Bão lũ và những trang thơ tươi ròng cảm xúc

(VOV5) - Trước thiên tai và bao nỗi cơ cầu của đồng bào, đồng loại, trái tim vốn nhạy cảm của người làm thơ trào dâng bao cảm xúc để tượng hình nên những sáng tác.

Từ bao đời này, là một đất nước bên bờ sóng, Việt Nam ta đã gánh chịu biết bao cơn nhiễu động của đất trời. Mỗi cơn bão đi qua là bao ngổn ngang, nỗi niềm còn đọng lại. 

Nghe âm thanh bài tại đây qua giọng đọc PTV Kim Phượng:
Nhà thơ Tế Hanh, một tên tuổi của phong trào Thơ Mới có bài thơ “Bão” nổi tiếng đã được nhạc sĩ Thanh Tùng phổ nhạc. Bài thơ ngắn gọn, mượn cảnh nhiễu động của đất trời để gửi gắm lời tự sự về một tình yêu đã mất: "Cơn bão nghiêng đêm/ Cây gãy cành bay lá/ Ta nắm tay em/ Cùng nhau qua đường cho khỏi ngã/ Cơn bão tạnh lâu rồi/ Hàng cây xanh thắm lại/ Nhưng em đã xa xôi/ Và cơn bão lòng ta thổi mãi”.
Trong “Trường ca biển” ra đời cách đây 30 năm, nhà thơ Hữu Thỉnh đã đặc tả sự khủng khiếp của cơn thịnh nộ đất trời: “Bão vò cây gào rít điên cuồng/ Tóc của bão là lá cây rách tướp/ Tay của bão là sóng thần rợn ngợp…”. Cơn cuồng phong bão biển còn đi vào nhiều sáng tác của các nhà thơ Tân Trà, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Vũ Tiềm…Đây là những câu thơ đắt giá về bão biển của nhà thơ Tân Trà: “Bão trước chưa tan tiếp bão sau/ Biển gầm dằn vặt nỗi gian lao/ Nghĩ thương con sóng từ trong trứng/ Vừa lọt lòng ra đã bạc đầu”. 
Bão lũ và những trang thơ tươi ròng cảm xúc - ảnh 1Bão Yagi khi đang mạnh lên ở Biển Đông. Ảnh: PAGASA

Và nỗi xót xa trước những cơn bão và lũ lụt thường niên ở miền Trung ruột thịt thấm đẫm trong những trang thơ của những người con xa xứ Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Hữu Quý…Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu trong bài thơ “Miền Trung” có những câu thơ nghẹn lòng: “Trắng trời một dải miền Trung/ Nước dâng, sóng dựng khắp vùng lũ xô/ Cánh buồm lạc biển nơi mô/ Mịt mờ mưa xối, nhấp nhô sóng tràn/ Cho tôi gọi những thôn làng/ Xám đen cơn gió lật ngang vòm trời/ Đêm ngày lũ quét, mưa rơi/ Tên làng chìm hút chơi vơi giữa dòng/ Cho tôi gọi những cánh đồng/ Lúa chìm trong nước, còn không mùa về?/ Vật vờ áo rách, nón mê/ Đàn trâu chết nổi, bờ tre chết chìm…”.

Trong số những bài thơ viết về bão lũ ở miền Bắc, bài thơ “Sau bão” của nhà thơ Hà Văn Thể - người con của sông Thao có những câu đặc biệt xúc động: “Cơn bão số hai đổ vào đất liền/ Nhà mẹ gió mang đi một nửa/ Một nửa bạt theo nước lũ/ Mẹ bàng hoàng trên chiếc nền không/ Có nỗi khổ nào như nỗi này không/ Tiền gạo hết cây vườn đổ nát/ Chiu chắt mấy mươi năm tay trắng cầm nước mắt…”.

Những ngày qua, cơn bão Yagi và những trận lũ lụt đã và đang tàn phá nặng nề nhiều tỉnh thành phía Bắc nước ta. Hậu quả để lại là bao đau thương, mất mát không dễ gì nguôi ngoai. Liên tiếp những tin tức giông bão, lũ lụt, thiệt hại, gãy đổ, ngập úng, sạt lở đè nén bao trái tim thương cảm. Sau cơn bão lớn vừa qua, cồn cào trong tâm cảm nhiều người là hình ảnh cây đổ ngổn ngang trên đường phố và những dòng sông nước ngập chân cầu. Biết bao lâu để một cây non trở nên cao lớn thành một cây cổ thụ? Và bao lâu để thực sự trời yên biển lặng? Trước hình ảnh cây gãy đổ ứa ra dòng nhựa sống, tác giả Nguyễn Văn Song ở Hưng Yên đã không thể cầm lòng. Anh viết bài thơ “Nói với em về cây sau bão” với những câu triết lý về cây xanh: “Cây cũng như người mang linh hồn xứ sở/ Cây cũng như người đầm mồ hôi và máu ứa/ Là tấm chắn đầu tiên và tấm chắn cuối cùng trong muôn trùng bão tố…"

Bão lũ và những trang thơ tươi ròng cảm xúc - ảnh 2Ký họa chân dung nhà thơ Thy Nguyên của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường. Ảnh: Báo Nhân dân

Những ngày vừa qua, TP Hải Phòng cũng hứng chịu nhiều thiệt hại do mưa bão. Nhà thơ Thy Nguyên cùng với gia đình, đồng nghiệp và người dân cũng đang nỗ lực để vượt qua khó khăn. Trong hoạn nạn, tấm tình dành cho vùng lũ của chị vẫn đong đầy. Sự cố sập cầu Phong Châu (Phú Thọ) cùng cùng với trận lũ quét kinh hoàng ở làng Nủ (Lào Cai) đã gây bàng hoàng, rúng động. Từ Hải Phòng, nhà thơ Thy Nguyên gửi lòng mình qua những vần thơ như một nén nhang lòng đầy thương cảm: “Bao ngậm ngùi trong lòng sông hôm nay/ Trong lòng người găm lo âu hẫng hụt/ Mỗi phút giây, mỗi rủi ro bất chợt/ Giấc ngủ như ghim, như xoáy kiệt tâm hồn...(Gửi Phong Châu).

Những năm qua, nhà thơ Nguyễn Thế Kiên, người con của Ý Yên (Nam Định) đã có nhiều bài thơ, ý thơ viết về mùa lũ trên vùng đồng chiêm trũng quê hương anh. Cảm xúc ấy giờ đây trở lại trong sáng tác của Nguyễn Thế Kiên khi hướng về quê nhà những ngày gần đây khi huyện Ý Yên, Nam Định phải di dân do tràn đê sông. Bài thơ “Từ kiếp lúa” còn chưa ráo mực gửi gắm bao suy tư, trăn trở và hi vọng: “Gió mưa từ mấy ngàn năm/ Ứa trong mắt mẹ ru thầm lặng xanh/ Em ơi, đồng trũng quê mình/ Học thân lúa mảnh chín tình yêu ta/ Lội bùn trong tuổi thơ xa/ Máng mương xanh điệu ru tha thiết đằm/ Con trâu mùa cũ vẫn nằm/ Trong khoang cổ tích nhai thầm lặng trưa./ Mùa thu nào chả bão mưa/ Lụt thành gia sản quê mùa đồng chiêm/ Quê nhà bùn đất mà nên/ Ngàn năm bồi một Ý Yên cõi lành/ Cổng nhà tre trúc vẫn xanh/ Những thiêng liêng tự lập thành cõi quê/ Đồng chiêm chưa ngớt bộn bề/ Trong kiếp lúa, nhập hồn quê vọng mùa”.

Hội nhà văn đã kêu gọi để giúp đỡ vùng lũ và nhiều nhà văn nhà thơ đã lên tiếng để thể hiện trách nhiệm công dân. Bão đã tan nhưng vẫn chưa ngớt mưa và những nguy cơ lũ lụt, lúc này đây, những vần thơ tươi ròng cảm xúc như một sự sẻ chia tinh thần tới đồng bào miền Bắc trong thời khắc khó khăn…

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác