Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng nhà nước pháp quyền

(VOV5) - Nhà nước pháp quyền theo tư tưởng Hồ Chí Minh là  nhà nước có hệ thống pháp luật dân chủ, thể hiện ý chí, lợi ích của nhân dân. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, khi xây dựng nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á sau Cách mạng tháng Tám 19/8/1945, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong tổ chức và vận hành nhà nước kiến tạo, phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng nhà nước pháp quyền - ảnh 1Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra mắt tháng 8/1945 - Ảnh tư liệu: TTXVN

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân thể hiện trình độ kết hợp nhuần nhuyễn quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin với việc kế thừa, tiếp thu có chọn lọc kho tàng tri thức, kinh nghiệm của nhân loại, vận dụng sáng tạo vào điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam. Đó là nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 03/9/1945, khẳng định: “Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”. Quyền lực nhà nước là quyền lực của nhân dân, do nhân dân ủy thác cho các cơ quan trong bộ máy nhà nước”.

Nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền là nhà nước pháp quyền có sự kết hợp nhuần nhuyễn pháp luật và đạo đức trong quản lý nhà nước và xã hội. Theo Người, đạo đức là gốc của pháp luật, còn pháp luật chính là đạo đức chuẩn mực trong xã hội.

Nhà nước pháp quyền theo tư tưởng Hồ Chí Minh là nhà nước tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Trong bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Đây là một trong những bản tuyên ngôn nhân quyền có tinh thần cách mạng, khoa học và nhân văn cao cả; phản ánh một tầm nhìn thời đại, một tư duy sắc sảo về quyền con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người không chỉ dừng lại ở quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc mà Người còn bàn tới quyền làm chủ, quyền được pháp luật bảo vệ, quyền đi lại, cư trú, quyền làm công dân, quyền hôn nhân và xây dựng gia đình, quyền sở hữu tài sản, quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo… Có thể nói, quyền con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh là một khái niệm phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu trên các phương diện quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội...

Nhà nước pháp quyền theo tư tưởng Hồ Chí Minh là  nhà nước có hệ thống pháp luật dân chủ, thể hiện ý chí, lợi ích của nhân dân. Tính dân chủ của pháp luật không chỉ thể hiện ở chỗ nội dung các đạo luật ghi nhận quyền và lợi ích của nhân dân mà còn thể hiện ở chỗ nhân dân trực tiếp tham gia xây dựng các đạo luật. Việc xây dựng pháp luật phải xuất phát từ sáng kiến của nhân dân, có sự tham gia đóng góp ý kiến của các cơ quan đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân. Trên thực tế, trong quá trình xây dựng các bản hệ thống pháp luật, đặc biệt là các bản Hiến pháp, Việt Nam luôn bảo đảm sự tham gia đóng góp ý kiến của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng nhà nước pháp quyền - ảnh 2Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Ảnh tư liệu TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh trách nhiệm pháp lý của Đảng, Nhà nước và cán bộ đảng viên nếu không làm tốt chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong nhà nước pháp quyền. Người cũng yêu cầu có biện pháp kiểm soát quyền lực nhà nước, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong bộ máy nhà nước, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, trong sạch, thực sự là công bộc của nhân dân. Như vậy, có thể khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân đã phát triển tới một đỉnh cao, phản ánh sự hoàn thiện của tư duy vừa khoa học, tiến bộ vừa nhân văn cao cả, hướng tới xây dựng một nhà nước chứa đựng đầy đủ những giá trị cao quý nhất của nền văn minh thế giới, của thời hiện đại, đó là những chân giá trị của chế độ nhà nước dân chủ và pháp quyền.

Tại thời điểm 77 năm sau Cách mạng tháng Tám 19/8/1945 và thành lập nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa 2/9/1945, Việt Nam tăng cường vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa bằng việc tiếp tục đổi mới quy trình lập pháp, nâng cao năng lực xây dựng pháp luật, bảo đảm có hệ thống pháp luật toàn diện, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật xuất phát từ yêu cầu thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và khắc phục những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành. Việt Nam cũngkhẩn trương thể chế hóa các quy định về quyền con người, quyền và tự do hiến định của công dân, bảo đảm trách nhiệm hai chiều giữa Nhà nước và công dân trong việc thúc đẩy và thực thi quyền con người, quyền và tự do của công dân. Việt Nam cũng tăng cường hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong bộ máy nhà nước, tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền. Đây là những việc làm ý nghĩa, thiết thực, nhằm tiếp nối và triển khai đầy đủ tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác