Tết Nhảy – Nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Dao Tiền

(VOV5) - Lễ Tết nhảy là thời điểm để hội tụ dòng họ, để mọi người gặp gỡ chúc tụng nhau, là ngày vui của toàn cộng đồng.

Ở tỉnh Sơn La, người Dao Tiền chủ yếu sinh sống ở huyện Mộc Châu, Vân Hồ và Phù Yên. Giống như cộng đồng người Dao Tiền và một số nhóm Dao khác ở Việt Nam, người Dao Tiền ở đây vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo, trong đó phải kể đến Tết nhảy.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

Tết nhảy là lễ hội lớn nhất của người Dao Tiền ở xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Đây là Tết của dòng họ nhưng lại mang một ý nghĩa chung của cả cộng đồng làng bản, cho nên trước khi tổ chức các lễ vật phải được chuẩn bị hết sức chu đáo.
Theo quy định, Tết nhảy của người Dao Tiền ở xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, được tổ chức tại nhà ông trưởng họ, nơi thờ tự của tổ tiên gia tộc. Để chuẩn bị cho Tết nhảy thật chu đáo, vẹn toàn, gia đình ông trưởng họ phải chuẩn bị về lương thực, thực phẩm và các yếu phẩm cần thiết để làm vật dâng cúng và thết đãi những người tham dự.
Tết Nhảy – Nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Dao Tiền - ảnh 1Nghi lễ Pái Nháng trong Lễ Tết nhảy của dòng họ Triệu tại tiểu khu Tà Loọng, thị trấn Nông trường (Mộc Châu). 

Ông Lý Trọng Sinh, ở Phiên Luông, cho biết: "Lễ vật gồm bánh trái và 1 con lợn là tất cả hành trình lễ. Bây giờ nó cũng tùy thuộc, nếu như cộng đồng dân cư đấy mà đông hoặc dòng họ mình đông thì làm to, ít thì làm bé."

Với họ Lý, gia chủ còn chuẩn bị thêm giấy dó để nhờ thầy cúng, người cao tuổi hoặc có uy tín trong bản trang trí nơi thờ cúng. Người này sẽ cắt giấy thành hình ông mặt trời, con cá, con ngựa, con chó… rồi dán lên bàn thờ. Chính vì vậy, trước khi tổ chức Tết nhảy bàn thờ được quét dọn và trang trí rất cẩn thận, kỹ lưỡng.

Ông Lý Trọng Sinh cho biết thêm: "Nội dung chính tạ ơn các tổ Bàn Vương và trong đó tổ nhà mình từ các thế hệ nhiều đời để lại. Ví dụ như miếu này, ,ở dưới xuôi đưa các cụ vào nhà chùa thì chúng tôi đưa vào miếu này. Bàn thờ chỉ trưởng họ thôi có cái bàn thờ như thế này. Chỉ có ông trưởng họ mới có bàn thờ này còn các gia đình bình thường thì có cái bàn nó đơn giản hơn thì bao giờ tết nhảy cũng tập trung vào nhà ông trưởng họ, cố định ông trưởng họ."

Tết Nhảy – Nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Dao Tiền - ảnh 2Ban thờ và những lễ vật chuẩn bị cho lễ Tết nhảy của đồng bào Dao Tiền ở Phiêng Luông, Mộc Châu, Sơn La. Ảnh: VOV

Ngoài dọn dẹp, chỉnh trang lại bàn thờ và các lễ vật thì trong lễ Tết nhảy của người Dao tiền ở Phiêng Luông không thể thiếu được cây lộc. Ông Lý Văn Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Truyền thông huyện Mộc Châu, cho biết: "Cây lộc tượng trưng cho một năm mùa màng bội thu., trên cây lộc rất là nhiều quả tượng trưng cho năm vừa rồi mùa màng bội thu, và lại cầu cho một năm mùa màng bội thu nữa hơn. Kiểu gì nó cũng phải có con gấu, rồi con sóc, rồi có tổ ong, ý nghĩa  là cầu cho năm tới mùa màng bôi thu rồi đi săn, đi hái lượm cũng may mắn, gặp tổ ong, gặp con sóc, gặp con gấu."

Sau khi chuẩn bị đầy đủ các lễ vật này thì người Dao Tiền tiến hành tổ chức lễ Tết nhảy (hay còn gọi là Tết cầu mùa) trước sự chứng kiến, tham gia của cả dòng họ và của cộng đồng làng bản. Tết nhảy được tổ chức với mong muốn cầu may mắn, sức khỏe, bình an cho gia đình, dòng họ và tẩy oan trái cho nên nghi thức rất khắt khe, yêu cầu chính xác về thời gian và thủ tục. Đồng thời, phải là ngày lành tháng tốt, phù hợp với tuổi của gia chủ và do thầy mo chọn. Sau đó, gia chủ sẽ thông báo đến từng nhà trong họ để cùng tham dự.

Tết Nhảy – Nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Dao Tiền - ảnh 3Nét đặc sắc trong Tết nhảy là phần lễ và hội cùng đan xen nhau, những người hành lễ vừa cúng vừa múa và đọc thơ. Ảnh: VOV

Ông Lý Trọng Sinh cho biết: "Tết nhảy chúng tôi thường thường gọi là tết cầu mùa thế nhưng mà ở trong cộng đồng dân tộc Dao thì có một số dòng họ không có, còn một số dòng họ thì có nhưng mà vì xu hướng kinh tế họ không quan tâm lắm, nhưng với chúng tôi muốn duy trì để bào tồn văn hóa bản sắc, 3 năm lặp lại một lần. Phong tục này lưu truyền từ xa xưa chúng tôi gọi là púng nhắng siêu tức là ba năm lại đến kỳ."

Tết nhảy là nghi lễ cúng Bàn Vương - thủy tổ của dân tộc Dao, nhằm tạ ơn tổ tiên và các vị thần nên rất linh thiêng. Nó gồm các nghi lễ: Cúng Tết Nguyên đán; cúng chuyển tiếp (cúng từ Tết Nguyên đán sang Tết nhảy); khai đàn.

Ông Lý Văn Vinh, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa truyền thông huyện Mộc Châu, cho rằng: "Tết cầu mùa rất là linh thiêng, nó cầu cho một năm mùa màng bội thu, 2,3 năm sẽ tổ chức một lần tại nhà ông trưởng họ, khi mà một năm mùa màng bội thu thì tất cả con cháu trong dòng họ sẽ tập trung vào nhà ông trưởng họ vào ngày 29 tết để chuẩn bị  các thủ tục như là bánh bột, lợn gà, rượu tập trung vào nhà trưởng họ để đêm 29 tết nhà trưởng họ để mừng chúc cho một năm mùa màng bội thu, sau đó lại cầu cho một năm mới mùa màng bội thu nữa."

Nét đặc sắc trong Tết nhảy là phần lễ và hội cùng đan xen nhau, những người hành lễ vừa cúng vừa múa và đọc thơ. Đầu tiên là múa bài Thượng đàn, mỗi người cầm một thứ dụng cụ như: Chuông, thanh la, trống, chiêng, gậy thờ… vừa múa, vừa hát, sau đó là múa kiếm.

Ông Lý Trọng Sinh cho biết: "Nhảy ban đầu phải là đàn ông khỏe khoắn, 4 hoặc 6 người ra nhảy xong là hát những bài hát cộng đồng. Sau đấy ra khỏi nhà đi xua đuổi ma tà xung quanh đây là diễn ra ban ngày nhưng mà thông thường chúng tôi làm 4 giờ sáng phải làm việc đấy rồi, 4,5 đàn ông là đi khắp bản đi xua đuổi ma tà những cái đen đủi của năm cũ để bước sang năm mới khi quay trở về thì nó đã rạng sáng rồi thì mình lại làm cái thủ tục là bái tạ các cụ rồi là nhảy xòe, cầu lộc cầu tài đưa về dòng họ mình và đưa về bản làng mình."

Theo ông Lý Văn Vinh, phần mở đầu và phần kết thúc chị em phụ nữ không được nhảy. Còn phần đoạn múa xòe cộng đồng thì mọi người bình đẳng với nhau, mọi người bất kể gái trai, già hay trẻ đều có thể tham gia múa, tham gia xòe: "Đầu tiên là báo với tổ tiên, từ những cái đây có cái cờ, con dao, rồi có linh vật của con chó, thế thì đầu tiên người ta sẽ làm lễ ở trong nhà trước, sau đó người ta sẽ đi xua đuổi ma tà xung quanh nhà. Sáng đêm mùng 1 tết sau đó để ở ngoài người ta lại múa xòe nhảy, xong lại mang cái kiếm, cái cờ đặc trưng vào. Tức là trong một lần như thế lặp đi lặp lại những cái vòng như thế đến khoảng mùng 2 tết."

Lễ Tết nhảy là thời điểm để hội tụ dòng họ, để mọi người gặp gỡ chúc tụng nhau, là ngày vui của toàn cộng đồng. Tuy quy mô không lớn và không có nhiều người ngoài dân tộc biết đến, nhưng với cộng đồng người Dao tiền ở Phiêng Luông lại mang  nhiều ý nghĩa, là sợi chỉ gắn kết cộng đồng bền chặt bao đời nay.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác