Cõi nương tựa

 Anh đừng có vì chữ “cõi”  mà cho là thơ xa vời. Gần lắm chứ, thân thiết nữa chứ, hơn thế còn ấm áp, tin cậy. Vì thơ ở ngay trong trái tim của bạn. Khi bạn tương tư:

Lá khoai anh ngỡ lá sen

Bóng trăng anh ngỡ bóng đèn anh khêu

Thơ làm cho ta tỉnh ngộ lại, chớ có mài danh miết lợi mà quên hết:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Ngay cả khi rơi vào cùng quẫn đen tối, thơ nhẹ nhàng thân thương vô thức:

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn!

Hàng ức hàng triệu tình huống, cảnh ngộ của con người trong nhằng nhợ mối dây xã hội, cuộc đời, thơ đều hiện tới với lòng ta, trí ta. Có khi qua trí óc rồicùng rơi lại vào giữa trái tim ta. Thơ dù của ai đó viết, chả biết từ tận phương nảo phương nào, nhưng trong lúc ấy, thơ chính là của ta. Đúng vào những giờ phút thiêng quý, nhiều khi quyết định đứng lên hay ngã xuống của một nhân cách.

Cõi nương tựa - ảnh 1 

Người ta còn nói, thơ liên quan mật thiết với cả một cộng đồng lớn là dân tộc. Những nhà nghiên cứu thơ của Ra-bin-tra-nát Ta-go phát hiện: nếu thánh Gan-đi bằng chủ thuyết chính trị tìm đường đi cho Ấn Độ, thì chính Ta-go vừa uyên bác vừa sâu thẳm tình người đã khát vọng tìm đường đi cho Ấn Độ thân yêu của ông bằng thơ. Qua nhiều bản dịch thơ Ta-go đã từng phổ biến ở Việt Nam, chúng ta có thể phần nào chứng nghiệm điều đó. Và chúng ta biết đó là lý do tại sao Ta-go được sùng kính mãnh liệt đến thế tại quê hương ông. Chúng ta hiện đang sống trong một thời đại mà văn minh kỹ thuật vừa nâng đỡ con người rất đáng ca ngợi, nhưng cũng như tác dụng phụ của sử dụng thuốc, văn minh kỹ thuật ấy cũng đàn áp con người, người ta chỉ sùng bái kỹ thuật mà quên phắt quả tim. Các thứ trên đời đều có thể lập trình, hơi quá chủ quan đấy, đố anh có thể lập trình một tình yêu, tình bạn. Vâng, anh có thể lập trình một cuộc hôn nhân thực dụng. Chỗ của thơ chính là đánh thức, gọi kêu niềm say đắm tình yêu những xúc cảm mang đến cái gọi là hạnh phúc chân chính của con người. Con người không thể gọi là sống trọn vẹn, có ý nghĩa cuộc sống của con người, nếu trơ khấc giữa tiện nghi lạnh giá, giữa mối quan hệ lạnh giá kiểu “tiền trao cháo múc”. Cần có thơ lắm chứ. Cùng với âm nhạc, thơ sẽ chọn sửa, nắn nót, chỉnh trang lại cuộc sống sáng giá của con người.

Bắt đầu mùa thu rồi đấy. Thơ hãy trả cho ta những xúc động:

Sương thu rơi rụng đầu ghềnh

Gió thu đưa lá bao ngành biệt ly…

(Tản Đà)

Hãy biết cảm thông, chia sẻ, yêu thương cả những chậm muộn, chỉ có thơ mới làm cho ta tự thấy mình tốt hơn lên khi chợt thấy:

Đôi lá sen tàn cũng lập thu

(không nhớ tác giả)

Thế giới sáng trưng văn minh văn hóa, thế giới cũng tối đen đói nghèo và chiến tranh. Không thể tự mãn trong ích kỷ, thơ đã làm trái tim ta rung nghẹn tình thương khi mở ra cánh cửa sổ cuộc đời:

Mùa đông có đứa trẻ nghèo

Cõng em đi dưới một chiều mưa bay

(Nguyễn Việt Chiến)

Mã Pí-Lèng tôi mãi mãi yêu văn học, yêu thơ, vì ngay từ thuở học sinh đã thuộc lòng và say đắm hai câu thơ “Chinh phụ ngâm” thật đẹp:

Áo chàng đỏ tựa ráng pha

Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in

Tới khi lớn hơn, ra đời, vào quân ngũ, gian lao đời mình đâu dám tính, bởi đã nghe thương biết bao sự hy sinh của lớp người lính cũ đã coi cuộc đời học như một bài thơ không lời:

Bài thơ từ đó không lời

Tôi mang theo suốt cuộc đời làm thơ

(Nguyễn Trọng Oánh)

Cõi nương tựa, không chỉ có ý nghĩa an ủi, chia sẻ, động viên. Mà còn hàm nghĩa: Thơ rủ rỉ với con người một lẽ đời, một niềm ao ước được sống phong phú hơn, tốt đẹp hơn.

MÃ PÍ LÈNG

 

Phản hồi

Các tin/bài khác