Rộn rã chiếu chèo xã Đại Thành, huyện Quốc Oai, Hà Nội

(VOV5) - Câu lạc bộ chèo thôn Tình Lam, xã Đại Thành hiện có 50 thành viên, với đủ các lứa tuổi từ trẻ tới già. 

Về xã Đại Thành, huyện Quốc Oai, Hà Nội, từ các ngõ nhỏ dẫn vào các nhà dân đã nghe văng vẳng những câu hát chèo. Hát chèo ở Đại Thành cùng với hát dô Liệp Tuyết, múa rối Sài Sơn, hát tuồng Dương Cốc là bốn loại hình nghệ thuật đặc sắc, vang danh vùng Phủ Quốc xưa, tức huyện Quốc Oai ngày nay. Nghệ thuật chèo từ lâu đã bén sâu vào cuộc sống đời thường của người dân, cả khi đi cấy, đi gặt, làm đồng... Từ người già đến trẻ ở đây hầu như ai cũng biết hát chèo.

   Nghe âm thanh phóng sự tại đây: 

Cứ vào cuối tuần, các thành viên trong Câu lạc bộ chèo thôn Tình Lam lại háo hức tập trung tại ngôi nhà chung của Câu lạc bộ chèo. Người già dạy người trẻ hát chèo, hướng dẫn từng động tác, cử chỉ, cách cảm nhận và truyền tải cảm xúc qua từng câu hát.

 Câu lạc bộ chèo thôn Tình Lam, xã Đại Thành hiện có 50 thành viên, với đủ các lứa tuổi từ trẻ tới già. Bà Nguyễn Thị Tĩnh, thành viên Câu lạc bộ chèo thôn Tình Lam, cho biết: "Tôi tham gia Câu lạc bộ tới nay đã hơn 30 năm rồi. Hồi nhỏ tôi đi xem diễn chèo nên đã ngấm vào trong người, tức là từ nhỏ đã thích hát chèo rồi. Khi nhỏ đi xem hát chèo về nhà mình tự tập hát, có khi lúc nấu cơm, rửa bát cũng hát chèo. Chèo ở đây là chèo truyền thống từ ông cha để lại nên mình tự hào về hát chèo ở quê mình."

Rộn rã chiếu chèo xã Đại Thành, huyện Quốc Oai, Hà Nội - ảnh 1Những người nông dân Đại Thành đã làm mới chèo để thu hút khán giả bằng cách thành lập CLB những người yêu chèo. Ảnh:hanoiline.vn 

Là chủ nhiệm Câu lạc bộ chèo thôn Tình Lam, xã Đại Thành, ông Nguyễn Phúc Hậu, nay dù đã gần 80 tuổi, nhưng với ông chưa bao giờ nguôi nhiệt huyết với nghệ thuật chèo. Cháu Nguyễn Thị Quyên, thành viên Câu lạc bộ chèo thôn Tình Lam, kể:

"Hồi nhỏ con đi xem mẹ hát chèo nên con bắt đầu yêu thích làn điệu chèo. Mỗi buổi tối con dành 2 tiếng tới nhà ông Nguyễn Phúc Hậu, Chủ nhiệm câu lạc bộ chèo thôn Tình Lam, để ông dậy hát chèo. Cháu cùng với các bạn trẻ khác học, bài chèo do ông viết sẵn lời cho chúng cháu. Chúng cháu hát, ông bắt nhịp và nếu thấy lỗi nào ông sửa cho chúng cháu. Chúng cháu cố gắng gìn giữ những làn điệu chèo truyền thống."

Cách đây 15 năm, từ năm 2009, xã Đại Thành thành lập Câu lạc bộ Văn hóa và thể thao, hát chèo là trung tâm của Câu lạc bộ. Tháng 1/2012, Hiệp hội UNESCO thành phố Hà Nội thành lập Câu lạc bộ UNESCO nghệ thuật hát chèo huyện Quốc Oai, lấy hạt nhân là chiếu chèo và nhạc lễ xã Đại Thành. Ngoài tập luyện cho các cháu, trong các buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ chèo, mọi lứa tuổi từ người già tới trẻ em đều nỗ lực với lòng yêu nghề và tâm huyết cháy bỏng. Chèo Đại Thành đã đoạt những giải cao, như: hai giải A2 trong Liên hoan Sân khấu chèo không chuyên Hà Nội mở rộng năm 2010, 2011; giải Nhất Hội thi hát chèo huyện Quốc Oai.

Rộn rã chiếu chèo xã Đại Thành, huyện Quốc Oai, Hà Nội - ảnh 2Suốt nhiều năm qua, những buổi tập chèo đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân Đại Thành. Ảnh: hanoiline.vn 

Ghi nhận, tôn vinh những đóng góp cho bộ môn nghệ thuật chèo, năm 2015, 3 thành viên trong Câu lạc bộ chèo thôn Tình Lam, xã Đại Thành, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Ông Nguyễn Phúc Hậu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chèo thôn Tình Lam, xã Đại Thành, kể: "Phong trào chèo chúng tôi có từ năm 1953. Bản thân tôi theo đội chèo từ lúc 12 tuổi, đến nay tôi đã 77 tuổi. Chèo xã Đại Thành từ xưa đến giờ, người dân ở đây thuộc các bài hát chèo, ai hát sai nhịp là người ta cũng biết. Ở quê tôi trước kia người ta nấu nướng trong bếp cũng hát chèo, hái quả trên cây cũng hát chèo. Xã đã có từ 3 đến 4 thế hệ hát chèo rồi, điều mà ít nơi có được".

Chiếu chèo Đại Thành luôn có sự tiếp nối giữa các thế hệ. Các diễn viên không chỉ hát hay, đàn giỏi mà biểu diễn ngày càng chuyên nghiệp.

Bà Trần Thị Sang, thành viên ở Câu lạc bộ chèo thôn Tình Lam, xã Đại Thành, bộc bạch: "Có yêu chèo, say nghề thì mình mới có được thành công như này. Muốn hát làn điệu nào cho hay, truyền cảm thì trước tiên mình phải đọc sơ lược nội dung bài hát chèo đó và tập hát thì mới được. Chúng tôi rất tự hào là thế hệ trước của chúng tôi có những cụ giờ đã ngoài 80 tuổi rồi vẫn nhiệt tình tham gia mặc dù khi ra đây không biểu diễn được nhưng các cụ vẫn có mặt để động viên anh, chị, em tập luyện". Mỗi tiết mục biểu diễn không chỉ là công sức tập luyện mà còn là tình cảm và tâm huyết của từng người dành cho chèo.

Ông Nguyễn Duy Phẩm, một nhạc công chèo ở xã Đại Thành, kể: "Chúng tôi sinh ra và lớn lên từ cái nôi chèo cho nên tất cả các buổi biểu diễn con cháu đều đi xem. Con cháu được các cụ truyền dạy chèo từ đời này sang đời khác. Chúng tôi cũng mời các thầy về dạy các cháu những làn điệu cơ bản của hát chèo để làng chèo chúng tôi gìn giữ và phát triển chèo như ngày hôm nay. Điều quan trọng là mình có tâm, nhập tâm vào từng lời hát chèo thì tiếng đàn của mình mới hay được. Hai nữa là cũng phải phối kết hợp với các bạn cùng chơi tập luyện hằng ngày để có tiếng đàn, tiếng nhị hay. Tôi cũng cao tuổi rồi nên muốn tìm người trẻ để truyền lại nghệ thuật chèo của ông cha bao năm nay".

Gần 70 năm qua, nghệ thuật chèo đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân xã Đại Thành. Đã có những thời điểm ở mảnh đất này, từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng biết hát chèo, thuộc làu các làn điệu chèo truyền thống. Nhờ sự nỗ lực và tâm huyết của bà con, chiếu chèo Đại Thành không chỉ được bảo tồn mà còn phát triển, trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác