Páo Dung - Điệu hát truyền thống của dân tộc Dao

(VOV5) - Trải qua thời gian dài, đến nay, những làn điệu Páo Dung vẫn được gìn giữ và phát triển bởi các thế hệ dân tộc Dao.

Páo Dung là lối diễn xướng dân gian, truyền thống với các bài hát ngẫu hứng do chính người hát tự đặt lời, để truyền tải những tâm tư, tình cảm, ước muốn và khát vọng của dân tộc Dao. Các làn điệu Páo Dung phản ánh về lao động, sinh hoạt, phong tục, tập quán, lễ nghi và những tâm tư, tình cảm, khát vọng của người Dao trong cuộc sống.

   Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

Páo Dung trong tiếng Dao có nghĩa là ca hát. Nhóm Dao Đỏ, Dao Tiền phát âm là Pá Dung, Pả Dung; nhóm Dao Áo dài phát âm là Ay Dủng, Ày Dủng. Páo Dung ra đời và phát triển từ trong lao động, sản xuất, nhu cầu đời sống tinh thần, tín ngưỡng, được lưu truyền qua nhiều thế hệ và tồn tại cho đến ngày nay, trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người Dao. Páo Dung của dân tộc Dao có 3 loại, gồm: Páo Dung lễ nghi là những bài hát được sử dụng lễ cấp sắc, lễ cưới, lễ cúng Bàn Vương, đám tang, cúng đầy tháng…
Páo Dung - Điệu hát truyền thống của dân tộc Dao - ảnh 1Một cảnh hát Páo dung ở trong nhà của dân tộc Dao đỏ.
Ảnh do địa phương ở tỉnh Cao Bằng cung cấp

Páo Dung trong sinh hoạt là các bài hát ru, hát vui chơi, hát giao duyên, hát đối đáp nam nữ… Páo Dung trong lao động, sản xuất là những bài hát ca ngợi lao động sản xuất, cảnh đẹp thiên nhiên, phản ánh đời sống du canh du cư, canh tác nương rẫy hay những kinh nghiệm về thời tiết, mùa vụ được các thế hệ người Dao tích lũy và truyền lại cho thế hệ sau.

Anh Bàn Đức Thắng, Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phan Thanh, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, cho biết: Hát không có ngày cố định. Vào những ngày lễ, ngày kiêng của người Dao đỏ, ngày kiêng gió, ngày kiêng con thú, con chim phá hoại mùa màng… thì bà con không làm việc đồng áng mà tập hợp thành từng nhóm rồi hát cho vui. Những bài hát đó như thay cho lời nói của mình để nói lên cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, tình yêu nam nữ, tình cảm anh em xa gần gặp nhau. Qua đó, đã gắn kết cộng đồng, tạo sân chơi văn hóa, văn nghệ cho bà con sau những ngày đồng áng vất vả, làm cho tinh thần sảng khoái.

Páo Dung - Điệu hát truyền thống của dân tộc Dao - ảnh 2Hát Páo dung ngoài trời của dân tộc Dao đỏ.
Ảnh do địa phương ở tỉnh Cao Bằng cung cấp

Người Dao rất yêu ca hát. Mỗi bước đi, mỗi ngày lao động, mọi niềm vui nỗi buồn đều được chắt thành lời ru của mẹ, lời tâm tình của chàng trai, cô gái, lời răn dạy của ông bà, cha mẹ… Lời hát được cất lên xua đi mọi mệt mỏi, buồn phiền và con người lại thấy tràn đầy sức sống. Theo thời gian, người Dao tự cùng nhau sáng tác, cùng nhau hát, cùng nhau vui chơi và chắt lọc những lời hát hay, ý nghĩa cho cuộc sống... để lưu truyền đến ngày nay. áo Dung đã tạo nên đời sống tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu quê hương, đất nước, yêu lao động, hiểu đạo lý… Bà Lý Mùi Sinh, người dân tộc Dao đỏ ở xã Phan Thanh, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, cho biết: " Hát vui có, hát sầu cũng có. Nhưng hát vui là nhiều, hát buồn ít có.Hát Páo Dung không có nhạc cụ đệm, được thể hiện ngẫu hứng, rất tự nhiên bằng chính cảm xúc cá nhân của người hát, chính vì vậy các làn điệu Páo Dung giàu nhạc điệu và thấm đậm chất trữ tình. Nét độc đáo trong hát Páo Dung giao duyên là lời ca được ứng khẩu ngay tại chỗ, thể hiện tài ứng biến của người hát.

Páo Dung - Điệu hát truyền thống của dân tộc Dao - ảnh 3Bà con đứng trước nhà cộng đồng dân tộc Dao đỏ. Ảnh do địa phương ở tỉnh Cao Bằng cung cấp

Anh Bàn Dào Pu, Phó Chủ nhiệm cộng đồng dân tộc Dao đỏ ở xã Phan Thanh, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, cho biết: "Nói về hát của dân tộc Dao đỏ có nhiều bài hát có ý nghĩa khác nhau. Hát giao duyên chẳng hạn thì theo truyền thống ngày xưa đối đáp, như kiểu dao duyên, hỏi và trả lời. Ví dụ người ta đang đi đường gặp nhau hỏi thăm xem bạn đi đâu, rồi hát đáp lại và hỏi lại bạn đi đâu, làm gì?"

Điều đặc biệt ở Páo Dung là có thể cùng một loại hình, một nội dung nhưng ở mỗi ngành Dao lại có giọng điệu, âm hưởng và hình thức thể hiện riêng làm phong phú thêm kho tàng dân ca của đồng bào dân tộc Dao. Lời ca giàu hình tượng và sử dụng nhiều từ ví von, so sánh.

Chị Phùng Mùi Viện, dân tộc Dao đỏ ở xã Phan Thanh, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, cho biết: "Trong những ngày rảnh rỗi, bà con có thời gian nghỉ ngơi thì vẫn có thể hát. Ví dụ hát đối đáp nhau về nam nữ. Trong cuộc sống hát đối đáp nhau về cuộc sống, văn hóa của người Dao đỏ. Chia từng nhóm ra hát, ví dụ nam với nam, nữ với nữ hoặc là cả nam cả nữ cũng được. Mặc trang phục dân tộc truyền thống để hát."

Với giá trị độc đáo, ngày 21/2/2024, Páo Dung của người Dao ở tỉnh Hà Giang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn phi vật thể Quốc gia. Với người Dao, Páo Dung luôn được gìn giữ như báu vật. Trải qua thời gian dài, đến nay, những làn điệu Páo Dung vẫn được gìn giữ và phát triển bởi các thế hệ dân tộc Dao. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác