Sân khấu đang dần hình thành một trong những xu hướng tích hợp nhiều thể loại (trong đó có cả những thể loại vốn đã định hình, được coi là có những tiêu chuẩn cứng, khuôn vàng thước ngọc) trong một chương trình nghệ thuật.
Đây là đòi hỏi tất yếu của tự thân đội ngũ sáng tạo sân khấu, đồng thời cũng là nhu cầu đòi hỏi của khán giả, công chúng nghệ thuật đương đại. Đội ngũ nghệ sĩ cũng rất tích cực để tìm kiếm nét mới cho sân khấu hiện nay mà một trong những sự kiện được chú ý là Cải lương kết hợp với Xiếc cho ra đời vở diễn Cây gậy thần.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Sự kết hợp giữa cải lương và xiếc tạo nên nhiều điều mới lạ. |
Lãnh đạo của Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn xiếc Việt Nam đều gặp nhau ở quyết tâm làm mới sân khấu khi đi theo cách dựng vở từ thế mạnh của cả hai loại hình. Bàn thảo, tìm hiểu những phần giao thoa của hai thể loại sân khấu này, các đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên, NSND Tống Toàn Thắng đã cùng lập dự án Huyền sử Việt với ý định khai thác những huyền tích về Tứ bất tử của người Việt. Mở đầu, cả hai đơn vị đã triển khai với vở Cây gậy thần về Chử Đồng Tử- vị thánh thứ Ba trong bốn truyền thuyết nổi tiếng.
Chử Đồng Tử là chàng trai Chử Xá nghèo chỉ quanh quẩn bên mom sông đánh bắt cá, vì duyên kỳ ngộ gặp công chúa Tiên Dung để nên nghĩa vợ chồng. Để tìm cách cứu vớt bà con thôn bản khi bị cảnh bệnh tật, chàng đã lên đường tầm sư học đạo, được vị thánh ban cho cây gậy thần và chiếc nón phép. Trở về, nhờ vào sức mạnh linh thiêng, chàng đã giúp dân chúng quanh vùng được hưởng sự thái bình thịnh trị. Nhưng vua cha bị lời xàm tấu đã cho quân lính đến bắt chàng và công chúa. Cùng với vợ, Chử Đồng Tử đã được đưa lên cõi tiên cảnh…
Một cảnh xiếc trong vở diễn. |
Cốt truyện quen thuộc đó đã được tác giả kịch bản Lê Thế Song chỉnh lý lại trên cơ sở kịch bản Cải lương của nhà viết kịch Hoàng Luyện. Các nghệ sĩ đã thêm vào đó những chi tiết đắt giá như việc viên Lạc tướng bị thế lực đen tối ám vào nên đã có những hành động bất nghĩa bất trung. Tác giả cho biết thêm về những thay đổi, chỉnh biên cho kịch bản này: "Tác phẩm của soạn giả Hoàng Luyện là một tác phẩm cải lương mà nếu như diễn thì cần tới hai tiếng rưỡi. Sân khấu Cải lương là sân khấu tự sự, kể chuyện, còn sân khấu xiếc là sân khấu của hành động, trò diễn. Những màn trữ tình như Chử Đồng Tử và Tiên Dung gặp gỡ, chia tay, thì cải lương làm rất tốt… Trong kịch bản, tôi nhìn thấy những màn, cảnh có thể chuyển từ cải lương sang xiếc như màn Lạc tướng Châu Diên biến thành phù thủy hay màn Chử Đồng Tử đi học đạo… đều được xiếc diễn tả rất tốt."
Ở chương trình này, các nghệ sĩ cải lương học thêm cách trình diễn của xiếc, các nghệ sĩ xiếc giúp cải lương có thêm những màn trình diễn giàu tính giải trí thuộc đỉnh cao của tính kỳ, tính phi lý... Sự kết hợp này, thực sự là ý tưởng rất mới mẻ, với những suy tính của đạo diễn cải lương và đạo diễn xiếc cùng kết hợp trong một loại hình sao cho êm, cho đủ độ mà vẫn thuyết phục người xem.
Vở diễn thu hút khán giả khi kết hợp nhuần nhị hai loại hình nghệ thuật tưởng như không liên quan đến nhau. |
Từng bước, hai đạo diễn tài ba của sân khấu đã tự thuyết phục mình, thuyết phục người xem về sự kết hợp này. NSND Triệu Trung Kiên cho biết: "Đầu tiên anh Thắng rất lo vì không biết cải lương ủy mị, buồn thảm như thế khi vào xiếc thì thế nào, không biết có đồng điệu, tạo được không khí chung hay không. Nhưng càng về sau thì càng không thấy anh ấy nhắc tới ý kiến ấy nữa. Bởi vì anh Thắng chứng kiến cải lương có sức chuyển hóa kinh khủng, cải lương đáp ứng được. Ở đây, cải lương cũng có thay đổi khi các bài bản cải lương trước là do các dàn nhạc cổ thì nay lại do một ban nhạc Jaz thực hiện. Tất cả các bài bản cải lương được phối theo phong cách Jazz. Tất nhiên trong đó vẫn có ghi-ta, có violon. Đấy chính là một thử nghiệm hơi khốc liệt mà ngay các nghệ sĩ cải lương ban đầu cũng thấy lạ lẫm và có phần khó tiếp thu, nhưng mà về sau lại thấy ngấm và thấy thú vị."
"Cây gậy thần" được đầu tư công phu, với mong muốn mang đến cho khán giả những trải nghiệm nghệ thuật mới mẻ, sáng tạo và hấp dẫn |
Các nghệ sĩ cải lương đã học được một vài kỹ năng kỹ xảo khiến người xem thán phục như cảnh vừa hát những làn điệu trữ tình vừa bay lên nhờ vào những dải lụa, hay cảnh chiếc thuyền đưa chàng Chử vượt biển tầm sư học đạo, trải qua bao khó khăn khi bị bạch tuộc, bị thủy quái cản trở… Các tiết mục xiếc cũng chắt lọc những kỹ năng cao nhất để trình diễn. NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ: "Chúng tôi phối hợp với nhau tạo ra cho khán giả nhiều trường cảm xúc: thưởng thức về âm thanh, về giọng ca… những gì tốt nhất của cải lương. Ngược lại khán giả lại trực quan nhìn thấy những diễn biến mang tính chất như phim trường rất thực tế. Sự liên kết giữa hai nhà hát đem lại sân chơi mới cho các nghệ sĩ. Ví dụ nghệ sĩ cải lương có thêm kỹ năng kỹ xảo tăng thêm tính giải trí, còn các nghệ sĩ xiếc học thêm được khả năng trình diễn, bổ sung cho nhau rất nhiều"
Tôi rất cổ vũ cho Nhà hát Cải lương VN phối hợp với Liên đoàn xiếc VN để làm vở về Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Cải lương với xiếc tại sao không? Chèo với Rap tại sao không? Tôi là người của thế hệ cũ, tôi rất thích sân khấu, nhưng tôi lo con cháu tôi còn xem chèo hay không. Đồng ý là ta phải giữ gìn cái truyền thống, nhưng chúng ta cũng cần phải phát triển chứ nếu không, sẽ mãi mãi trong bảo tàng, không có khán giả trẻ…- Nhà báo Ngô Bá Lục.
Vất vả luyện tập nhiều ngày, dù nhiều nhà báo ghé xem đều thấy công phu và quyết tâm, nhưng các đạo diễn và nghệ sĩ vẫn cảm giác chưa thật hài lòng vì những “mối nối” giữa cải lương và xiếc chưa thật mượt mà, hay điều kiện kỹ thuật chưa cho phép thực hiện những cảnh diễn sao cho thuyết phục hơn, như ý kiến của NSND Triệu Trung Kiên: "Nếu sử dụng màn hình LED ta sẽ làm được cảnh nhờ chiếc nón phép và gậy thần tạo dựng được cả một khu đô thị sầm uất. Rồi khi biết ngày hôm sau quân lính của vua sẽ đến thì cả khu đô thị cùng toàn bộ dân cư trong một đêm bay hết lên trời. Nhưng với ngôn ngữ sân khấu thật khó để xử lý được điều này. Cho nên ê kip lựa chọn giữ lại chi tiết quan trọng nhất là sự hiển thánh của vợ chồng Chử Đồng Tử. Còn các chi tiết khác do sự hạn chế của kỹ thuật thì không thực hiện được. Hơn nữa, cơ cấu của rạp xiếc xây dựng từ năm 91 của thế kỷ trước nên cũng hạn chế rất nhiều."
Có thể khẳng định, việc làm mới, đưa những ngôn ngữ thể loại khác vào loại hình để có thêm sức hấp dẫn là rất cần thiết. Như nhà báo Thu Huyền chia sẻ: "Xem thấy sự nhuần nhuyễn giữa xiếc và cải lương được thể hiện rất là rõ rệt, ăn khớp vào nhau như không phải sự kết hợp mà là một vở diễn rồi."
"Mình là một khán giả yêu cải lương nên thấy diễn viên cải lương diễn xiếc gây cho mình sự hứng thú. Khán giả cũng thấy lạ khi diễn viên vừa hát vừa diễn lại vừa làm xiếc nữa. Vở này có yếu tố tâm linh như con quỷ cùng một số chi tiết nữa thì các đạo diễn đã sử dụng yếu tố xiếc để tạo nên hiệu ứng về sự thần kỳ, phi thường. Đây cũng là một món mới cho khán giả." - Nhà báo Thu Hương nhận xét.
Văn học nghệ thuật là sáng tạo không ngừng, đổi mới là đòi hỏi của công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, lại càng là nhu cầu tự thân của sáng tạo văn học nghệ thuật. Còn phải qua nhiều tranh luận, qua nhiều tổng kết, nhưng những tác phẩm rất mới mẻ, đậm sắc màu truyền thống mà vẫn có tiết tấu, hơi thở thời đại vẫn luôn là những thử nghiệm đáng xem…
100 nghệ sĩ, diễn viên xiếc và cải lương kết hợp với nhau trong vở diễn mang tên Cây gậy thần. Đây là tác phẩm đầu tiên trong Dự án Huyền sử Việt sẽ gồm 4 tác phẩm ca ngợi công đức của 4 vị thánh Tứ bất tử trong tín ngưỡng tâm linh nguyên thuỷ của người dân Việt Nam, là Chử Đồng Từ, Mẫu Liễu Hạnh, Tản Viên Sơn Thánh và Thánh Gióng.