Mắt trùng khơi – từ những người lính đảo đến hậu phương

(VOV5) - Nhìn đâu cũng thấy cờ Tổ quốc, thấy mắt trùng khơi, để lại thêm vững tâm vào biển của lòng người, biển của cuộc đời mỗi con dân nước Việt.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Sau thành công của cuốn sách Nơi đầu sóng (tác giả Lữ Mai - Trần Thành, NXB Văn học ấn hành) và Triển lãm ảnh cùng tên giới thiệu 100 bức ảnh tiêu biểu về biển đảo Tổ quốc trong dịp Quốc khánh 2/9 vừa qua, thời gian này nhóm tác giả tiếp tục xuất bản tập 2 với tên gọi: Mắt trùng khơi.

Cuốn sách khổ vuông, xinh xắn có độ dày trên 150 trang, gồm 18 câu chuyện và bộ ảnh chọn lọc minh họa xoay quanh chủ đề những chân dung, thân phận con người gắn bó với biển đảo như: người lính hải quân, thân nhân của họ, tàu trên biển… 

Mắt trùng khơi – từ những người lính đảo đến hậu phương - ảnh 1

Cũng giống như cuốn sách thứ nhất, Mắt trùng khơi thuộc thể loại tản văn, ghi chép và ảnh. Nhưng "nếu như Nơi đầu sóng được ví như cánh cửa mở ra biển trời, hoa lá, sóng gió khơi xa qua hình ảnh, ngôn ngữ giàu cảm xúc thì Mắt trùng khơi đề cập trực diện tới số phận con người. Đây không phải là sự kéo dài của tập 1, mà có sự khác nhau rõ rệt về chủ đề, ý tưởng" như những gì mà nhà thơ Lữ Mai chia sẻ với đông đảo độc giả trong buổi ra mắt sách.

Trong lời mở sách, nhóm tác giả đã chia sẻ về chủ đề “Mắt trùng khơi” xuyên suốt tác phẩm: “Đi biển, trong ngàn vạn điều thiêng liêng và thương mến, có lẽ những ánh mắt nơi trùng khơi luôn thuộc về nỗi ám ảnh khôn nguôi. Đã có những đôi mắt rưng rưng tiễn nhau nơi cầu cảng, lặng lẽ nhìn nhau mà khoảng cách cứ xa dần khi con tàu rời bến; những ánh mắt bỡ ngỡ, ngơ ngác của những người lính mới khi còn đang ở dưới xuồng nhìn lên hòn đảo bé nhỏ mà mình sắp đặt chân lên; những ánh mắt đó lại bịn rịn, bần thần khi hoàn thành nhiệm vụ rời đảo về đất liền, xa rồi đấy mà vẫn chan chứa yêu thương; rồi những cặp mắt lại hòa trong cặp mắt khi con tàu chuẩn bị cập mạn về tới đất liền...

Bên mắt người, còn có cả những mắt biển, mắt trời bất kể ngày hay đêm đang ngời lên giữa nghìn trùng sóng gió. Đó là hải đăng, là ra-đa, là tàu trên biển đấy... Nhìn đâu cũng thấy cờ Tổ quốc, thấy mắt trùng khơi, để lại thêm vững tâm vào biển của lòng người, biển của cuộc đời mỗi con dân nước Việt: "Chúng tôi đã chọn lát cắt nhỏ, ví dụ như cách một bông hoa trên đảo nở ra như thế nào, tàn lụi như thế nào. Hay là phút chia tay của người lính ở cầu tàu. Chúng tôi không biết cái gì đó quá lớn lao mà chọn những câu chuyện nhỏ để ghép thành bức tranh về biển đảo vô cùng phong phú" - Lữ Mai chia sẻ.

Phần cuối sách Mắt trùng khơi dành để đăng tải trích đoạn nhật ký của những người lính biển với nhiều xúc động. Đây chính là món quà tinh thần quý giá mà những người lính dành tặng nhóm tác giả và độc giả. Phần “vĩ thanh” này có tựa đề “Tâm tình người lính” là tự sự mộc mạc, đau đáu yêu thương, trách nhiệm với gia đình, quê hương, Tổ quốc của bộ đội trên đảo, trên những chuyến tàu trực, tàu cấp hàng... vào những giờ khắc đặc biệt như: Đón giao thừa trên biển, bước chân lên tàu làm nhiệm vụ, khi sóng gió bão giông...

Theo nhà thơ Lữ Mai, đây chính là phần quan trọng làm nên giá trị của Mắt trùng khơi bởi đó là người thật, việc thật và tác giả cũng như Nhà xuất bản không biên tập ở phần nội dung này: "Tôi chỉ biết cố gắng thôi và không gì hạnh phúc hơn đôí với một người viết là khi mình viết ra tác phẩm, bên cạnh được độc giả đón nhận thì mình cũng thu nhận được thêm những bài học còn thiếu hụt của bản thân mà mình không ngừng bồi đắp."

Như chủ đề của cuốn sách, những bức ảnh của kỹ sư-nhiếp ảnh gia Trần Thành tập trung vào chủ đề những đôi mắt trên biển, đó có thể là mắt người (như: bộ đội, thân nhân của bộ đội, các lực lượng khác trên biển đảo, những công dân nhỏ trên đảo), “mắt trời” (ra-đa), “mắt biển” (hải đăng), và mắt các loài vật (chim hải âu, chim ó, chó trên đảo, cá dưới biển)…

Mắt trùng khơi – từ những người lính đảo đến hậu phương - ảnh 2Một tác phẩm trong triển lãm Mắt trùng khơi của Trần Thành. 

Kỹ sư-nhiếp ảnh gia Trần Thành cho biết, một trong những điều thu hút nhất với anh là việc ghi lại những đôi mắt trên biển với nhiều sắc thái, góc độ, tâm trạng: "Khi chụp người lính cảm xúc rất là khó tả. Lúc các anh đang làm nhiệm vụ, lúc các anh đang huấn luyện hay tăng gia. Khoảnh khắc nào cũng rất đặc biệt, nhưng tôi ấn tượng ở những chỗ là những ánh mắt của các chiến sĩ chia tay nhau ở cầu cảng; ánh mắt vừa chan chứa vừa da diết, thế nhưng vẫn toát lên quyết tâm làm nhiệm vụ ở nơi đầu sóng ngọn gió".

Nói về sự kết hợp ăn ý với nhà thơ Lữ Mai để mỗi bức ảnh là tác phẩm độc lập chứ không dừng ở sự minh họa cho bài viết, kỹ sư-nhiếp ảnh gia Trần Thành cho biết: "Nhiếp ảnh là khoảnh khắc, còn văn học là sự diễn đạt sâu sắc về mặt nội tâm và mô tả được nhiều không gian xung quanh hơn nữa. Ở đây, những tản văn-những câu chuyện được kể rất dung dị, rất nhỏ nhẹ, cách thức ấy rất dễ đi vào lòng người. Vì vậy sự kết hợp giữa tản văn và nhiếp ảnh ở đây nó cũng rất hợp lý, tôn nhau lên."

Được biết, trước thềm ra mắt sách, nhóm tác giả Lữ Mai - Trần Thành đã thực hiện chương trình phát hành, tặng sách ra biển đảo nhằm lan tỏa câu chuyện về các lực lượng ngày đêm canh giữ biển trời cùng hậu phương nơi quê nhà của họ tới cộng đồng.

Cuối tháng 12 này, khi những chuyến tàu chở quà Tết ra Trường Sa, Nhà giàn DK1, tuyến đảo Tây Nam cũng như các tuyến đảo gần bờ khác… nhóm tác giả sẽ hỗ trợ công tác chuyển sách theo yêu cầu người tặng tới các điểm nhận nơi biển, đảo.

Những hành động ý nghĩa này cùng với sự lao động nghiêm túc, trách nhiệm của nhóm tác giả khiến cho anh Nguyễn Việt Hùng-Giám đốc Bảo tàng tuổi trẻ Việt Nam không khỏi xúc động:"Tình yêu đối với biển đảo của hai tác giả này rất lớn. Sau khi ra Trường Sa, hai tác giả đã viết nên những cuốn sách kể về cuộc sống người lính hải quân nơi hải đảo xa xôi. Những câu chuyện rất xúc động đi vào lòng người, rất gần gũi với đời sống chiến sỹ và đời sống nhân dân. Qua cuốn sách này, những người ở đất liền phần nào hình dung ra cuộc sống thực tế ở Trường Sa: Nó khó khăn gian khổ nhưng cũng vô vùng hào hùng, đẹp đẽ. Cuốn sách góp phần giáo dục thế hệ trẻ nâng cao nhận thức về chủ quyền biển đảo".

Mắt trùng khơi được xuất bản vào dịp kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2019) và 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2019) cùng với các hoạt động bổ trợ như: Triển lãm ảnh, tọa đàm, giao lưu, phát động chương trình tặng sách cho cho bộ đội, ra mắt Dự án Tủ sách Biển đảo quê hương của Nhà xuất bản Văn học từ ý tưởng khởi xướng của nhóm tác giả Lữ Mai - Trần Thành. Qua đó khơi gợi tình yêu quê hương đất nước, tình yêu biển đảo, và có những hành động thiết thực, ý nghĩa hướng về biển đảo quê hương.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác