(VOV5) - Để nghệ thuật truyền thống trở thành sản phẩm văn hoá đúng nghĩa, tạo sức hút lâu dài với công chúng, cần kết hợp biểu diễn tại các không gian văn hoá di sản
Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Minh Nguyệt:
Đáp ứng xu thế phát triển của xã hội, những năm gần đây, các loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, như: tuồng, chèo, múa rối nước, ca trù… không chỉ diễn ra tại các hội diễn ở làng xã hay trong các nhà hát… mà được biểu diễn ở nhiều không gian văn hoá cộng đồng, nơi dễ dàng tiếp cận với đông đảo công chúng. Để nghệ thuật biểu diễn truyền thống vừa giữ được các giá trị cốt lõi, vừa phát triển trong đời sống hiện đại và được nhiều người đón nhận, nhất là giới trẻ, ngành văn hóa đã có nhiều giải pháp linh hoạt, đồng bộ.
Những năm gần đây, Hà Nội cũng như nhiều tỉnh thành trên cả nước tích cực tổ chức các hội diễn nghệ thuật truyền thống, các chương trình giao lưu nghệ thuật tại các khu vực trung tâm, thu hút sự quan tâm của công chúng.
Biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại Trung tâm văn hoá nghệ thuật 22 Hàng Buồm. Ảnh: VOV |
Theo nghệ sỹ, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, để nghệ thuật truyền thống trở thành sản phẩm văn hoá đúng nghĩa, tạo sức hút lâu dài với công chúng, cần kết hợp biểu diễn tại các không gian văn hoá di sản: "Phải kết hợp với những không gian di sản. Nếu chỉ thuần túy ở trong rạp biểu diễn bình thường thì rất yếu về mặt ngữ cảnh. Nếu đặt trong không gian di sản, tôi nghĩ nó sẽ phát huy được ý nghĩa hơn rất nhiều. Ví dụ như vở tuồng “Sơn hậu”, nếu chỉ đặt trong một nhà hát tuồng thì rất bình thường. Nhưng nếu đặt trong một ngữ cảnh thì đó chính là sự sáng tạo, tạo ra giá trị mới. Điển hình như vở “Sơn Hậu” khi được biểu diễn, được thiết kế lại trong một không gian, từ ánh sáng, từ khói lửa cho đến nội dung tương tác được với ngữ cảnh của khu tập thể có yếu tố lịch sử như Văn Chương thì rõ ràng tạo nên một sức hút cho chính cộng đồng ở đó, huống hồ gì là cư dân bên ngoài."
Còn theo bà Lư Thị Thanh Lê, Giảng viên bộ môn công nghiệp văn hoá và sáng tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, để quảng bá nghệ thuật truyền thống cần phải có các địa điểm biểu diễn cố định, điển hình như Trung tâm văn hoá nghệ thuật (ở 22, Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội) hay Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ (ở địa chỉ 50, Đào Duy Từ, Hà Nội) : "Theo tôi, nên có những hoạt động mang tính hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng, hằng năm. Các nghệ thuật biểu diễn truyền thống đặc trưng của Hà Nội có thể nghiên cứu để ngày nào chúng ta muốn thưởng thức biểu diễn truyền thống, chúng ta đều nghĩ đến địa điểm này, một nơi mang tính tập trung người dân địa phương cũng như là du khách. Hiện nay, du khách rất thiếu thông tin về việc ở đâu có gì để họ có thể lên kế hoạch cho chuyến đi hoặc là tích hợp nó vào trong các kế hoạch hằng ngày. Làm sao để có những kênh thông tin về sự kiện, còn phải thêm các tiện ích như việc Hà Nội có sự kiện biểu diễn nghệ thuật nào, ở đâu và chính xác thời điểm nào, ai biểu diễn, mua vé như thế nào?."
Hát chèo tại Đình Kim Ngân. Ảnh: VOV
|
Một trong những giải pháp trọng tâm được nhiều chuyên gia nhấn mạnh trong việc phát huy dòng chảy nghệ thuật truyền thống trong cuộc sống hiện đại là tăng cường các phương pháp giáo dục, truyền thông. Nhiều năm qua, một số nhà hát tại thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực mang nghệ thuật đến với học sinh, sinh viên, qua đó giúp các bạn trẻ hiểu và yêu hơn về nghệ thuật truyền thống thông qua việc tổ chức trình diễn các tiết mục nghệ thuật phù hợp với lứa tuổi dựa trên truyện cổ tích Việt Nam.
Không chỉ biểu diễn nghệ thuật truyền thống ở các trường phổ thông, các đoàn nghệ thuật ở Thành phố Hồ Chí Minh còn tổ chức các buổi giao lưu tại các trường Đại học, cao đẳng. Đây là một trong những phương pháp giáo dục và truyền thông hiệu quả giúp nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với thế hệ trẻ. Phương pháp giáo dục này đang được thực hiện hiệu quả tại một số thành phố, như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nam Định… Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng phòng phòng Tổ chức biểu diễn của Nhà hát nghệ thuật hát bội Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: "Có một tín hiệu rất vui là lượng khán giả xem ngày càng đông hơn, lượng khán giả trẻ chiếm đa số. Sự đầu tư của chính nhà hát, từ lãnh đạo nhà hát tới từng nghệ sĩ, tất cả các bộ phận đều phải tự đổi mới, giữ những giá trị cổ điển nhưng phải đem những cái mới, tinh thần của người trẻ vào để mình dễ dàng tiếp cận với khán giả trẻ hơn."
"Trường có những chuyên đề để tìm hiểu về nghệ thuật dân tộc rồi nghệ thuật chèo. Các em ấy tự học, tự diễn,, tự hát chèo, chúng tôi giảng dạy và hướng dẫn để các em biểu diễn phục vụ luôn tại trường. Khi chúng tôi giảng dạy thì các em rất hào hứng và thích thú" - Nghệ sỹ Lại Thanh Minh, Đoàn biểu diễn nghệ thuật chèo Nam Định nói.
Trong khi hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực là giải pháp trọng tâm để giữ gìn và phát huy các giá trị cốt lõi của nghệ thuật truyền thống, thì việc tổ chức trình diễn tại các không gian văn hoá cố định sẽ là định hướng giúp các loại hình nghệ thuật này đến gần hơn với công chúng, là điểm hẹn văn hoá thường niên của người dân. Cùng với đó, phương pháp giáo dục nghệ thuật truyền thống tại các trường học là giải pháp mũi nhọn giúp các loại hình nghệ thuật truyền thống không những được bảo tồn mà phát triển mạnh mẽ trong đời sống hiện đại.