Nguyên Lê – người làm mới những tự tình dân tộc

(VOV5)- "Nói thế này nghe có vẻ rất thiếu khiêm tốn nhưng thực sự tôi muốn nâng hạng cho âm nhạc châu Á trên thế giới.”

Nguyên Lê – người làm mới những tự tình dân tộc - ảnh 1
Nhạc sĩ Nguyên Lê, Ngô Hồng Quang, ca sĩ Mỹ Linh cùng các cộng sự trong đêm trình diễn tại Hà Nội


Nghe âm thanh bài viết cùng bài hát Về đồi non tại đây:

Quý vị đang nghe những âm thanh trong buổi tập của Nguyên Lê và Ngô Hồng Quang cùng với ca sĩ Mỹ Linh tại Hà Nội. Cuối tháng 2, đầu tháng 3 vừa qua Nguyên Lê đã có dịp trở lại quê nhà giới thiệu Hà Nội Duo, CDthứ 18 trong sự nghiệp âm nhạc của mình, cùng nhạc sĩ Ngô Hồng Quang và những người bạn.


Như chính Nguyên Lê tâm sự, dù cha mẹ anh 100% là người Việt, nhưng về mặt văn hóa, anh lại có đến 90% là người Pháp. Cũng từng biết chút ít tiếng Việt từ nhỏ, nhưng rồi như nhiều thanh thiếu niên Việt Nam ở nước ngoài khác, vốn liếng tiếng Việt ít ỏi của anh chỉ còn là ký ức. Chưa từng nghĩ rằng Việt Nam là một nơi nào cần khám phá, cho đến một ngày anh nhận ra dường như mình chưa đúng: “Thời điểm tôi nhận ra tầm quan trọng của nguồn cội là lúc ra đĩa solo đầu tiên năm 1989 mang tên Miracles. Quan điểm của tôi là khi làm một đĩa solo, nghệ sĩ phải có điều gì đó thật riêng, thật quan trọng để chia sẻ, nếu không thì chỉ nên tự chơi nhạc cho sướng thôi chứ ra đĩa làm gì. Tôi cảm thấy rằng cách tốt nhất để tạo ra bản sắc nghệ thuật của mình là trở về với nguồn cội. Đó là một CD nhạc jazz gồm các tác phẩm của tôi thu tại New York với những nhạc công hàng đầu của Mỹ, nhưng tôi đã đưa vào đó một số yếu tố của âm nhạc Việt Nam. Tôi chơi guitar điện theo cách riêng của mình, áp dụng vào đó một số kỹ thuật của đàn bầu và ngẫu hứng theo tư tưởng Á châu. Nhưng đến tận lúc đó, quan hệ của tôi với Việt Nam vẫn khá là trừu tượng, chủ yếu mang tính khái niệm, cho đến tận lúc tôi gặp Hương Thanh năm 1995. Đó mới là lúc tôi thực sự gặp gỡ và làm việc với một con người cụ thể, trước đó tôi chỉ tiếp xúc với âm nhạc Việt Nam qua sách vở băng đĩa mà thôi. Tôi đã học được rất nhiều từ Hương Thanh.”


Nghệ sĩ Hương Thanh, người từng nổi danh với những ca khúc jazz thu âm dưới bàn tay kỳ diệu của Nguyên Lê, cũng tâm sự rằng cuộc gặp gỡ với Nguyên Lê đã đưa Hương Thanh đến với thế giới của nhạc jazz, thể loại âm nhạc mà chị chưa từng tiếp xúc trước đó. Thổi vào các làn điệu dân ca âm hưởng jazz, sự kết hợp tuyệt vời giữa hai nghệ sĩ đã đưa dân ca Việt Nam như làm gió mới đến với khán giả Âu Châu. Hương Thanh nói: “Đó là cuộc gặp gỡ quan trọng nhất, để từ đó Hương Thanh lấy những vốn liếng của mình và học hỏi thêm, tìm tòi thêm để ra đĩa CD đầu tiên và diễn trong chương trình kết hợp giữa dân ca và nhạc jazz. Anh Nguyên Lê là người soạn cho những bài dân ca mà Hương Thanh đã chọn. Với bốn năm đĩa đó, không phải anh Nguyên Lê làm mới dân ca Việt Nam, mà như là thêu dệt nên một ngôi nhà cho dân ca, làm đẹp dân ca Việt Nam theo cách nước ngoài để dễ nghe hơn.”


Nguyên Lê nổi danh toàn cầu như một nhạc công guitar thượng thặng và một nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc không ngừng sáng tạo. Sống ở Pháp với hai quốc tịch Pháp và Việt Nam, từ năm 2011 nhạc sĩ đã thường xuyên trở lại quê nhà
Nguyên Lê cho biết album mới ra mắt Hà Nội Duo của anh và nhạc sĩ – ca sĩ  Lê Hồng Quang nhận được sự quan tâm rất lớn của báo chí quốc tế, ở Âu - Mỹ có nhiều bài báo nhận xét rất tốt. Sau tua diễn ra mắt ở Việt Nam, nhóm nghệ sĩ sẽ có nhiều buổi diễn đẳng cấp nữa, đặc biệt là buổi diễn mở màn cho Norah Jones ở Marseille (Pháp) hay diễn tại Kolner Philharmonie, một khán phòng với sức chứa 2.000 khán giả ở Cologne (Đức), là khán phòng chỉ dành cho âm nhạc đỉnh cao mới có thể bước chân vào. 

Nguyên Lê – người làm mới những tự tình dân tộc - ảnh 2
Ngô Hồng Quang và Nguyên Lê - Ảnh: Báo Thể thao văn hóa


Nhạc sĩ, ca sĩ Ngô Hồng Quang cho biết: “ Có ba bài, một là bài Về đồi non, Tình đàn sáng tác cho tôi và Nguyên Lê, bác chơi ghita tôi chơi đàn tính và một bài gốc tiếng Mông, bài hát giao duyên - tôi cắt một đoạn trong bài hát đó xây dựng một bài tên là Gọi em. Ba bài còn lại của bác Nguyên Lê là nhạc truyền thống Việt Nam. Thực ra tôi biết bác Nguyên Lê lâu rồi, từ hồi bác làm đĩa nhạc dân tộc và Việt Nam với ca sĩ Hương Thanh. Nhạc của bác hay ở chỗ là tư duy âm nhạc rất mở. Ngoài việc chơi đàn hay ra thì bác còn là nghệ sĩ nhạc jazz mà có thể kết hợp âm nhạc của bác với rất nhiều thể loại âm nhạc của thế giới, không riêng gì Việt Nam. Bác biết chắt lọc những cái hay đưa vào tác phẩm của mình, tôi rất thích phong cách đấy. "


Như Nguyên Lê tâm sự, so sánh thời điểm 1996 khi anh ra CD Những câu chuyện kể từ Việt Nam cùng Hương Thanh với thời điểm hiện tại thì anh cảm thấy đã góp phần làm thay đổi khá nhiều cách nhìn nhận của khán giả châu Âu về âm nhạc Việt Nam. Nguyên Lê chia sẻ: “Mong muốn của tôi là tạo ra thứ âm nhạc vừa có tính suy tưởng như tâm hồn người châu Á lại vừa năng động vui tươi như cách phương Tây ưa thích. Nói thế này nghe có vẻ rất thiếu khiêm tốn nhưng thực sự tôi muốn nâng hạng cho âm nhạc châu Á trên thế giới.”.

Phản hồi

Các tin/bài khác