Inspirito – Những nghệ sĩ mang âm nhạc đương đại Đức đến với khán giả Việt

(VOV5) -  Tất cả đều là những tinh hoa của thế kỷ 20 mà khán thính giả Việt Nam chưa có cơ hội được tiếp xúc nhiều.

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Sơn Tùng:

Bén duyên với Viện Goethe từ sau dự án hợp tác Xưởng Văn hóa hồi năm ngoái, năm nay các nghệ sĩ Trường âm nhạc Inspirito tiếp tục tái hợp với nhiều nghệ sĩ gạo cội của âm nhạc đương đại Đức trong dự án mới mang tên RECONNECT.

Cơ hội hợp tác liên tiếp đến với cả hai bên có lẽ cũng do điểm tương đồng trong suy tư, trong nỗ lực giới thiệu âm nhạc đương đại tới với thính giả Việt Nam, mang đến một điều mới lạ cho công chúng yêu nghệ thuật nước nhà.

Bởi vẫn chưa nhiều thính giả Việt biết tới những biến động khôn lường của âm nhạc giai đoạn thế kỷ 20 trên thế giới, đặc biệt là những thay đổi, những đột phá diễn ra tại Đức trong thời gian này; đó cũng chính là động lực để các nghệ sĩ trẻ tại Trường âm nhạc Inspirito quyết định tìm hiểu và mang những điều mới mẻ ấy về với khán thính giả Việt Nam.

Inspirito – Những nghệ sĩ mang âm nhạc đương đại Đức đến với khán giả Việt - ảnh 1Nghệ sĩ piano Lưu Đức Anh - Ảnh: Viện Goethe

RECONNECT đã tạo nên một sự gắn kết chặt chẽ giữa các nghệ sĩ Việt Nam và Đức, tạo cảm hứng để họ tiếp tục sáng tạo trên con đường nghệ thuật mà mình đã chọn. Thông qua những khoảng trống, những biến hóa linh hoạt trong tác phẩm, các nghệ sĩ Đức đã đưa phong cách cá nhân của riêng mình vào từng giai điệu nhạc, qua đó mang đến một tư duy âm nhạc vô cùng mới lạ mà nhiều nghệ sĩ Việt Nam chưa có cơ hội được tiếp xúc.

Inspirito – Những nghệ sĩ mang âm nhạc đương đại Đức đến với khán giả Việt - ảnh 2Nghệ sĩ piano Đinh Xuân Hà - Ảnh: Viện Goethe

Nghệ sĩ Lưu Đức Anh chia sẻ: "Tôi cảm thấy rất vinh dự, khi đây là dự án kết hợp với hai nghệ sĩ top đầu của thế giới về mảng âm nhạc hiện đại đương đại. Bản thân tôi cũng thấy khá bỡ ngỡ bởi thời kỳ âm nhạc này, hay các tác phẩm được lựa chọn mình chưa biểu diễn nhiều và cũng không có kinh nghiệm nhiều. Đây vừa là cơ hội biểu diễn, vừa là cơ hội được học hỏi. Ví dụ như trong bài có khi chỉ đánh lại 1 nốt, và phải làm nhiều tiếng động khác không liên quan đến  nhạc cụ, nhưng đấy đều phục vụ mục đích của tác phẩm, các ý đồ của tác giả muốn nêu lên những độc đáo mới lạ, hơi đi ngược với truyền thống một chút, nhưng cũng là cái hay, cái cần được giới thiệu với khán giả. Thực sự sau dự án này, (chúng tôi) cảm thấy rất vui và hi vọng sẽ có nhiều dịp nữa để tiếp tục mang đến những gì đấy mới và vẫn kết nối được với cả những tinh hoa của châu Âu, của nước ngoài. 

Inspirito – Những nghệ sĩ mang âm nhạc đương đại Đức đến với khán giả Việt - ảnh 3Nghệ sĩ piano Vũ Hoàng Cương và nghệ sĩ violin Nguyễn Hà Linh - Ảnh: Viện Goethe

Với RECONNECT, khán giả đã được gặp gỡ Lưu Đức Anh, nghệ sĩ piano trẻ với rất nhiều giải thưởng âm nhạc quốc tế danh giá như Giải nhất cuộc thi piano Leopold Godowsky tại Ba Lan, giải nhất cuộc thi Andree Charlier tại Bỉ.

Người yêu nhạc cũng được làm quen với phong cách âm nhạc bao phủ đa phương tiện cùng khả năng biểu hiện màu sắc âm thanh mới mẻ của nhạc sỹ, nghệ sỹ Phó Đức Hoàng, hay lắng nghe tiếng kèn bassoon độc đáo của giảng viên Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam Nguyễn Duy Long, cùng rất nhiều nghệ sĩ hợp xướng khác.

Inspirito – Những nghệ sĩ mang âm nhạc đương đại Đức đến với khán giả Việt - ảnh 4Nghệ sĩ violin Nguyễn Hà Linh - Ảnh: Viện Goethe

Đặc biệt, buổi diễn còn có sự hòa âm với nghệ sĩ kèn clarinet Nina Deinzer và nghệ sĩ đàn cello Lucas Fels, hai nghệ sĩ hàng đầu về nghệ thuật đương đại của Đức.

Với dự án này, các nghệ sĩ đã cùng bắc nên một nhịp cầu âm nhạc, đưa văn hóa Đức và văn hóa Việt Nam sát lại gần nhau hơn.

Về phần mình, các nghệ sĩ tại Trường âm nhạc Inspirito cũng đã giới thiệu về văn hóa Việt Nam, mang đến cho các nghệ sĩ Đức nhiều điểm mới lạ. Như nghệ sĩ Phó Đức Hoàng chia sẻ, các nghệ sĩ Đức đều cảm thấy vô cùng hứng thú khi thấy nghệ sĩ Việt Nam có thể tạo ra những âm thanh độc đáo mà họ chưa từng được nghe: "Những tác phẩm này có sự tự do của người biểu diễn, mà sự tự do này là tổng hoà của rất nhiều kinh nghiệm. Kinh nghiệm sống của mỗi người, mỗi nền văn hoá khác nhau thì lại có cách biểu diễn khác nhau. Có thể họ biết cách thể hiện những tố chất tự do của họ tốt hơn của mình, mình có thể hơi “vụng” hơn 1 chút về mặt kinh nghiệm, nhưng mà mình lại có thể tạo ra những âm thanh họ chưa nghe bao giờ. Ví dụ mình là văn hoá Á Châu, văn hoá đề cao dân gian Việt Nam chẳng hạn, thì trong những bài biểu diễn đương đại có những màu sắc của dân gian Việt Nam Mình học được của họ kinh nghiệm, cách biểu diễn, nhưng họ lại học được của mình về mặt màu sắc âm thanh."

Inspirito – Những nghệ sĩ mang âm nhạc đương đại Đức đến với khán giả Việt - ảnh 5Nghệ sĩ piano Nguyễn Phú Sơn - Ảnh: Viện Goethe

Theo dòng chảy của lịch sử, thời kỳ âm nhạc đương đại là một giai đoạn với sự biến hóa vô cùng, là giai đoạn mà tất cả mọi ý tưởng, dù nhỏ bé, giản dị, hay “điên rồ” đến đâu, đều có thể trở thành hiện thực. Đây cũng là thời kỳ với rất nhiều trường phái và phong cách biểu diễn mới lạ ra đời như âm nhạc ấn tượng, âm nhạc biểu hiện hay âm nhạc giảm thiểu. Tất cả đều là những tinh hoa của thế kỷ 20 mà khán thính giả Việt Nam chưa có cơ hội được tiếp xúc nhiều.

Nghệ sĩ piano Lưu Đức Anh, cho biết, thời kỳ âm nhạc này có vai trò rất quan trọng trong lịch sử, và nếu bỏ sót thì quả thực sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của âm nhạc thế giới: "Phong cách ngôn ngữ âm nhạc thời kỳ này có độ biểu cảm rất khác với ngôn ngữ âm nhạc thời kỳ trước, ta có thể rất dễ dàng tìm thấy những giai điệu hay, những hòa thanh đẹp, khiến cho chúng ta cảm thấy thoải mái. Nhưng đến âm nhạc thời kỳ này, đôi khi không phải là một cảm giác dễ chịu, nhưng cũng là cái hay,  vì âm nhạc là phản ánh cuộc sống, và chúng ta đang sống trong một xã hội hiện đại phức tạp, không có lý gì mà âm nhạc không mang theo những điều đó cả."

Inspirito – Những nghệ sĩ mang âm nhạc đương đại Đức đến với khán giả Việt - ảnh 6Nghệ sĩ piano Hoàng Linh Hương - Ảnh: Viện Goethe
Chia sẻ về mong muốn cống hiến cho nghệ thuật Việt Nam, các nghệ sĩ của Trường âm nhạc Inspirito cho biết, họ luôn nỗ lực để Việt Nam biết nhiều hơn về văn hóa Đức, về những chính sách phát triển nghệ thuật của Đức, bởi thực sự, tại quốc gia này, nhu cầu thưởng thức âm nhạc từ lâu đã trở thành thói quen, là một phần quan trọng trong đời sống thường ngày của người dân Đức.
Nhạc sĩ Phó Đức Hoàng hào hứng chia sẻ, Đức luôn có nhiều chính sách rất cởi mở để khuyến khích các nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn thể loại nhạc đương đại: "Đức là một trong số những quốc gia rất tiên phong về âm nhạc đương đại, âm nhạc thế kỷ 20. Các tác giả nghĩ ra những kỹ thuật mới lạ, thay đổi hoàn toàn cục diện của âm nhạc.Trước thế kỷ 20, âm nhạc luôn có một nền tảng, một trụ cột về lý thuyết rất vững vàng. Sang thế kỷ 20 thì Đức là một trong những nước cùng với Mỹ sẵn sàng phá bỏ đi, sẵn sàng làm lại, làm một điều gì đó mới, thay đổi cục diện hoàn toàn."
Inspirito – Những nghệ sĩ mang âm nhạc đương đại Đức đến với khán giả Việt - ảnh 7Nhạc sĩ Phó Đức Hoàng - Ảnh: Viện Goethe.

Sự kết nối giữa hai nền văn hoá không chỉ giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với nước bạn, mà còn giúp các nghệ sĩ, thính giả Việt Nam biết thêm và hiểu rõ hơn về tư duy nghệ thuật của nghệ sĩ Đức, về sự phát triển của âm nhạc đương đại Đức.

Nghệ sĩ Lưu Đức Anh cũng cho biết, các nghệ sĩ tại Trường âm nhạc Inspirito đều mong muốn tạo nên một điểm tựa, để từ đó nhiều nghệ sĩ khác có thể yên tâm, thỏa sức sáng tạo, mang đến những điều mới mẻ cho âm nhạc Việt Nam: "Đầu tiên là chúng ta cứ tiếp thu, giới thiệu tinh hoa của những đất nước khác, bởi vì họ có truyền thống hơn chúng ta rất nhiều. Những tác phẩm tuy mới lạ nhưng khán giả đều đón nhận rất nhiệt tình, cho các nhạc sĩ Việt Nam thấy là những phong cách này ở Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển. Những dự án như thế này sẽ kích thích các nhạc sĩ của Việt Nam có động lực để tạo ra những tác phẩm có quy mô lớn tương tự. Họ chắc chắn sẽ có động lực để tiếp tục sáng tạo và tạo ra những tác phẩm rất hay và độc đáo, không thua kém gì những nhạc sĩ của nước ngoài. Bởi vì tôi tin là ở Việt Nam cũng không thiếu những nghệ sĩ có tài."

Có rất nhiều yếu tố để cấu thành nền âm nhạc mới ở Việt Nam, và cần những điểm tựa để phát triển. Cũng vì vậy, các nghệ sĩ của Inspirito đều hi vọng từ việc mình  đưa văn hóa âm nhạc đương đại Đức về với khán giả Việt Nam, cũng như với việc bắt đầu thực hiện những chương trình hòa nhạc như thế này, nhiều nghệ sĩ sẽ được truyền cảm hứng để sáng tác, để trình diễn; và khán giả cũng sẽ dần quen thuộc hơn và yêu thích giai đoạn âm nhạc với nhiều đột phá mới lạ này
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác