Hai người thơ Việt ở Nga

(VOV5)- “Viết là công việc đơn độc của một người. Ly hương là con đường cùng văn hóa. Người viết phải tìm cách nhập vào đại lộ văn hóa xứ người, ngược lại sẽ bị lạc lõng và lãng quên ở cuối con đường cùng văn hóa của mình, nhất là ngôn ngữ của mình.”…“Nhưng người đàn bà tha hương viết bằng tiếng mẹ đẻ là một nỗ lực sống còn tâm linh: viết hay là chết lụi tâm hồn”(1). Những dòng của nhà văn Lý Lan viết về nghiệp viết của đạo diễn Việt Linh ấy, lại dường như là viết cho hầu hết nghiệp viết của những người Việt xa xứ, kể cả những “nhà thơ Việt” ở nước Nga như Nguyễn Huy Hoàng và Châu Hồng Thủy.
Nhấn vào đây để nghe âm thanh




Trong một Hội có tên “Hội văn học nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga”, từ thuở ban đầu huy hoàng với những tên tuổi như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Đình Chiến, Tôn Thất Triêm, Hồ Quốc Vỹ, Lê Thanh Minh,vv.. trải qua ba kỳ Đại hội với những biến động do nhiều người kết thúc công tác trở về nước, số lượng thành viên chủ chốt ngày nay không còn nhiều, nhưng những việc mà các thành viên đã thực hiện được trong suốt những năm tháng qua là rất đáng kể. Và trong số đó, có Nguyễn Huy Hoàng và Châu Hồng Thủy, hai người khách trần gian vẫn ôm mộng với thơ ca.

 
Những vần thơ vắt từ gan ruột, sau gần 15 năm ở Nga Châu Hồng Thủy mới gom lại trong tập “Những bông tuyết mùa hè” (NXB Sáng tạo - Matxcơva). Anh tự nhận mình viết chậm, viết ít, nhưng không thể xa thơ, nơi mở ngỏ nỗi lòng:

Nghe rưng rưng xa xót trong lòng

Kẻ vô tình nhạt quê hương xứ sở

Mải lãng du nơi đầu sông cuối bể

Để Mẹ già mắt đau đáu chờ mong

Cùng với Nguyễn Đình Chiến, Bùi Quang Thanh, Nguyễn Huy Hoàng, Châu Hồng Thủy đã có một tập thơ riêng  và có mặt trong các Tuyển tập thơ uy tín trong nước như: “Tuyển thơ Việt Nam 1975 - 2000” (NXB Hội nhà văn 2001), “Tuyển thơ Việt Nam nửa thế kỷ 1945-2000” (NXB Lao động. 2001). Anh nói: “Qúa trình học tại khoa văn Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1972-1976 được sinh hoạt trong Câu lạc Bộ Thơ cuả Đại học Sư phạm Hà Nội, lúc bấy giờ tôi mới có ý thức cầm bút viết văn. Sau khi ra trường thì tôi xin đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần đến. Cái thời đó lên trường Cao đẳng Tây Bắc, sống trong cái nôi văn học dân gian Tây Bắc và sinh hoạt với đồng bào Tây Bắc trong những đêm hát ở các bản làng, điều đó lại càng nuôi dưỡng tâm hồn say mê làm thơ làm văn của mình. Trong quá trình công tác tại Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc 10 năm, tôi đã tham gia hội văn học nghệ thuật tỉnh Sơn La và đã tham gia trại sáng tác dành cho các hội viên của 6 tỉnh biên giới phía Bắc năm 1984 do hội nhà văn Việt Nam tổ chức. Từ đó trở đi mới bắt đầu chính thức có ý thức cầm bút và đi theo nghiệp làm văn làm thơ.”


Trong những vần thơ của Châu Hồng Thủy, cũng như nhiều nhà thơ Việt khác trên đất Nga có hai mảng đề tài lớn. Một là những bài thơ viết về nước Nga, thiên nhiên Nga, tâm hồn Nga. Hai là những bài thơ hướng về quê hương đất nước, với những tình cảm yêu thương, nhớ nhung tha thiết. Đối với nước Nga, như nhiều người Việt học tập và sinh sống tại nơi này, Châu Hồng Thủy nói anh mang theo món nợ ân tình.


Một hồn thơ khác ở đất Nga, là nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng. Trong một bài viết, nhà phê bình văn học Văn Giá đã hạ bút: “Tôi là người làm nghề phê bình văn học, cảm thấy thật chẳng đành lòng nếu lấy cái tư cách phê bình để viết về thơ Nguyễn Huy Hoàng, dù chỉ một dòng. Thơ đối với anh, từng bài thơ, từng câu thơ là nước mắt, là tiếng khóc, và cũng là chỗ vịn giúp anh trụ lại với đời.”

Kể từ tập thơ đầu tay Ngoảnh lại năm 1995 đến nay, Nguyễn Huy Hoàng đã cho ra mắt bạn đọc hơn mười  tác phẩm riêng  xuất bản tại Việt Nam như : Dư âm, Phía bên kia trời, Miền yêu thương, Đa mang, Vẫn còn có bao điều tốt đẹp, Giữa thanh thiên bạch nhật...

Ở lại nước Nga trong hoàn cảnh riêng éo le, dù canh cánh nỗi đau riêng, nhưng vẫn lặn lội cùng những cảnh đời Việt nơi xứ tuyết trong những hoạt động chung của cộng đồng, Nguyễn Huy Hoàng đã sống như những gì anh tâm sự rằng: “Nhà thơ là rút từ trong máu thịt của mình những gì là giá trị tinh túy nhất, nói hộ người khác. Mình nói hộ nỗi lòng của người trong nước, người xa xứ, dù có lúc phải chịu cảnh khổ cực và phải cố gắng hết mình để thể hiện, tôi cũng phải làm. Cái đó thúc đẩy từ bên trong”. Và “gạn giọt vui qua biển đắng khôn cùng”, anh đã được đền bù, khi có rất nhiều độc giả đã luôn nhớ đến thơ anh.

Nhà thơ Châu Hồng Thuỷ kể lại: “Tôi thấy rất nhiều người lao động, người ta buôn bán ở ngoài chợ, người làm công nhân xây dựng thuộc lòng thơ Nguyễn Huy Hoàng rất nhiều. Tại sao thơ Nguyễn Huy Hoàng được nhiều người đón nhận và nhiều người thuộc như thế? Có hai lý do: Thơ Nguyễn Huy Hoàng đã nói hộ được tiếng lòng của những người xa Tổ quốc, như nỗi nhớ cha mẹ, nỗi nhớ vợ con, nỗi nhớ quê hương đất nước, nỗi nhớ làng quê, cây đa, bến nước… Nguyễn Huy Hoàng nói hộ cho nỗi lòng của họ. Nhất là những dịp Tết, khi mà đọc những bài thơ của Nguyễn Huy Hoàng về lễ tết, quê hương, cha mẹ đón Tết như thế nào, cảnh đón giao thừa ra sao… tất cả gợi những nỗi nhớ quê hương. Nhiều người thích thơ Nguyễn Huy Hoàng ở điều ấy.

 
Mảng thứ hai, Nguyễn Huy Hoàng viết về thân phận những người xa xứ, vất vả, cực nhọc trong mưu sinh, có nhiều nỗi bất hạnh, và người ta lại thấy hình bóng của mình trong đấy. Anh là người  đi nhiều, đến rất nhiều miền quê của nước Nga, biết rất nhiều về cuộc sống và cảnh ngộ của người lao động, nên thơ anh thấm đẫm chất liệu hiện thực bươn trải mưu sinh của đời thường. Rất nhiều người thích  và đọc thơ Nguyễn Huy Hoàng vì lẽ đó.”

 
Nguyễn Huy Hoàng được coi là người viết nhiều nhất và rất thành công mảng thơ viết về nước Nga, nơi gần nửa phần đời anh gắn bó. Là một nhà giáo, một nhà nghiên cứu về Văn học Nga, nước Nga nhiều năm, anh hiểu biết, yêu mến, trân trọng và biết ơn mảnh đất cưu mang những người Việt Nam lao động, học tập và sinh sống. Mảng thơ của anh viết về nước Nga được coi là một đóng góp rất có ý nghĩa đối với nền thơ ca Việt Nam đương đại.

 

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ, người Việt Nam sống ở Đức từng chia sẻ: Những hoạt động văn hóa nghệ thuật của người Việt tại hải ngoại đang là một dòng chảy trong dòng chảy chung của văn hóa nghệ thuật Việt. Và, khi đối diện trực tiếp văn hóa thế giới, hơn ai hết, những người Việt hải ngoại, chính là những người có nhiều công sức, cầu nối quan trọng trong việc quảng bá, hội nhập và gìn giữ bản sắc văn hoá Việt, một cách thiết thực. Trong cái dòng chảy ấy, những người làm văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Nga, những người khách thơ như Nguyễn Huy Hoàng và Châu Hồng Thủy  “viết hay là chết lụi tâm hồn”, chỉ có điều đó mới lý giải cho những vần thơ vẫn cất lên từ những mưu sinh nhọc nhằn xa xứ của họ.

 

--------------------------------

(1) Việt Linh chuyện và truyện, con đường không cùng – Tuổi trẻ cuối tuần 25/3/2012

Phản hồi

Các tin/bài khác