Nghệ sỹ trẻ và khát vọng cống hiến

(VOV5) -  Nhiều nghệ sỹ trẻ bằng sự đam mê, tận tâm với nghề, không quản khó khăn vất vả tận hiến cho loại hình sân khấu mà họ đã theo đuổi.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Nghệ thuật sân khấu không thể thiếu tài năng trẻ, không thể thiếu những ngôi sao nghệ thuật biểu diễn. Hiện nay, tuy sân khấu kịch hát dân tộc có thiếu vắng tài năng trẻ, nhưng nhìn chung, sân khấu đang sở hữu đội ngũ diễn viên trẻ trung, năng động, có tài. 
Với thực tại khó khăn chung của sân hiện nay, đặc biệt là sân khấu kịch hát dân tộc như Tuồng, Chèo và Cải lương, nhiều nghệ sỹ trẻ bằng sự đam mê, tận tâm với nghề, không quản khó khăn vất vả tận hiến cho loại hình sân khấu mà họ đã theo đuổi.
Nghệ sỹ trẻ và khát vọng cống hiến - ảnh 1Nghệ sĩ chèo Lộc Huyền - Ảnh: Báo Công an nhân dân

Chia sẻ về những tâm nguyện của bản thân dành cho sân khấu Tuồng NSƯT Lộc Huyền, diễn viên Nhà hát Tuồng Việt Nam tâm sự: “Nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung và nghệ thuật Tuồng nói riêng có một cái khó khăn chung đó là thiếu vắng khán giả. Thế nhưng với lòng đam mê nghệ thuật và tâm huyết của Lộc Huyền nên là dù có khó khăn đến mấy Lộc Huyền vẫn bám trụ với nghề của mình. Lộc Huyền muốn góp phần gìn giữ cũng như phát triển nghệ thuật truyền thống, nhất là nghệ thuật tuồng. Khi mình đi ra ngoài, rất nhiều khán thính giả cũng như bạn bè của gia đình nói rằng: Không hiểu sao trong thời buổi này mà vẫn còn có bạn trẻ lại yêu nghề như thế, vẫn đi theo tuồng. Chắc là bạn phải phải yêu tuồng như thế nào. Thật sự với Huyền bây giờ, tuồng là cuộc sống thứ hai. Nếu như một ngày không được luyện tập hoặc biểu diễn cùng các nghệ sĩ sẽ cảm thấy rất buồn và về nhà lúc nào cũng như mệt mỏi. Nhiều khi ông xã của Huyền còn trêu: anh có cảm giác khi diễn tuồng thì em khỏe lắm, nhưng mà khi không diễn tuồng tự nhiên thấy em yếu đi mà hay ốm vặt. Đúng là Huyền cũng cảm thấy như thế thật. Đó là một nguồn sống của Lộc Huyền và đó là niềm vui trong cuộc sống này.”

Đam mê sân khấu và nghệ thuật đã trở thành nguồn sống để từ đấy những nghệ sỹ trẻ không chỉ mang trong mình trọng trách kế thừa mà còn phải phát triển loại hình sân khân khấu ấy.

Nghệ sỹ trẻ và khát vọng cống hiến - ảnh 2Nghệ sĩ chèo Trần Thái Sơn - Ảnh: Báo Đại đoàn kết

Là một trong những nghệ sỹ Chèo trẻ tuổi được nhà nước trao tặng danh hiệu NSƯT vừa qua, NSƯT Trần Thái Sơn  - diễn viên Nhà hát Chèo Việt Nam nói về trọng trách của người nghệ sỹ chuyên nghiệp, đặc biệt nghệ sỹ trẻ trong việc thúc đẩy hoạt động sân khấu không chuyên, từ đó giúp quảng bá và phát triển hơn nữa sân khấu chuyên nghiệp: “Ở sàn diễn chuyên nghiệp, khi chúng tôi làm những vai mẫu thì được học của mọi người, được học của những thế hệ đi trước, của thế hệ cha chú. Có những cái chúng tôi gọi với nhau nó là chuẩn chỉ, là vàng mười, thì phải cố làm sao cho nó đúng nhất, cho chuẩn nhất. Nhưng khi mang đi những cái mà chúng tôi cho là chuẩn, chúng tôi nhìn nhận đó là vàng mười, hoạt động ở sân khấu không chuyên để hướng dẫn cho mọi người, thì nó có những khó khăn vô cùng. Bởi vì là ở những sân khấu đó, mọi người không phải là những diễn viên chuyên nghiệp được đào tạo. Họ không có những kỹ năng để làm được những điều đó. Để diễn tả được những vai mẫu hay là mô hình nhân vật như vậy, chúng tôi gần như nói là “đóng giày theo chân”, phải hướng dẫn mọi người theo khả năng và theo sở trường của mọi người.”

Để thu hút khán giả đến với bộ môn sân khấu mà bản thân theo đuổi, ngoài đam mê, cống hiến mà các gương mặt trẻ ở sân khấu tuồng như NSƯT Lộc Huyền, ở sân khấu Chèo như NSƯT Trần Thái Sơn đã chia sẻ, với sân khấu Cải lương cũng ghi nhận một gương mặt nghệ sỹ trẻ tiêu biểu được nhà nước ghi nhận tài năng, cống hiến và trao tặng danh hiệu NSƯT, đó là NSƯT Như Huỳnh – diễn viên Nhà hát Cao Văn Lầu, tỉnh Bạc Liêu.

Nghệ sỹ trẻ và khát vọng cống hiến - ảnh 3Nghệ sĩ cải lương Như Huỳnh, người được khán giả trân trọng gọi là "hoa hậu cải lương".

Là thế hệ nghệ sỹ trẻ kế thừa của sân khấu Cải lương, trong niềm vui nhận danh hiệu được nhà nước phong tặng, NSƯT trẻ Như Huỳnh cho biết: "Bản thân Như Huỳnh là lớp nghệ sĩ kế thừa và là người con của đất miền Nam ra Thủ đô, Như Huỳnh rất xúc động, cảm thấy rất là vinh dự.

Hiện tại mọi người đã thấy tình hình chung, những chương trình kịch hát dân tộc của mình vẫn còn hạn chế khán giả. Cũng đang có những hướng đi, những cải tiến trong việc tổ chức sản xuất chương trình hoặc là hướng đào tạo. Huỳnh tin rằng chắc chắn một ngày không xa những rạp hát, những chương trình kịch hát dân tộc cũng sẽ đầy ắp những khán giả. Những sự ủng hộ của quý vị khán giả Huỳnh tin là sẽ không bao giờ mất đi."

Sự tận tâm và cống hiến hết mình cho nghệ thuật của lớp nghệ sỹ trẻ sân khấu kịch hát dân tộc như Tuồng, Chèo, Cải lương đã được nhà nước ghi nhận, nhiều nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSUT, đây sẽ là động lực như những gì các nghệ sỹ đã chia sẻ để họ tiếp tục con đường kế thừa và phát triển loại hình sân khấu này.

PGS TS Trần Trí Trắc trong bài viết “Nghệ sĩ trẻ trong nghệ thuật biểu diễn sân khấu hôm nay” có nói: “Nghệ thuật sân khấu không thể thiếu nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trẻ tài năng. Nghệ sĩ trẻ tài năng là nghệ sĩ có năng khiếu trời cho và thầy cho. Nghệ sĩ tài năng trẻ là hoa thơm, quả ngọt của nghệ thuật sân khấu và cây đại thụ sân khấu không thể thiếu hoa thơm, quả ngọt ấy…Muốn nuôi dưỡng được tài năng trẻ của nghệ thuật biểu diễn sân khấu Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, thì Đảng, Nhà nước cần chăm lo đến đời sống vật chất của họ đặc biệt, để đời sống tinh thần của họ được thăng hoa, làm nền tảng cho sự duy trì, phát triển tài năng trên sân khấu. Không có bầu trời đầy sao sáng thì sân khấu chỉ là đêm “30 Tết” mà thôi!”
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác