63 năm Điện ảnh quân đội nhân dân: Từ quả ngọt hướng đến mùa mới

(VOV5) - Từ hòa bình lập lại cho đến hôm nay, Điện ảnh Quân đội nhân dân tiếp tục tỏa sáng hình tượng người lính trong việc tham gia xây dựng đất nước, khắc phục hậu quả chiến tranh.

Ra đời ngày 17/8/1960, trải qua các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Điện ảnh Quân đội nhân dân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phản ánh tình hình chiến trận, khắc họa hình tượng người lính quân đội nhân dân Việt Nam, và các vấn đề ở hậu phương.

Các bộ phim tài liệu và phim truyện của Điện ảnh Quân đội nhân dân thuở ấy đã kịp thời tôn vinh tinh thần dũng cảm và sự hy sinh của người lính trong chiến đấu, đóng góp vào việc hun đúc, bồi đắp lòng yêu nước, góp phần đẩy mạnh tinh thần đoàn kết trong sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước.

Từ hòa bình lập lại cho đến hôm nay, Điện ảnh Quân đội nhân dân tiếp tục tỏa sáng hình tượng người lính trong việc tham gia xây dựng đất nước, khắc phục hậu quả chiến tranh.

63 năm Điện ảnh quân đội nhân dân: Từ quả ngọt hướng đến mùa mới - ảnh 1Các nghệ sĩ của Điện ảnh Quân đội và các văn nghệ sĩ nhận giải thưởng của Bộ Quốc phòng.

Tại các kỳ Liên hoan Phim Việt Nam, Giải thưởng Hội điện ảnh Việt Nam, Giải Báo chí Quốc gia… tên tuổi Điện ảnh Quân đội nhân dân ngày càng được khẳng định thông qua các giải thưởng cao quý đã đạt được. Các tác phẩm phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học quân sự đem đến cái nhìn đa chiều, chân thực về người lính, qua nhiều đề tài phong phú như: Đề tài về lịch sử và chiến tranh cách mạng; Đề tài về người lính hôm nay; Đề tài về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Đề tài xây dựng Đảng trong cuộc sống; Đề tài thương binh, liệt sĩ và hậu chiến; Đề tài chủ quyền biên giới biển đảo… Ở thể loại phim khoa học – giáo khoa quân sự, Điện ảnh Quân đội nhân dân cũng tập trung phản ánh những tiến bộ mới mà người lính đạt được trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ có tính lưỡng dụng như cứu hộ cứu nạn, phòng cháy chữa cháy, y sinh học, v.v…

Đề tài lịch sử và chiến tranh cách mạng đưa khán giả trở về những năm tháng chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ… Những hình ảnh, tư liệu lịch sử được quay trực tiếp trên chiến trường xuất hiện trên màn ảnh gợi nên bao xúc động và tự hào. Để có được những hình ảnh tư liệu quý giá ấy, là sự hy sinh to lớn của thế hệ những phóng viên chiến trường (đã xuất hiện trong bộ phim tài liệu “Phim đỏ”, đạt giải Bông sen Bạc năm 2021). Trong bộ phim tài liệu dài tập “Con đường đã chọn”, khán giả được chứng kiến nhiều hình ảnh tư liệu quý về những cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, chống Mỹ của quân và dân Việt Nam. Bộ phim giành được nhiều giải thưởng như: Giải Cánh diều Bạc năm 2021, giải B Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI.

63 năm Điện ảnh quân đội nhân dân: Từ quả ngọt hướng đến mùa mới - ảnh 2Đạo diễn Đặng Thái Huyền đang chỉ đạo đoàn làm phim truyện Người trở về, bộ phim sau đó đoạt giải Cánh diều bạc 2015..

Chiến tranh khốc liệt và gieo rắc bao mất mát. Cuộc sống của người lính trở về sau cuộc chiến cũng ẩn chứa nhiều hy sinh và trăn trở. Đó là nhân vật Mây chấp nhận hy sinh tình yêu trong bộ phim “Người trở về” (đạo diễn Đặng Thái Huyền), đoạt Giải cánh diều Bạc năm 2015.

Với đề tài hậu chiến, khán giả còn được chứng kiến những mâu thuẫn nội tâm sâu sắc của nhân vật Kevil trong bộ phim “Khúc mưa” (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng) – một người con trong gia đình ngụy quân Sài Gòn trở về quê hương Việt Nam sau chiến tranh, trong hành trình “hóa giải” những nỗi đau trong tâm hồn sau chiến tranh.

63 năm Điện ảnh quân đội nhân dân: Từ quả ngọt hướng đến mùa mới - ảnh 3Cảnh trong phim Ngày về của đạo diễn Phạm Thanh Hùng, bộ phim đoạt giải Cánh diều Vàng năm 2017 và Bông sen Bạc năm 2017.

Tri ân những những người lính đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, những thương, bệnh binh vẫn đang ngày đêm chiến đấu với di chứng chiến tranh để vươn lên, bộ phim tài liệu “Ngày về” (đạo diễn Phạm Thanh Hùng) đã mang đến cho khán giả bao niềm cảm động dâng trào. Không dùng quá nhiều lời bình, bằng những hình ảnh đắt giá, cùng với tiếng động nền trực tiếp tại hiện trường và những phỏng vấn đầy xúc động được dựng trên một tiết tấu chậm, sâu lắng, nhà làm phim đã thực sự chạm được tới trái tim khán giả. Bộ phim đã xuất sắc đoạt giải Cánh diều Vàng năm 2017 và Bông sen Bạc năm 2017.

Trở về sau những năm tháng chiến tranh, mang theo bao vết thương trên thân thể, bao nỗi xót xa về đồng đội đã nằm lại các chiến trường, người lính vẫn âm thầm và tận tâm tận lực tham gia hóa giải những nỗi đau chiến tranh và xây dựng đất nước. Đó là những cựu chiến binh của Trung đoàn 209 (Trung đoàn Mũ sắt Hà Nội) hàng chục năm đi tìm hài cốt đồng đội hy sinh tại dãy núi Chư Tan Kra, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Những câu chuyện xúc động về họ được thể hiện trong bộ phim tài liệu “Chư Tan Kra”(đạo diễn Vũ Minh Phương), phim đoạt giải Cánh diều Vàng năm 2019, Bông sen Bạc năm 2019.

63 năm Điện ảnh quân đội nhân dân: Từ quả ngọt hướng đến mùa mới - ảnh 4Phim tài liệu Chư Tan Kra đoạt giải Bông sen Bạc Liên hoan phim Việt Nam năm 2019.

Những anh hùng thời chiến nay lại trở thành một cầu nối hàn gắn vết thương chiến tranh, bình thường hóa quan hệ với các nước đối lập, đó là những người lính xuất hiện trong bộ phim tài liệu “Hóa giải” (đạo diễn Vũ Anh Nhất). Bộ phim đoạt Giải B Giải Báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XV.

Điện ảnh Quân đội nhân dân đã giành được nhiều giải thưởng trong sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Giai đoạn I năm 2016 – 2018, phim tài liệu “Như hạt phù sa” (đạo diễn Vũ Minh Phương), giành giải A, đã khắc họa đậm nét hình ảnh cựu chiến binh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Nguyễn Văn Hoàng. Người cựu chiến binh này cả cuộc đời luôn tâm niệm phải sống sao cho “trọn nghĩa nước non, vẹn tình đồng đội”. Giai đoạn II 2018 – 2020, cũng có hai giải B cho phim tài liệu “Người kể chuyện Bác Hồ” (đạo diễn Bùi Thanh Hải) và “Người truyền cảm hứng” (đạo diễn Hà Xuân Trường).

63 năm Điện ảnh quân đội nhân dân: Từ quả ngọt hướng đến mùa mới - ảnh 5Cảnh phim "Con đường có mặt trời", đạo diễn Vũ Anh Nhất - Bộ phim được trao Bằng khen và giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Giải Cánh diều 2020.

Học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ cha ông đi trước, người lính ngày hôm nay luôn cố gắng rèn luyện, phát huy sức trẻ, lòng nhiệt huyết trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tinh thần ấy đã giúp nhân vật Duy Nghĩa trong phim truyện “Con đường có mặt trời” trưởng thành, có được những bài học về tình người, tình đồng chí, đồng đội. Bộ phim cũng giành được Bằng khen và giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Giải Cánh diều năm 2020.  Không thể thiếu bộ phim “Em nữa là 12” , “Tiểu đội hoa hồng” (đạo diễn Nguyễn Quang Quyết), hình ảnh những người lính trẻ lại được thể hiện bằng sự vui vẻ, hài hước nhưng không kém phần mạnh mẽ, kiên trung.

Phim khoa học mang tính đặc thù, cần sự nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm túc để mang đến những thông tin chính xác, kịp thời. Đó cũng chính là một trong những thế mạnh của Điện ảnh Quân đội nhân dân. Nhờ vậy, đơn vị cho ra đời nhiều tác phẩm giá trị như: “Nuôi cấy tinh tử trong điều trị vô tinh nam” - giải A Giải thưởng 5 năm Bộ Quốc Phòng 2014 – 2019, “Ghép tạng” - giải Cánh diều Bạc năm 2019, “Tắc mạch xạ trị” - Giải Cánh diều vàng năm 2020, Bông sen Bạc năm 2020.

63 năm Điện ảnh quân đội nhân dân: Từ quả ngọt hướng đến mùa mới - ảnh 6Các nghệ sĩ Điện ảnh Quân đội tham dự Lễ bế mạc và trao giải Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22.

Nhìn lại những “quả ngọt” đã đạt được trong 63 năm qua, Thượng tá Nguyễn Thu Dung, Giám đốc Điện ảnh Quân đội khẳng định, Điện ảnh Quân đội sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh, hướng tới một “mùa mới” với nhiều tác phẩm chất lượng hơn nữa.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác