Tạp cảm ngày xuân

(VOV5)- Chưa có thời điểm nào trong tứ quý, người Việt mình dành thời giờ đối diện với đất trời, với ngoại cảnh nhiều như cữ đông qua xuân tới. Từ thời Bà Chúa Thơ Nôm Hồ Xuân Hương  thân phận người Việt còn “bảy nổi ba chìm” đáy vực lịch sử phong kiến trung cổ, mà người phụ nữ Việt giàu bản lĩnh cùng chữ nghĩa thánh hiền cũng đã  tạm quên đi thân phận “chiếc bách giữa dòng” để cao giọng thơ: “ Đêm ba mươi thắt túi càn khôn, ních chặt lại kẻo ma vương đưa quỷ tới-Sáng mồng một lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ đón xuân vào!” Huống chi là thời vận ở thiên niên kỷ mới này, cho dù ánh sáng của văn minh và nhân bản đó đây còn tương tranh gay gắt với bóng tối lỗi thời phản động phi nhân thì trái đất vẫn nguyên một bình minh rạng rỡ cuối chân trời. Ngoại cảnh tân niên toàn cầu đang phối cảnh cùng ngày xuân  trên đất Việt.

Tạp cảm ngày xuân - ảnh 1
Thổ Hà , nơi quan họ lên bến xuống thuyền là làng di sản độc nhất của xứ Kinh Bắc hiện nay - Ảnh: vietyen.gov.vn

Với tôi, người viết đôi dòng tạp cảm ngày xuân này, ngoại cảnh thân thuộc nhất tiết tân xuân vẫn là vùng quê kinh bắc cũ. Vùng quê ấy châu tuần đất phát tích vương triều Lý, đất sinh ra làn điệu dân ca quan họ tuyệt vời. Cách làng tôi không xa, có những làng quê từ xa xưa đã thành địa danh nổi tiếng như làng Đình Bảng sinh đế vương, làng Nành sinh ba ngôi hoàng hậu, một triều Lê, hai triều vua Quang Trung; làng Phù Lưu thời hiện đại là quê gốc của  số đông bậc nhất văn nghệ sĩ hữu danh cấp độ đơn vị làng, như Hoàng Tích Tru, Hoàng Tích Trù,  Kim Lân, Thành Chương,  Nguyễn Thị Hiền, Hồ Bắc, Nguyễn Đăng Bảy, Thúy Toàn....  Và ngôi làng  thời Trần nổi danh nền văn hiến Đông A vốn là trang ấp của danh nhân Trần Bà Liệt, làng Trang Liệt gắn bó với tôi từ thủa học trò.

Có thể nói không quá lời, người viết thẩm thấu văn hóa nhân văn đất kinh bắc xưa bắt đầu từ  năm xa nhà, gánh gạo  trọ học ở ngôi làng này. Dấu tích quê người dễ nhận thấy nhất là rừng thông cổ hàng trăm năm xưa còn sót lại vô cùng hiếm hoi giữa vùng đồng bằng nam phần tỉnh  Bắc Ninh thời bấy giờ. Và con đường làng lát gạch cổ chạy suốt từ giếng nước cây đa đầu làng, qua ngôi đình có bức hoành phi triều Nguyễn phong cho bốn chữ “mỹ tục khả phong”-làng cổ có nhiều phong tục đẹp. Nhớ quá là những đêm trăng có đội chiếu phim lưu  động về. Nắng vừa nhạt, trăng chiều treo lơ lửng như nửa vòng cung bạc phía trời tây, tôi tạm buông bỏ các môn lý hóa sinh lớp mười cuối cấp, hòa vào đám nam thanh nữ tú của  làng quê Trang Liệt, lẹt quẹt đôi dép cao su mòn vẹt đi ra đầu làng, về phía rừng thông. 

Khác với hương âm quê tôi hơi nặng, hơi thô, vẻ khoai sắn đất độc canh cây lúa, hương âm làng có giống khế ngọt nổi tiếng quanh vùng  nhẹ nhàng thanh thoát hơn nhiều. Làng có nghề “đồng nát” truyền thống từ xưa; thế hệ nào cũng nhiều chị, nhiều mẹ thung thăng quẩy gánh nhẹ nhàng đi thu mua phế liệu, diện giao du  rộng rãi nên con người  cởi mở, thanh thoát,  thân thiện, thân tình. Tiếng thanh người xinh, tôi- chàng trai bố mẹ sinh ra là nông dân quen chân lấm tay bùn, thấy làng người có nhịp sống, điệu sống thanh bình thư thái nên dễ mê những người  thanh nữ tuổi đang thì. Người làng người sao nhẹ như không, sao nhẹ như tên từ bước chân lời nói nhẹ đi.

Nhớ đến năm cuối cấp phổ thông gánh gạo trọ học lo thi đại học ở làng người,tôi nhớ quá hình ảnh ông chủ nhà tuổi mới xấp xỉ sáu mươi mà chậm chạp lụ khụ như lão chin mươi thời a-còng này. Ngày trời mưa dầm lướt thướt, ông đội nón lá già, khoác áo tơi lá, chống gậy lọm cọm dắt trâu ra đồng . Còn bà thì  sáng mùa đông khoác áo bông đã sờn rách xuống bếp thổi lửa ủ trong đống trấu, nấu sẵn nồi cháo hoa để hai cậu học trò dài lưng tốn vải có bữa điểm tâm thanh bạch trước khi tắt cánh đồng sang trường cấp ba huyện Từ Sơn ở đầu làng Đình Bảng. Gia cảnh nông dân miền bắc thời đầu hợp tác xã tập thể hóa, làng quê nào cũng tương tự như nhau ở cảnh bần hàn thanh bạch. Nghèo đến mức chẳng thể ngèo hơn được nữa, nghèo đã dồn người làng quê sát vách chân tường. Nên đôi khi lật giở  thơ Xem Đêm của  Phùng Cung hay Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm, đọc mấy câu thôi đã thấy cả một trời kỷ niệm, một thời thương nhớ quá!: Mái rạ thằn lằn rọc rạch/ Cút tương kiến gió đánh đai/ Rổ không hờ hững quang treo/ Nắng thả chào mào nghiêng ngó/ Gió khều tã vá múa may  (bài thơ Gia cảnh của Phùng Cung)

Lạ quá đi thôi chứ ! Hàng trăm gia cảnh như thế làng tôi làng người, hàng ngàn  gia cảnh như thế vùng Kinh Bắc xưa lại chính là nơi lưu giữ  một “mỹ tục” sống nhân ái nhân tình, lam lũ đấy mà thanh tao cũng đấy, nghèo khó đó mà  thanh tâm cũng đó nên các làn điệu quan họ hát xuân mãi mãi say lòng người; nên cuộc đời tục lụy mới hóa thành thơ !. Mà thơ của người kinh bắc hiện đại hỏi có ai hơn thi sĩ  “Bên kia sông Đuống”- Hoàng Cầm ?. Ký ức của “người thơ phong vị như thơ ấy” như một kho tàng tâm cảm phong phú trữ tình rất đặc trưng Kinh Bắc, sống lại như  mơ: Ta con chim cu về gù rặng tre/ Đưa nắng ấu thơ về sân đất trắng/ Đưa mây lành những phương trời lạ/ Về tụ nóc cây rơm.

Tạp cảm ngày xuân - ảnh 2
Vẻ đẹp say lòng của thiếu nữ Kinh Bắc trong trang phục hát quan họ: nón quai thao và áo tứ thân - Ảnh: Khám phá

Người thơ ôm giữ một vùng quê với những số phận người, với mọi nỗi buồn vui nhân thế kiếp người, vinh hạnh thay, diễm phúc thay, là con một người phụ nữ Việt toàn tòng sinh ra ở làng có cái  tên rất  nôm na-  làng Bịu nổi danh trên bản đồ “ làng quan họ quê tôi”, cũng là làng quê bà Trần Thị Tần thân mẫu đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Hồi tưởng về mẹ thời xuân sắc, thi sĩ nhớ : “ Một cô gái Kinh Bắc có nhan sắc óng ả kiều diễm, có đôi mắt “lúng liếng” thật tình tứ, đôi mắt rất quan họ, có dáng đi đài các uyển chuyển, thanh tao và khi mẹ tôi mặc chiếc váy lụa kiểu Đình Bảng, mép váy buông chùng cửa võng xuống đến mu bàn chân... tưởng người con gái này đang đi trên sóng dập dờn...”Hai người mẹ “làng quan họ quê tôi” sinh ra hai thi tài nước Việt, một cổ điển, một hiện đại, là điển hình sống động của chuyện nhân gian địa linh sinh nhân kiệt, địa linh sinh tuấn kiệt, địa linh sinh hào kiệt. “Cúi lạy mẹ con lại về kinh bắc!” Câu thơ giàu biểu cảm gợi cảm ấy của thi nhân Hoàng Cầm gọi người về với cội nguồn, về với một vùng quê trầm tích văn hóa nhân bản Việt.

                                                Mổ hôi mẹ

                                                          Tháng ngày đăm đăm nhỏ giọt

                                      Con níu giọt mồ hôi

                                                          Đứng dậy làm người

                                                                             (thơ Phùng Cung)

Những anh hùng, những thi nhân,những danh nhân, những con người thuần  Việt  từ các làng quê vùng kinh bắc xưa,từ các làng quê trong nam ngoài bắc của dải đất trên bờ sóng Thái Bình Dương nổi sóng ngàn đời này  từ đó sinh thành, tiếp nối nhau, gối lên nhau lớp lớp như sóng đại dương, chung lưng đấu cật dựng xây cho đất nước Việt  ngàn đời xuân vĩnh viễn . / .

Phản hồi

Các tin/bài khác