(VOV5) - Nghệ thuật truyền thống vẫn đang âm ỉ cháy, và nếu được khơi thông sẽ được phát triển không ngừng, lan tỏa trong cộng đồng.
Thời gian gần đây, nhiều hoạt động giới thiệu, đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống đến gần công chúng được thực hiện bởi chính những bạn trẻ với đầy tâm huyết, nhiệt thành. Có thể nói, nhiều người trẻ không hề quay lưng lại với loại hình nghệ thuật truyền thống. Với họ, nghệ thuật truyền thống vẫn đang âm ỉ cháy, và nếu được khơi thông sẽ được phát triển không ngừng, lan tỏa trong cộng đồng.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Thời gian qua, những dự án cộng đồng phi lợi nhuận của các bạn trẻ yêu nghệ thật truyền thống diễn ra sôi nổi. Có thể điểm qua một số dự án tiêu biểu như: "Vẽ về hát bội", trình diễn trang phục cung đình…, được thực hiện bởi thế hệ 8x, 9x. Chính sự rung cảm trước tinh hoa văn hóa dân tộc, những người trẻ đã sáng tạo thêm nhiều tác phẩm mới để đưa nghệ thuật truyền thống đến gần với công chúng mà vẫn giữ nguyên hồn cốt vốn có.
Ngoài ra, rất nhiều các hội nhóm, câu lạc bộ giới thiệu, trao đổi, làm phim, kịch về câu chuyện hậu cung, văn hoá, các nghi lễ…, góp phần đưa văn hoá, lịch sử, nghệ thuật truyền thống đến gần khán giả trẻ. NSƯT Thành Lộc nhận xét: "Có một bộ phận các bạn trẻ ngày càng muốn tìm tòi những giá trị đúng, giá trị gốc của nghệ thuật truyền thống dân tộc và điều này rất là đáng quý. Tôi được các em mời tham gia dự án tôi thấy rất hãnh diện. Các em đã tìm tòi và sáng tạo hơn cả mình biết và đây là điều rất đáng mừng".
Hiện nay, những tưởng các loại hình nghệ thuật truyền thống đang chịu tác động rất lớn bởi cơ chế thị trường cùng với sự xâm nhập của các luồng văn hóa ngoại lai, để thu hút giới trẻ đến với nghệ thuật truyền thống là một “bài toán” không dễ. Tuy nhiên, trên thực tế, ngày càng có nhiều bạn trẻ tìm đến với những môn nghệ thuật này. Tại các kỳ liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc gần đây, có rất nhiều nghệ sĩ, diễn viên trẻ đóng góp rất lớn vào các tác phẩm tạo được dấu ấn đậm trong lòng khán giả. Diễn viên trẻ Trần Thị Kim Oanh, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, TP Đà Nẵng, tâm sự: "Lúc đầu em cũng chưa hiểu tuồng là gì, nhưng khi đã học và tham gia biểu diễn, dần dần em mới ngấm được. Từ đó, em có thêm đam mê và dành nhiều sự yêu thương cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này".
|
Giới trẻ không quay lưng với giá trị nghệ thuật truyền thống. Vấn đề là các nhà quản lý, các đơn vị nghệ thuật cần có nhiều hơn nữa những giải pháp để đưa nghệ thuật truyền thống gần hơn và hấp dẫn hơn với giới trẻ. Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, thành phố Đà Nẵng là một ví dụ. Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát chia sẻ với hơn 40 diễn viên, nghệ sĩ, nhạc công của nhà hát thì một nửa trong số đó là nghệ sĩ trẻ. Bên cạnh thường xuyên phối hợp với các trường học đưa nghệ thuật tuồng vào giới thiệu và giảng dạy cho học sinh, nhà hát còn triển khai nhiều chương trình đưa nghệ thuật tuồng xuống phố, tạo sự tương tác gần hơn giữa nghệ sĩ trẻ với khán giả, du khách trong và ngoài nước: "Việc đưa nghệ thuật tuồng xuống phố, cùng một việc làm nhưng chúng ta thực hiện được nhiều mục đích khác nhau. Đây là một hoạt động nghệ thuật để quảng bá và thu hút du khách. Tuy nhiên, cũng nhờ hoạt động đó mà nghệ thuật truyền thống dân tộc gần gũi hơn với khán giả, đặc biệt là lớp trẻ".
Có thể thấy, trong bối cảnh khó khăn của nghệ thuật truyền thống, vẫn còn không ít người trẻ, nghệ sĩ trẻ tìm về với văn hóa truyền thống dân tộc theo cách của riêng họ. Nghệ thuật truyền thống qua lăng kính của các nghệ sĩ trẻ đã thật sự gợi mở những phương pháp bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, đó là sự kết hợp giữa hai yếu tố truyền thống và hiện đại. NSƯT, đạo diễn Lê Tuấn Cường, Nhà hát Chèo Việt Nam, cho rằng: "Tôi nghĩ rằng lớp trẻ sẽ yêu nghệ thuật truyền thống. Dù cho có hội nhập nhưng họ cũng sẽ biết cách sàng lọc và yêu. Qua trao đổi một số khóa học và đi dạy tôi thấy các bạn trẻ rất yêu nghệ thuật truyền thống của dân tộc, bởi nó thật sự mang những triết lý nhân sinh, bài học lớn lên từ lũy tre làng, đi sâu vào tâm khảm của người Việt Nam qua nhiều thế hệ".
Biết trân trọng quá khứ để phát triển trong hiện tại và tương lai. Làm thế nào để yêu văn hoá, yêu nghệ thuật truyền thống nước nhà, chỉ có người trẻ mới hiểu và cần phải biết sàng lọc, tiếp thu như thế nào để gìn giữ những giá trị truyền thống của cha ông.