Phục chế bức tranh 74 tuổi của danh họa Nguyễn Gia Trí: Duyên nghề - duyên người

(VOV5)- Mới đây (4-11-2013), họa sỹ Nguyễn Lâm, một trong số ít ỏi những họa sỹ có thâm niên đeo đuổi nghệ thuật sơn mài truyền thống hơn nửa thế kỷ, đã hoàn thành công việc phục chế bức tranh sơn mài khổ lớn (3m x 1,8m) có tên “Đám rước” (vẽ năm 1939) của danh họa Nguyễn Gia Trí (1908-1993). Đây là bức tranh được treo tại Tòa khâm sứ Pháp (cũ), nay là Tòa lãnh sự Pháp tại TP. Hồ Chí Minh.

Phục chế bức tranh 74 tuổi của danh họa Nguyễn Gia Trí: Duyên nghề - duyên người - ảnh 1
Họa sĩ Nguyễn Lâm và ông Fabrice Mauries - Tổng lãnh sự Pháp tại Tp HCM bên bức tranh "Đám rước".


Không đơn giản là công việc liên quan tới một tác phẩm hội họa bị hư hỏng theo thời gian, quá trình phục chế một bức tranh ra đời cách nay đã 74 năm còn cho ta biết nhiều câu chuyện thú vị xung quanh.

Mối duyên từ vài thập kỷ trước

Những năm 58-60 của thế kỷ trước, họa sỹ Nguyễn Gia Trí vào sinh sống tại Sài Gòn. Ông bắt đầu nổi danh và vẽ nhiều tranh nhất thời gian ấy. Có thể nói, đây là giai đoạn đỉnh cao trong sự nghiệp của vị bậc thầy sơn mài. Lúc này, Nguyễn Lâm và Hiếu Đệ là hai họa sỹ trẻ đã có chút tiếng tăm tại Sài Gòn và cũng chung niềm say sưa với nghệ thuật sơn mài truyền thống. Cả hai có quen với một người là bạn của anh trai họa sỹ Nguyễn Gia Trí. Sự quen biết qua nhau đó cộng với mối quan tâm chung là sơn mài khiến hai họa sỹ trẻ mạo muội tới làm quen và xin được thỉnh giáo.

Họa sỹ Nguyễn Lâm còn nhớ, trong cuộc sống, danh họa Nguyễn Gia Trí là người rất khó tính. Lối sinh hoạt và làm việc của ông nề nếp, nghiêm khắc và miệt mài. Mỗi buổi sáng, cứ bắt đầu giờ vẽ là ông đóng cửa phòng làm việc và không tiếp bất cứ ai. Ngay cả người bạn thân của ông hồi đó là Lê Văn Đệ muốn mời ông tới giảng dạy mỗi tuần đôi giờ để lấy thêm uy tín cho Trường vẽ Gia Định (nay là Đại học mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh) ông cũng từ chối. Với hai họa sỹ trẻ Nguyễn Lâm và Hiếu Đệ ngày đó, ông chỉ sẵn lòng giải đáp những khúc mắc cụ thể trong lúc làm nghề mà không giảng giải tuần tự theo lối từ A đến Z.

Với họa sỹ Nguyễn Lâm, còn một cái duyên tình cờ nữa đưa ông tới gần hơn với những kỹ thuật sơn mài của danh họa Nguyễn Gia Trí. Chẳng là người thợ phụ vẽ cho họa sỹ Nguyễn Gia Trí, họa sỹ Nguyễn Văn Tây, có nhà ở sát vách họa sỹ Nguyễn Lâm. Sẵn có những đam mê từ lâu với sơn mài truyền thống của miền Bắc, quan sát cách làm việc của ông Nguyễn Văn Tây, họa sỹ Nguyễn Lâm đã tỉ mẩn mày mò để học hỏi tường tận cách vẽ sơn mài của bậc thầy Nguyễn Gia Trí. Hẳn nhiên ngày đó, họa sỹ Nguyễn Lâm không thể biết, hơn nửa thế kỷ sau, ông lại là người được chọn để phục chế một tác phẩm sơn mài khổ lớn rất giá trị của vị tiền bối này.

Duyên với tranh và người

Từ hơn mười năm trước, họa sỹ Nguyễn Lâm đã có cơ hội tiếp xúc lần đầu với bức tranh sơn mài “Đám rước” của danh họa Nguyễn Gia Trí. Lần đó, một tác giả nữ người Pháp khi viết cuốn sách về lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam đã bỏ công sang Việt Nam và tìm gặp từng họa sỹ. Nguyễn Lâm là một trong số những người được đề cập tới trong cuốn sách. Sau khi công trình xuất bản, nữ tác giả đã mời ông tới tổng lãnh sự quán Pháp tại TP. Hồ Chí Minh để tặng sách. Và lần đó, ông đã được ngắm bức tranh “Đám rước”.

Ngay từ lần tiếp xúc đó, ông đã nhận ra sự xuống cấp đáng lo ngại của chất lượng bức tranh. Bề mặt tranh bị bụi bặm đóng lại giống như một thỏi sô cô la. Màu son đỏ như gạch tôm vốn tươi tắn là thế, nhưng theo thời gian, cũng đã nhạt gần hết. Trên thực tế, từ lâu, tòa lãnh sự Pháp cũng có ý tìm người phục chế bức tranh. Nhưng do những điều kiện khắt khe của họ liên quan tới công tác này, cộng thêm việc không dễ tìm ra họa sỹ am hiểu tường tận về sơn ta và nghệ thuật sơn mài truyền thống, nên việc phục chế cứ lần lữa gác lại cả chục năm trời.

Cùng thời gian đó, họa sỹ Nguyễn Lâm có nhận dạy vẽ cho một họa sỹ người Pháp. Suốt ba năm trời, mỗi năm, anh này dành khoảng ba tháng, sang tận nhà họa sỹ Nguyễn Lâm học vẽ sơn mài. Chứng kiến lối làm việc nghiêm túc, say sưa, hiểu được sự kỹ lưỡng và kỳ công của thầy trong khi làm tranh, người học trò đã tiến cử ông với người bạn vốn là một nhân viên trong tòa lãnh sự Pháp tại TP. Hồ Chí Minh. Sau đó, tòa lãnh sự đã mời Nguyễn Lâm tới “bắt bệnh” cho bức tranh của danh họa Nguyễn Gia Trí. Sau khi xem xét tỉ mỉ thực trạng tác phẩm, họa sỹ Nguyễn Lâm đã làm phiếu miêu tả những hư hại cụ thể, kèm theo phương án phục chế sao cho hợp lý, an toàn và đảm bảo tuổi thọ lâu dài cho bức tranh. Mất ba tháng chờ đợi để đề xuất của ông được chính phủ Pháp phê duyệt, tới tháng 9 năm 2013, ông chính thức được dành một phòng riêng để phục chế tranh ngay trong tòa lãnh sự quán Pháp, dưới sự giám sát chặt chẽ của các nhân viên nơi đây.

Phục chế tranh – mối tri ân với bậc tiền bối

Cho tới giờ, vẫn chưa ai biết bức tranh “Đám rước” được họa sỹ Nguyễn Gia Trí vẽ tại Hà Nội năm 1939 do ai đặt hàng. Thứ nữa, thông tin về quá trình di chuyển của bức tranh này từ Hà Nội vào tới tòa Lãnh sự quán Pháp ở TP. Hồ Chí Minh như thế nào cũng chưa ai hay. Nhiều người chỉ biết, từ sau giai đoạn chúng ta tiếp quản lại trụ sở tòa khâm sứ Pháp, bức tranh đã được treo ở đó.

Trong những quy định tòa lãnh sự Pháp tại TPHCM đặt ra với người làm nhiệm vụ phục chế tranh, ngoài quy định bắt buộc việc phục chế phải được tiến hành ngay tại trụ sở tòa lãnh sự, còn có những quy định khác  đáng lưu ý: Không được phép tiết lộ kích thước thật của bức tranh để tránh bị làm giả. Người phục chế cũng không được phép tiết lộ khoản tiền thù lao tòa lãnh sự quán Pháp trả cho công việc này.
Theo họa sỹ Nguyễn Lâm, bức tranh có tên “Đám rước” của họa sỹ Nguyễn Gia Trí được vẽ theo lối sơn mài phổ biến trong giai đoạn từ 1936-1940, gọi là sơn mài khắc trũng hay sơn khắc. Bức tranh miêu tả những cảnh tượng sinh hoạt quen thuộc của người dân miền Bắc như đi úp cá bằng nơm, đi đẩy xe cút kít, lễ rước các thần, rồi hình ảnh các cây cổ thụ, những mái đình mái chùa, v.v... Tất cả những chi tiết đó đã được người họa sỹ tài danh bố cục lại theo một cách riêng đầy cảm xúc và cũng rất Việt Nam.

Trong nguyên tắc phục chế tranh, người phục chế phải làm sao bảo tồn được tối đa các đường nét, màu sắc của tác phẩm nguyên gốc. Với sơn mài, để “đọc” được các màu sắc một cách chính xác, tiếp đó tìm ra cách thể hiện đúng màu sắc đó đòi hỏi người họa sỹ phải rất “cao tay”. Nếu không thật hiểu kỹ thuật vẽ cũng như sự độc đáo trong cách dùng màu sắc của tác giả bức tranh gốc, người họa sỹ phục chế không những không hoàn thành nhiệm vụ mà còn có thể phá hủy bức tranh. Ví dụ, chỉ nói riêng màu đỏ tươi như gạch tôm, họa sỹ Nguyễn Gia Trí chỉ dùng son Tàu để tạo màu đó trong tranh ông. Đó là loại chất liệu đẹp và rất đắt tiền. Nhờ có quá trình gần gũi trò chuyện và học hỏi nên họa sỹ Nguyễn Lâm đã vượt qua thách thức “giải mã màu sắc” không hề đơn giản này. Kế đó, bằng các kỹ thuật riêng trong xử lý với chất liệu sơn mài truyền thống, họa sỹ Nguyễn Lâm và ba cộng sự (là ba họa sỹ và cũng là những người con của ông) đã dùng nước lọc rửa sạch, sau đó lấy bụi than và dùng tay đánh bóng mặt tranh.

Phục chế bức tranh 74 tuổi của danh họa Nguyễn Gia Trí: Duyên nghề - duyên người - ảnh 2
Họa sĩ Nguyễn Lâm và con gái Lâm Lan đang đánh bóng bức tranh

Theo họa sỹ Trịnh Cung, ở các nước phát triển, để bảo quản tranh, người ta phải để trong hộp kính có đồng hồ kiểm tra nhiệt độ kỹ lưỡng. Nhưng trong điều kiện nước ta, họa sỹ Nguyễn Lâm cho rằng, với tranh sơn mài, trong thời gian từ ba đến năm năm, chỉ cần lấy khăn mềm thấm ướt để lau, sau đó dùng khăn mềm khô lau lại, đôi khi dùng tay để đánh bớt lớp bụi lợn cợn bám vào mặt tranh là cũng đủ để tăng tuổi thọ cho tranh.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục chế bức tranh “Đám rước” của danh họa Nguyễn Gia Trí, với họa sỹ Nguyễn Lâm, không đơn thuần là một sự khẳng định tài năng cá nhân và giải quyết xong một công việc được trả thù lao xứng đáng. Điều lớn lao hơn với ông, khi làm công việc đó, ông đã có cơ hội được bày tỏ tấm tình yêu mến và tri ân với danh họa Nguyễn Gia Trí, một bậc thầy lớn lao trong nghệ thuật, một trong mười họa sỹ đương đại có công trong việc xây dựng nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại như công nhận chính thức của Bộ Văn hóa và thông tin năm 1989./.

Họa sỹ Nguyễn Lâm (tên thật là Lâm Huỳnh Long) sinh năm 1941 tại Cần Thơ. Ông tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn năm 1965. Hơn nửa thế kỷ qua ông say sưa và đắm đuối với nghệ thuật sơn mài truyền thống. Nguyễn Lâm là một trong số 15 thành viên của của Hội họa sỹ trẻ Sài Gòn thập niên 70 của thế kỷ 20, cùng thế hệ với lứa họa sỹ Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Trịnh Cung, Đỗ Quang Em, Cù Nguyễn, Hồ Thành Đức, Mai Chửng, Đinh Cường, Nghiêu Đề, Nguyễn Phước, Nguyên Khai, Dương Văn Hùng, Nghi Cao Nguyên, Lê Tài Điển... Họa sĩ Nguyễn Lâm từng nhận nhiều giải thưởng, bằng khen về hội họa, tranh của ông có trong các bộ sưu tập tư nhân ở Ý, Mỹ, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Hồng Kông...

Phản hồi

Các tin/bài khác