Họa sĩ Phan Hải Bằng và chất liệu nghệ thuật mới mang tên Trúc Chỉ

(VOV5) - Lấy cảm hứng từ việc sản xuất giấy dó truyền thống, sử dụng tre làm nguyên liệu và phát triển với kĩ thuật riêng trong nhiều năm, họa sĩ Phan Hải Bằng, giảng viên Trường Đại học Nghệ thuật Huế, đã tạo ra một chất liệu mới là Trúc Chỉ (giấy tre). Sau nhiều năm thử nghiệm, đến nay dự án nghiên cứu chế tác nghệ thuật giấy thủ công của anh đã được định danh với tư cách là một chất liệu nghệ thuật với cách thể hiện riêng, kế thừa cách làm giấy truyền thống. 

Họa sĩ Phan Hải Bằng và chất liệu nghệ thuật mới mang tên Trúc Chỉ - ảnh 1
Hoa sĩ Phan Hải bằng (Ảnh: doanhnhansaigon.vn)


Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Nghệ thuật Trúc chỉ do họa sĩ Phan Hải Bằng, giảng viên Đại học nghệ thuật Huế, khởi sự nghiên cứu từ năm 2000 và bắt đầu chế tác thử nghiệm từ năm 2010. Trúc chỉ được hiểu là giấy làm từ tre. Từ chất liệu này, các nghệ sĩ đã ứng dụng sáng tạo trên các loại hình nghệ thuật hội họa, mỹ thuật ứng dụng để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật. Họa sĩ Phan Hải Bằng cho biết: Trúc Chỉ được thực hiện khi các nghệ sỹ tác động lên bề mặt tấm giấy đang ướt bằng các phương thức khác nhau, vận dụng nguyên lý của nghệ thuật Đồ họa (printmaking) để thay đổi bản chất cấu trúc cũng như bề mặt nhằm tạo nên các tác phẩm mang đặc trưng ngôn ngữ đồ họa. "Nếu định kiến là giấy ở trong đầu thì sự tiếp nhận những nỗ lực của chúng tôi trong dự án nghệ thuật "Trúc Chỉ Việt Nam" sẽ bị chững lại ở khái niệm giấy. Bởi vì chúng tôi đã đi quá xa với câu chuyện của giấy. Sự kết nối với cách làm giấy truyền thống, chúng tôi hướng tới sự sáng tạo, để rồi cho ra đời một giá trị mới: đó là nghệ thuật Trúc Chỉ" - họa sĩ Phan Hải Bằng nói.


Họa sĩ Phan Hải Bằng và chất liệu nghệ thuật mới mang tên Trúc Chỉ - ảnh 2
Bộ nghệ phẩm Trúc Chỉ Hoa Hồng


 Họa sĩ Bằng cùng các cộng sự luôn muốn Trúc Chỉ có sự kết hợp với các kỹ thuật chất liệu khác (in thủ công, vẽ)  hay sự kết hợp với các nghề truyền thống (thêu, đan lát, làm nón,…). Từ đó làm phong phú hơn sự sáng tạo của người thiết kế, cũng như mong mỏi sự phát triển rộng hơn cho các làng nghề trong khu vực. Năm 2012, một dự án mới mang tên "Trúc Chỉ" cùng với triển lãm chính thức ra mắt đầu tiên ở Huế. Để rồi những năm sau đó, Trúc Chỉ liên tục có mặt ở các triển lãm nghệ thuật thị giác trong và ngoài nước như "Giấc mơ sau lũy tre làng qua nghệ thuật Trúc chỉ" (2013), "Đồ họa không giới hạn", "Đối thoại tranh in Việt-Bỉ" (2014)... và giành nhiều giải thưởng. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Nghĩa Phương, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, là người gắn bó với họa sĩ Phan Hải Bằng từ những ngày đầu của dự án Trúc Chỉ, cho biết:
 "Phan Hải Bằng là một con người luôn muốn làm cái mới, cái gì đó khác biệt. Ban đầu Trúc Chỉ được sinh ra chỉ nhằm mục đích làm nghệ thuật. Nhưng rồi nhu cầu cuộc sống cũng tác động phần nào.Một số cơ sở, ví dụ như tranh thêu XQ đã đặt một số sản phẩm. Từ đó có thêm chị Ngô Đình Bảo Vi hỗ trợ anh phát triển mảng sản phẩm Trúc Chỉ ứng dụng, làm ra những chiếc ví, chiếc túi, quạt, đĩa CD, bìa sách, ô đi ngoài trời". 


Họa sĩ Phan Hải Bằng và chất liệu nghệ thuật mới mang tên Trúc Chỉ - ảnh 3
Các tác phẩm từ giấy Trúc Chỉ


 Luôn muốn làm những điều mới mẻ nên đã có lúc Phan Hải Bằng định để lại dự án Trúc Chỉ cho sinh viên, còn mình lại tiếp tục tìm kiếm  những chất liệu khác. Thế nhưng, theo Nguyễn Phước Nhật, thành viên của dự án, thì Trúc Chỉ rất cần họa sĩ Phan Hải Bằng với vai trò định hướng, tìm kiếm sự thay đổi cho những giá trị mà anh đã tìm ra: "
Vai trò của  Phan Hải Bằng là người tìm ra Trúc Chỉ, vạch định hướng ra các chương trình lớn để cả đội cùng tham gia. Tinh thần là sáng tạo, làm việc miệt mài, luôn cần cù không ngại khó khăn. Bản thân mình là một người học chuyên ngành thiết kế đồ họa, khi bước vào làm gặp khó khăn về vấn đề tiếp xúc với Trúc Chỉ nghiêng về mảng đồ họa tạo hình nhiều hơn. Lúc đó thầy đã bày cho mình các kiến thức về đồ họa tạo hình. Nhờ thầy góp ý và hỗ trợ mà mình có tác phẩm đầu tiên tham gia triển lãm Bắc Miền Trung, với tác phẩm "Vọng nguyệt".


Hàng ngàn tờ Trúc Chỉ khi ra đời đã hoàn toàn không giống nhau, mà mỗi tờ lại là một tác phẩm nghệ thuật với nhiều bức tranh sáng tạo. Hiện nay Phan Hải Bằng và các cộng sự của mình đang kết hợp nghệ thuật Trúc Chỉ với các nghề thủ công truyền thống khác của Huế. Các sản phẩm được chế tác trên cả hai loại hình nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật ứng dụng, nhằm tạo ra những sản phẩm mang đậm dấu ấn đất cố đô.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác