từ các anh chị cũng phải khá lâu mới biết. Học mọi lúc mọi nơi, học từ nhỏ đến bây giờ. Học lúc đi làm nương rẫy trong thời gian nghỉ thì học cùng nhau. Tôi tham gia vào đội văn nghệ để truyền dạy cho con cháu để họ gìn giữ và tiếp tục giữ bản sắc của cha ông để lại. Dạy theo cách mà ông bà trước kia dạy cho mình giờ mình truyền thụ lại"
Còn chị Lường thị Nún năm nay 35 tuổi thì lại giỏi về các điệu múa truyền thống, múa Viêng ver guông. Chị tham gia vào đội văn nghệ để có nhiều cơ hội để múa cho bà con xem, nhưng cái quan trọng hơn là chị muốn các bạn trẻ trong bản cũng yêu thích múa hát như mình. "Làm thế này để truyền cho lớp trẻ, giữ lâu dài bền vững những giá trị truyền thống của dân tộc. Tôi có dạy truyền cho các cháu. Cháu bé cũng tập hát rồi, có cái chưa biết, có cái biết rồi nhưng dần dần biết thôi. Tôi tham gia vào đội văn nghe ngay từ lúc đầu, bản thân muốn phải có sự đầu tư bài bản cả về vật chất cũng như tinh thần. Cái khó khăn là không có vốn nên tự tạo tự làm thôi. Bản thân tôi vào đội văn nghệ rất thích, hát thì không biết nên nhảy múa để cổ vũ tinh thần cho mọi người cùng vui vẻ để mọi người yêu thích giữ gìn bản sắc dân tộc."
Trong đội văn nghệ còn có chị Lường Thị Phượng không thổi được kèn lá nhưng lại hát hay. Chị thuộc các điệu hát cổ của người Khơ Mú biểu diễn trong các dịp lễ, tết...Chị Phượng bảo nếu không truyền dạy, không thổi tình yêu văn nghệ vào người dân trong bản, đặc biệt là lớp trẻ thì chỉ trong một thời gian nữa thôi sẽ chẳng còn ai biết được thế nào là hát đối, thổi pí, thổi khèn."Từ nhỏ tôi đã được bố mẹ dạy hát. Tôi biết hát giao duyên, hát mừng nhà mới, hát đối đáp trai gái. Bài hát cũng biết 5, 6 bài trong đó có bài đặc sắc nhất là liên hoan nhà mới. Lời bài hát là chúc mừng dân bản. Rồi mọi người chúc nhau chén rượu, rồi cùng uống, cùng hát. Lúc hát mừng ngày tết để chúc sức khỏe mọi người từ già đến trẻ, ai cũng mạnh khỏe, làm ăn phát đạt hơn. Lời bài hát của người Khơ Mú có ý nghĩa lắm nên tôi cũng mong muốn nhiều người biết hát hơn nữa."
Suốt 2 năm qua, gần 20 thành viên trong đội văn nghệ dân gian của bản Ten đã làm sống dậy những bài hát, những điệu múa truyền thống tưởng chừng như đã rơi vào lãng quên. Những người như chị Phượng, chị Nên hay ông Mướn đã giúp người dân, đặc biệt là lớp trẻ yêu và giữ gìn văn hóa truyền thống, cho những điệu múa Viêng ver guông, hát đối, giao duyên... của dân tộc Khơ Mú được sống mãi với thời gian./.