Ngược chiều gió – câu chuyện về khoảng cách thế hệ

(VOV5) - Vừa qua, Nhà hát Tuổi trẻ đã cho ra mắt vở diễn Ngược chiều gió, nội dung đề cập tới những vấn đê rất gần gũi với thanh thiếu niên, phản ánh đúng hiện trạng đang xảy ra trong các gia đình hiện nay...
Ngược chiều gió – câu chuyện về khoảng cách thế hệ  - ảnh 1 Hình ảnh tại vở diễn

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Câu chuyện kịch là một mẫu gia đình tiêu biểu với cha mẹ và cô con gái 18 tuổi mới đỗ đại học cùng cậu con trai 10 tuổi. Bề ngoài, đây là một gia đình trung lưu, thành đạt. Nhưng sau cái vỏ ngoài đó, sự thật là các thành viên liên tục làm tổn thương nhau bằng những lời nói dối, những ảo tưởng và cả sự áp đặt cái tôi của mình. Tác động của những giá trị trong xã hội đã ảnh hưởng lớn tới từng thành viên. Đó là sự xuống cấp về đạo đức khi mọi sự thành công của họ đều được giải quyết bằng tiền: mua bằng cấp cho người vợ, chạy chọt để cô con gái được vào đại học… Sự cố xảy tới, khi ông chồng có lệnh bị bắt tạm giam về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Bà vợ bất lực trong việc dạy dỗ đối thoại với con cái; cô con gái vỡ lẽ câu cô được vào đại học do bố chạy tiền chứ không phải bằng thực lực…

Ngược chiều gió – câu chuyện về khoảng cách thế hệ  - ảnh 2

Đạo diễn, NSƯT Sĩ Tiến giải thích lý do anh lựa chọn kịch bản của một nữ biên kịch còn rất trẻ: "Ngược chiều gió đặt vào tâm trạng của những người trẻ, chúng tôi có suy nghĩ thứ nhất là phù hợp với tiêu chí của nhà hát, thứ hai trong các vở diễn dành cho lứa tuổi vị thành niên nhà hát hiếm hoi những vở diễn như vậy. Vở diễn thực sự là một thách thức vì có quá nhiều quan điểm đề cập đến trong một tác phẩm nhưng tựu chung trong mối quan hệ gia đình thì nó còn bộc lộ những mối quan hệ khác trong xã hội và điều đặc biệt là người trẻ tuổi đam mê sáng tạo, mày mò tìm hiểu và tự lập, không sống phụ thuộc vào bất cứ điều gì, và hơn cả họ muốn sống thật lòng mình. Đấy là điều chúng tôi trăn trở bởi cách giáo dục của phụ huynh với con cái, tuy rằng đầy yêu thương nỗ lực, trách nhiệm nhưng điều ấy còn đúng với ngày hôm nay hay không".

 Các diễn viên nhận vai chính của vở cũng có rất nhiều suy tư. NS Quang Ánh vào vai ông bố, cũng có nhiều suy ngẫm, tự vấn chính bản thân khi trong cuộc sống, anh cũng đã là bố của một cô con gái bướng bỉnh: "Bẵng đi một thời gian bây giờ quay trở lại sân khấu và được nhận ngay một vai diễn rất hay rất nặng thì trong quá trình sáng tạo và diễn viên tập luyện thì rất nhiều tranh luận từ với đạo diễn với các diễn viên với nhau. Bởi vì đây là một vở diễn mang tính thời đại mà có hai luồng tư tưởng tư tưởng của cha mẹ luồng tư tưởng của giới trẻ con hai luồng tư tưởng đấy đối đầu với nhau trong một gia đình. Ai cũng cho rằng đúng thể hiện như này thì nên tôi đã tìm hiểu và tìm tòi rất nhiều thì mình cũng thay đổi cách dạy dỗ con cái, không nhất thiết phải quát nạt không nhất thiết phải áp đặt và hãy lắng nghe các con".

Ngược chiều gió – câu chuyện về khoảng cách thế hệ  - ảnh 3

Sự bế tắc của ông bố, bà mẹ trong Ngược chiều gió bên cạnh nét mạnh mẽ, bản lĩnh, dám đối đầu vì lẽ phải, vì sự trung thực của chính con cái họ qua những lời thoại rất đời thường là lý do khiến vở kịch hấp dẫn khán giả. Nghệ sỹ Nguyệt Hằng cũng rất hào hứng với vai diễn thuộc mô típ khác với những gì chị từng thể hiện trong sự nghiệp diễn xuất của chị. Chị tâm sự về vai bà mẹ ham hư danh, bất lực trước cuộc sống, trước chồng con của nhân vật: "Đây cũng là một vai diễn có sức nặng với mình vì mọi khi mình cũng quen diễn vậy cá tính hoặc diễn hài kịch nhiều hơn mới đầu. Mọi người đều nghĩ rằng với tâm lý xã hội của toàn là đời thường thôi thì lên sân khấu thì sẽ thấy đó đơn giản.  Khi càng diễn tập tìm tòi sáng tạo không khí đạo diễn NSUT Sĩ Tiến cả ê kíp diễn nữa thì mới thấy rất khó khó từng câu chữ từng câu nói của nhân vật. Đằng sau nó ẩn lý cái gì và muốn nói đến cái gì thì làm sao mà nói nó vẫn phải là đời thường nhưng lại phải thể hiện hết tâm tư nguyện vọng của tác giả mà cả đạo diễn".

Cuộc sống của thế hệ cha mẹ với rất nhiều bất thường, giả dối, không trung thực đã làm cho những đứa con muốn tự vượt thoát, trước hết là sự đối kháng mạnh mẽ với những gì cha mẹ rao giảng. Sự nổi loạn đó khiến gia đình họ càng thêm rối ren.

Ngược chiều gió – câu chuyện về khoảng cách thế hệ  - ảnh 4

Đạo diễn, NSƯT Sĩ Tiến khẳng định một phong cách riêng bởi lối dàn dựng chỉnh chu, nghiêm túc, kỹ lưỡng chăm chút cho từng vai diễn, từng tình huống cho tới câu thoại trong kịch. Đạo diễn đã tìm được cách lý giải riêng cho kịch bản với tư duy hiện đại, thích hợp với cách tư duy nhanh của thế hệ trẻ. "Là một tính căn bản của vở diễn mà Huệ Ninh có thể đưa vào cái đấy nó phù hợp với đời sống ngày hôm nay chúng ta cũng không quá rườm rà những cái đấy là tôi rất đồng ý và Ninh cũng thấy là đẩy tiết tấu câu chuyện nó đi mạch lạc và nhanh, chúng ta sẽ điều chỉnh bằng cách thái độ cũng như là nghệ thuật biểu diễn của các nghệ sĩ trẻ để giúp cho những câu thoại nó vừa đời thường nhưng phải tiềm ẩn ý văn học để giúp cho câu chuyện nó vừa mềm mại nhưng nó cũng vừa đủ độ để phân biệt được hai cái khả năng giữa quan điểm sống của người lớn tuổi và những quan điểm của giới trẻ".

Với những tư duy chủ đạo của ê kíp đạo diễn, biên kịch… thiết kế sân khấu của vở đơn giản nhưng cũng rất hiện đại. Toàn bộ phần thiết kế mỹ thuật tập trung vào căn nhà di động được khai thác triệt để ở mọi góc cạnh để tạo nên những không gian riêng. Thú vị nhất là hình ảnh khi ông Quyết có quyết định bị bắt tạm giam thì toàn bộ phần mái của ngôi nhà bị bật ra, khiến người xem liên tưởng tới câu thành ngữ “nhà dột từ nóc…” trong tiếng nhạc nhẹ nhàng, cuốn hút của ca khúc đặt riêng cho vở diễn… Đêm diễn thành công và được sự ghi nhận của cả khán giả trẻ lẫn người lớn tuổi.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác