(VOV5) - Hơn 20 năm gắn bó với hoạt hình, nhà biên kịch Phạm Thanh Hà đã tham gia biên kịch và biên tập hàng trăm phim hoạt hình, nhận nhiều giải thưởng tại các Liên hoan phim Việt Nam.
Nếu không trở thành biên kịch hoạt hình thì Phạm Thanh Hà sẽ làm gì? Câu hỏi thật khó trả lời với người phụ nữ đã ở tuổi đằm chín với nghề, đã cảm nhận đủ những khó khăn, hạnh phúc và cả sự cô đơn trên hành trình được gắn bó, được đam mê với con chữ và những khung hình.
Nhà biên kịch Phạm Thanh Hà. |
Một tác phẩm hoạt hình được tạo nên từ sức lao động của cả một tập thể đạo diễn, biên kịch, họa sỹ, nhạc sỹ, lồng tiếng, âm thanh... Vai trò của đạo diễn và họa sỹ diễn hoạt vô cùng quan trọng. Nhưng kịch bản là chất liệu đầu tiên và có khả năng dẫn dắt tư duy nghệ thuật của một tác phẩm. Một bộ phim tốt được khởi đầu từ những kịch bản tốt. Hơn 20 năm làm biên kịch, biên tập cho phim hoạt hình, Phạm Thanh Hà thấu hiểu đặc thù riêng của công việc này, với sự cẩn trọng, dồn nén. Bởi một câu một từ trong kịch bản đều liên quan tới sự thể hiện của hình ảnh, âm thanh, liên quan trực tiếp tới lao động của đồng nghiệp cũng như kinh phí sản xuất phim.
Sự cô đơn trong sáng tạo là một điều có thể cảm nhận rõ rệt khi đối diện với con chữ. Từ ý tưởng đến một kịch bản hoàn tất là cả một chặng đường dài. Ý tưởng càng lạ càng sâu sắc càng cần thời gian để trải nghiệm, khám phá. Giải Biên kịch xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam 2019 dành cho kịch bản phim hoạt hình “Vầng sáng ấm áp” đã khẳng định sức làm việc độc lập của nhà biên kịch Phạm Thanh Hà. Một câu chuyện giản dị và lay động về tình cha con, về công việc vất vả lặng thầm của những công nhân làm việc dưới hầm mỏ sâu hàng trăm mét. Vầng sáng tỏa ra từ ánh đèn người thợ, từ tấm lòng người cha thương yêu con hết mực. Vầng sáng ấy đối lập với bóng tối, với than đen, vượt lên bão tố để cập bến bình an.
Trong bối cảnh nền công nghiệp hoạt hình ở nước ta chưa hình thành, các studio tư nhân phát triển theo hướng thương mại, một đơn vị thuộc quản lý nhà nước như Hãng phim Hoạt hình Việt Nam vẫn đảm đương nhiệm vụ sản xuất các phim ngắn hoạt hình dành cho thiếu nhi. Vì thế, để so sánh hoạt hình Việt Nam với các nền hoạt hình phát triển trên thế giới là điều không thể. Một tác phẩm thực sự là phim dài chiếu rạp vẫn đang là đích hướng tới. Điều này cũng ảnh hưởng rất nhiều tới tư duy của người làm phim, trong đó có người viết kịch bản. Tuy nhiên, với những gì đã làm được, nhà biên kịch Phạm Thanh Hà cảm thấy thực sự hạnh phúc. Hạnh phúc vì đã đủ kiên nhẫn với nghề. Hạnh phúc vì luôn được sống trong thế giới thiện lành của tri thức và sáng tạo.
Luôn trăn trở với những đề tài, không ngừng tìm tòi và đổi mới, đó là một phần trong con người lao động nghệ thuật của biên kịch Phạm Thanh Hà. Những câu chuyện của đời sống đi vào trang viết tự nhiên, sống động nhưng luôn có sự chắt lọc và tính hình tượng sâu sắc. Các kịch bản phim lịch sử và đồng thoại cũng là một thế mạnh mà ở đó chị dành nhiều thời gian để đọc, tìm kiếm nguồn tư liệu kết hợp cùng các chuyến đi thực tế. Một trong những chuyến đi thực tế ấy đã giúp chị xây dựng kịch bản “Ngọn lửa vĩnh cửu” kể về tình yêu của đôi vợ chống sếu đầu đỏ. Khi sếu chồng bị lạc, sếu vợ đợi chờ trong đau khổ và tuyệt vọng. Một chú bé chăn trâu đã chăm sóc cho sếu vợ qua khỏi cơn nguy kịch. Sếu vợ lấy lại được niềm vui sống. Và một ngày kia, sếu chồng đã trở về với đồng cỏ năng quen thuộc, trong niềm hạnh phúc vô biên mang tên đoàn tụ.
Kịch bản phim “Ngọn lửa vĩnh cửu” qua bàn tay tài hoa của đạo diễn Vũ Duy Khánh và ekip đã đoạt giải nhất Cuộc thi làm phim hoạt hình Việt Nam - Hàn Quốc và kịch bản được Ban giám khảo Hàn Quốc khen ngợi về ý tưởng, về chất Á đông đặc trưng của câu chuyện. Đây là một kỉ niệm đẹp mà biên kịch Phạm Thanh Hà vô cùng trân trọng, yêu mến. Mới đây, khi thăm lại Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), chị viết trên trang facebook cá nhân: “Đến gặp nguyên mẫu, sếu đầu đỏ 364 trong “Ngọn lửa vĩnh cửu”... thấy thân quen, yêu mến. Lưu lạc 18 năm, khi quay trở lại, 364 không vượt qua nổi, đã trở thành tiêu bản trong tủ kính. Trong “Ngọn lửa vĩnh cửu”, tôi để 364 trở về với tình yêu vẫn thủy chung chờ đợi, có một gia đình hạnh phúc và những chú sếu đầu đỏ nhỏ sẽ ra đời, như những đốm lửa được nhân lên trên bãi cỏ năng ngút ngàn dưới ánh hoàng hôn. Thực tế luôn phũ phàng. Nhưng với tôi, 364 từng sáng lên và sẽ luôn là ngọn lửa rực rỡ trong hành trình mà tôi đã đi qua”.
Giàu ngôn ngữ điện ảnh, hướng tới đối tượng khán giả là thiếu nhi nhưng có thể chạm tới trái tim những người đã trưởng thành, những kịch bản của biên kịch Phạm Thanh Hà luôn tạo được sự kết nối, gợi mở với các đạo diễn, tạo nên nhiều bộ phim có giá trị, làm giàu có thêm nền hoạt hình nước nhà. Điều này đã được khẳng định qua nhiều giải thưởng trao cho tác phẩm của chị và đồng nghiệp cũng như sự đón nhận của khán giả nhỏ khi tiếp cận tác phẩm trên các nền tảng mạng.
Từng là một học sinh chuyên văn nhiều ước mơ, hoài bão, sau khi tốt nghiệp đại học, trở thành biên kịch của Hãng phim hoạt hình Việt Nam, Phạm Thanh Hà được sống, được trải nghiệm và chiêm nghiệm trong không gian của tưởng tượng, hư cấu. Từ công việc của một biên kịch hoạt hình đã mở ra cho Phạm Thanh Hà những cánh cửa, những miền không gian mới. Chị viết kịch bản sân khấu, đi dạy, viết báo, viết văn. Dù ở vai trò nào, chị cũng mong muốn phối hợp, hỗ trợ tốt hơn cho công việc chính. Dù ở vai trò nào, chị cũng mang đến nụ cười cùng nguồn năng lượng tích cực, tươi mới cho chính mình và đồng nghiệp.
Sáng tạo là con đường dài không có đích cuối, nhưng được hạnh phúc trên con đường đó thì phải trải qua nhiều cung bậc. Có lẽ là như vậy chăng!
Nhà biên kịch Phạm Thanh Hà sinh năm 1976, theo học đại học chuyên ngành Báo chí, học thạc sỹ chuyên ngành Lý luận - Lịch sử và Phê bình điện ảnh - truyền hình tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiện chị là Trưởng phòng Kịch bản – Hãng phim Hoạt hình Việt Nam.