Điện ảnh Quân đội nhân dân: Những nghệ sĩ mặc áo lính tiếp bước truyền thống

(VOV5) - Điện ảnh Quân đội nhân dân đã, đang đi đúng hướng trong việc tạo điều kiện tốt nhất cho nghệ sĩ của mình thăng hoa trong nghề nghiệp.

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Sơn Tùng:

Điện ảnh Quân Đội nhân dân là hãng phim hàng đầu của Điện ảnh Việt Nam có truyền thống trong việc sản xuất nhiều thước phim tư liệu quý giá, nhiều bộ phim có giá trị nghệ thuật cao về đề tài trí ân các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống cho nền hòa bình hôm nay.
Thượng tá Nguyễn Thu Dung, Giám đốc Điện ảnh Quân đội cho biết: Bên cạnh các đề tài về chiến tranh cách mạng, về người lính ngày nay, về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đề tài xây dựng Đảng, thì đề tài Thương binh, liệt sĩ và hậu chiến được Đảng ủy, Ban Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân đặc biệt quan tâm, định hướng cho đội ngũ biên tập viên, biên kịch triển khai sáng tác.
Điện ảnh Quân đội nhân dân: Những nghệ sĩ mặc áo lính tiếp bước truyền thống  - ảnh 1Điện ảnh Quân đội Nhân dân tổ chức tuần phim phục vụ bộ đội và nhân dân.

Thiếu tá Nguyễn Huy Hùng, Trưởng phòng Biên tập khẳng định: "Các bộ phim về đề tài thương binh liệt sĩ được sản xuất không chỉ hướng đến các dịp kỷ niệm năm chẵn, mà đối với chúng tôi, còn có ý nghĩa như là sự tri ân tới những người lính đã dành cả thanh xuân, tuổi trẻ, sinh mạng của mình để giành độc lập thống nhất, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Các tác phẩm đề tài thương binh, liệt sĩ được khai thác dưới nhiều góc độ để khắc họa trọn vẹn chân dung và phẩm chất người lính “Bộ đội Cụ Hồ” sẵn sàng hy sinh, chiến đấu trong chiến tranh; trong hòa bình, họ cũng là những tấm gương để thế hệ trẻ tiếp tục noi theo.”

Năm năm gần đây, Điện ảnh Quân đội nhân dân đã sản xuất 6 phim về đề tài Thương binh liệt sĩ. Đó là phim truyện “Nơi ta không thuộc về” (sản xuất 2018), phim tài liệu “ChưTankra” (sản xuất 2019), phim tài liệu “Mầm xanh đất lửa”, phim tài liệu “Phim đỏ” (sản xuất 2020), phim tài liệu “Nỗi đau da cam” (sản xuất 2021), phim tài liệu “Niềm tin” (sản xuất năm 2022).
Điện ảnh Quân đội nhân dân: Những nghệ sĩ mặc áo lính tiếp bước truyền thống  - ảnh 2Tổ chức cảnh quay phim tài liệu lịch sử của Điện ảnh Quân đội Nhân dân.

Trưởng phòng biên tập Nguyễn Huy Hùng cho biết thêm: "Thời gian tới, đây tiếp tục là một trong những đề tài mà chúng tôi tập trung khai thác. Điện ảnh Quân đội nhân dân đang sản xuất tiền kỳ phim tài liệu “Suối nguồn” trong kế hoạch năm 2023. Đồng thời xây dựng các kịch bản chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất năm 2024 và các năm tiếp theo như: “Lời thề và ước nguyện”, “Lời hứa”, “Tri ân”.”

Thượng tá, đạo diễn Đặng Thái Huyền - Phó Giám đốc Điện ảnh Quân đội chia sẻ: "Có những thời điểm, Điện ảnh Quân đội gặp khó khăn khi một loạt các nhà làm phim gạo cội có tay nghề cao, có năng lực chuyên môn nghỉ hưu. Lớp thế hệ đạo diễn trẻ kế tiếp còn mỏng về kinh nghiệm nghề nghiệp. Tuy nhiên Đảng uỷ Ban Giám đốc Hãng phim đã lập tức có những chiến lược, định hướng kịp thời như mời các đạo diễn lâu năm cộng tác để dìu dắt, kèm cặp các đạo diễn trẻ, hoặc tạo điều kiện cho các cán bộ trẻ đi học nâng cao ở các trường nghề nghiệp. Khoảng 10 năm trở lại đây, rất nhiều đạo diễn, biên kịch, quay phim trẻ của hãng đã khẳng định được tay nghề, tên tuổi, vị trí của mình ở các giải thưởng trong nước - nối tiếp truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước.”

Điện ảnh Quân đội nhân dân: Những nghệ sĩ mặc áo lính tiếp bước truyền thống  - ảnh 3Các nhà quay phim của Điện ảnh Quân đội tác nghiệp.

Những cái tên có thể kể đến như Hồng Thắng, Thanh Hùng, Danh Trường, Minh Phương, Quang Quyết – là những gương mặt đã gặt hái nhiều giải thưởng như Cánh diều vàng, Bông sen, Giải báo chí quốc gia và nhiều giải thưởng khác. Thế hệ sáng tác trẻ thế 9x nối tiếp như Diệu Hoa, Thanh Hải, Hải Long, Duy Hồi, Mai Anh, Hoài Thương, …năm nào cũng mang về thành tích cho đơn vị ở các giải hội nghề nghiệp.

Theo đạo diễn Đặng Thái Huyền thì: "Giải thưởng không nói lên hết tất cả, nhưng nó cũng là minh chứng sinh động cho việc  Điện ảnh Quân đội nhân dân đã, đang đi đúng hướng trong việc tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ sáng tác trẻ của mình có được môi trường làm việc tốt, chỉn chu, thăng hoa trong nghề nghiệp và có điều kiện để tái tạo năng lượng cho những tác phẩm tiếp theo.”

Điện ảnh Quân đội nhân dân: Những nghệ sĩ mặc áo lính tiếp bước truyền thống  - ảnh 4Tổ chức cảnh quay phim truyện.

Là đạo diễn thực hiện phim tài liệu “Phim đỏ” rất xúc động về thế hệ các liệt sỹ quay phim đã ngã xuống trên chiến trường, đạo diễn, thiếu tá Nguyễn Quang Quyết cho biết: “Phim đỏ” không chỉ dừng lại ở một bộ phim có câu chuyện, nhân vật nữa mà nó là lòng biết ơn, sự tri ân cũng như trách nhiệm của thế hệ trẻ với cha anh đi trước. Mỗi khi nhận một đề tài nào đó đặc biệt là đề tài về người lính, hậu phương người lính, anh luôn đặt cho mình câu hỏi: làm sao cho nó hay, khán giả sẽ cần gì ở câu chuyện ấy? Bởi lẽ đề tài về người lính có thể coi là mảnh đất màu mỡ cho các đạo diễn khai thác, nhưng lại luôn phải làm mới nó, luôn đi sâu và tìm những góc khác, khía cạnh khác mà ít người khai thác hoặc chưa khai thác được thấu đáo.  

“Có thể nói đứng trước  tác phẩm người đạo diễn phải luôn không trăn trở và dành nhiệt huyết cho đứa con tinh thần của mình. Bởi nếu không có lao động trong tác phẩm của mình thì không thể mang tới cho khán giả được món ăn tinh thần tốt nhất và đương nhiên nó sẽ làm hỏng đề tài, hỏng một câu chuyện, nhân vật hay. Như vậy là có tội với lịch sử, có lỗi với những sự kiện đã trải qua. Và tôi tin chắc rắc trong bất cứ tác phẩm điện ảnh nào, sự thành công còn phải đến từ lao động của cả một tập thể để tác phẩm đến với khán giả được tốt nhất” - đạo diễn Quang Quyết nói.

Điện ảnh Quân đội nhân dân: Những nghệ sĩ mặc áo lính tiếp bước truyền thống  - ảnh 5Các nghệ sĩ Điện ảnh Quân đội tác nghiệp trong phim khoa học khoa học quân sự.

Là một đạo diễn trẻ, thuộc thế hệ 9X, trung úy Bùi Thanh Hải mới hoàn thành bộ phim lịch sử về Chiến thắng Khe Sanh, một đề tài khó và có độ lùi thời gian đã khá xa. Đạo diễn Bùi Thanh Hải nói: Không khỏi choáng ngợp khi tiếp cận với một sự kiện lịch sử như Chiến thắng Khe Sanh, anh đã cùng biên kịch, biên tập phim dành khá nhiều thời gian để làm việc với tư liệu lịch sử, và cũng nhận được sự ủng hộ hết mình của Ban Giám đốc Điện ảnh Quân đội cũng như các cụ cựu chiến binh.  Xây dựng một bộ phim lịch sử qua cảm nhận của một thanh niên thế hệ 9X, đạo diễn Thanh Hải cùng đoàn phim tổ chức một hành trình nhân vật dẫn chuyện cùng các cựu chiến binh Khe Sanh - nay đã đều ở tuổi trên dưới 90 - trở về chiến trường xưa.

”Tôi thực sự ngưỡng mộ người lính Khe Sanh, không chỉ qua những câu chuyện lịch sử, mà qua cả việc các cụ không ngại tuổi già và nắng nóng, đồng hành cùng chúng tôi trong những ngày thực hiện khâu tiền kỳ của bộ phim, để đóng góp vào một bộ phim tri ân những đồng đội đã ngã xuống của các cụ. " - Thanh Hải tâm sự.

Theo thượng tá, Giám đốc Điện ảnh Quân đội Nguyễn Thu Dung, trước những yêu cầu đổi mới cấp thiết của nghệ thuật điện ảnh trong thời đại mới, các nghệ sĩ Điện ảnh Quân đội Nhân dân cũng nỗ lực xây dựng những chiến lược, phương thức để tác phẩm của mình đến gần hơn với khán giả, tìm tòi những đề tài tiếp cận khán giả trẻ. Và khi những người lính nói riêng và khán giả nói chung tìm đến với những tác phẩm của các nghệ sĩ điện ảnh Quân đội hôm nay, cùng khám phá, sẻ chia và đồng cảm, thì điều đó cũng góp phần khẳng định sự phát triển của đội ngũ nghệ sĩ điện ảnh quân đội, đã phát huy và tô đẹp thêm những giá trị nghệ thuật, giá trị tinh thần mà các thể hệ nghệ sĩ đi trước từng dày công vun đắp.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác