Thấy gì trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương?

(VOV5) - "Nguyễn Bình Phương, sau những cô nén về nghệ thuật, có ý thức kiến tạo những cấu trúc đa tầng." (PGS TS Nguyễn Đăng Điệp)

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Hồng Huệ:

Nhân dịp tiểu thuyết “Một ví dụ xoàng” được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021, Viện Văn học và Hội Nhà văn đã phối hợp tổ chức tọa đàm “Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong chuyển động của văn học Việt Nam đương đại”.

Tại tọa đàm, các nhà nghiên cứu, phê bình đã đưa ra nhiều kiến giải mới về tư duy nghệ thuật, lối viết độc đáo của Nguyễn Bình Phương trong bối cảnh chung của văn học nước nhà sau Đổi mới. Là một nhà văn trong quân đội, nhưng Nguyễn Bình Phương có một lối đi, một cách viết riêng không thể trộn lẫn.

Thấy gì trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương? - ảnh 1Nguyễn Bình Phương và một tác phẩm tiêu biểu của ông. - Ảnh: vnexpres.net

Kể từ những tác phẩm đầu tiên ra mắt năm 1991, trong hơn 30 năm qua, nhà văn Nguyễn Bình Phương “sở hữu” tới 10 cuốn tiểu thuyết. Không chỉ gây ấn tượng về số lượng, tác giả của “Trí nhớ suy tàn” đã trở thành cái tên tiêu biểu khi nhắc tới xu hướng cách tân nghệ thuật “với lối viết biến ảo linh hoạt và sự phá vỡ cấu trúc tiểu thuyết”. Ông không hề xa lạ với văn học đương đại nước nhà. Và ngược lại, nhắc tới văn học đương đại nước nhà, không thể không nhắc tới Nguyễn Bình Phương.

PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, nhận định: “Khi nói về tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương có bốn vấn đề nổi bật. Thứ nhất, Nguyễn Bình Phương là người dám tuyên bố từ chối các điển hình nghệ thuật. Tôi hình dung Nguyễn Bình Phương nhìn dương bản đời sống từ cái nhìn âm bản. Thứ hai, nếu các bạn quan sát sẽ thấy tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương rất ngắn. “Trí nhớ suy tàn” chỉ 134 trang. Dày dặn nhất như “Mình và họ” cũng chỉ hơn 300 trang. Nếu nhìn bề ngoài thì Nguyễn Bình Phương có vẻ như đang chơi món chơi tối giản nhưng thực ra không đơn giản như thế. Nguyễn Bình Phương, sau những cô nén về nghệ thuật, có ý thức kiến tạo những cấu trúc đa tầng. Tôi cho rằng chơi cấu trúc cũng là một cách nói, một cách biểu đạt của Nguyễn Bình Phương. Đấy là vấn đề thứ ba. Vấn đề thứ tư: Tại sao Nguyễn Bình Phương ám ảnh? Bởi vì ông đã thúc đẩy kỹ thuật liên văn bản để tạo nên sự chồng ghép của nhiều yếu tố, các nguồn tri thức khác nhau và nó tạo nên một sự gợi mở”.

Từ những cuốn tiểu thuyết đầu tiên như “Vào cõi”, “Bả giời”… cho tới cuốn tiểu thuyết gần đây nhất là “Một ví dụ xoàng” (tác phẩm được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021), văn chương Nguyễn Bình Phương luôn gợi mở nhiều cách đọc, cách cảm. Ở góc độ ngôn ngữ, nhà văn Văn Chinh khẳng định Nguyễn Bình Phương đã “vượt qua tầng cấp của bình dân để chú ý tới hạng người dưới đáy”: “Ngôn ngữ dưới đáy là ngôn ngữ có thể nhìn thấy bên trong của con người. Ngôn ngữ dưới đáy không che giấu con người bởi vì nó chẳng phải chịu trách nhiệm gì. Ngay từ những tác phẩm đầu tiên thì Nguyễn Bình Phương đã thi triển lối viết độ không, chẳng đứng về phe anh nào cả. Không đứng về phe ta để lên án địch. Cũng không đứng về kẻ địch để nói xấu ta.”

Chia sẻ quan điểm này, PGS.TS Lê Thị Dục Tú nhấn mạnh tới tính giải sử thi trong ngôn ngữ của Nguyễn Bình Phương: “Nguyễn Bình Phương và một số nhà văn khác nữa cho thấy tính giải sử thi của ngôn ngữ. Trước đây thì thường sử dụng những ngôn ngữ rất thiêng liêng nhưng Nguyễn Bình Phương cho ta thấy bây giờ văn chương và cuộc đời đã xích lại gần nhau, xóa nhòa đi rất nhiều khoảng cách giữa nhà văn và bạn đọc, giữa nhà văn và cuộc đời, giữa tác phẩm và thực tiễn đời sống.”

Thấy gì trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương? - ảnh 2Các tác phẩm của Nguyễn Bình Phương - Ảnh: Báo Tiền Phong

Sự khác biệt về ngôn ngữ là một trong những lý do khiến tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương không dễ tiếp nhận và luôn gây ra nhiều tranh cãi. Bên cạnh đó, thế giới nhân vật dị biệt cũng là một điểm đáng chú ý trong tác phẩm của ông. TS. Huỳnh Thu Hậu, Đại học Quảng Nam và ThS. Vũ Thị Kiều Chinh cho biết: “Ở đây chúng ta sẽ thấy cách anh xây dựng nhân vật bằng kiểu nhân vật người điên, nhân vật đứa trẻ mới sinh ra mà đã già nua như một sự ám ảnh của nhà văn về thân phận con người giữa cuộc chảy trôi nghiệt ngã của những mưu sinh. Và anh đã sáng tạo một thế giới hiện thực bên trong, một hiện thực đòi hỏi trộn lẫn giữa cái xấu và cái đẹp hoặc là cái ác và cái thiện. Ở đó con người ta luôn luôn phải chiêm nghiệm về chính mình.”

“Sau khi nhân vật Tính trong “Thoạt kỳ thủy”, một nhân vật điên, lấy vợ thì sáng ngày hôm sau, những người hàng xóm, bà mẹ chồng đều hỏi câu: “Anh ta có làm được không?” Hóa ra tính dục có thể coi như một thước đo cho cái bình thường. Anh ta bình thường vì anh ta biết làm cái này, biết làm cái kia. Và mọi người đều quan tâm tới điều đấy.”

Tổ chức nhân dịp tiểu thuyết “Một ví dụ xoàng” được trao giải Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021, tọa đàm cũng có nhiều ý kiến xoay quanh tác phẩm này. Có thể nhắc tới tham luận “Tự sự về tội ác – Đọc “Một ví dụ xoàng” của Nguyễn Bình Phương” của GS.TS Trần Đình Sử, “Đối thoại trong “Một ví dụ xoàng”” của PGS.TS Lê Tú Anh, “Câu chuyện về nhân vị trong tiểu thuyết “Một ví dụ xoàng”” của TS. Lê Thị Hường…

Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cuốn tiểu thuyết này đã vượt lên những thông lệ thường thấy về giải thưởng của Hội: “Hầu như xưa nay các giải thưởng Hội Nhà văn sau đó thường nhiều ý kiến trái chiều, ì xèo nhiều chuyện. Nhưng giải thưởng này thì không. Không có tiếng nói trái chiều. Anh Phương có một giọng điệu riêng của anh ấy. Nó là Nguyễn Bình Phương. Có thế thôi. Và Nguyễn Bình Phương là như thế. Cho nên có người cho rằng dị biệt vì ông có giống ai đâu. Chúng ta cũng không nên đòi hỏi nhà văn cuốn sau phải hay hơn cuốn trước. Giống như vụ mùa ấy mà. Không nên lấy cuốn này so với cuốn kia.”

Dĩ nhiên, việc “Một ví dụ xoàng” có phải là cuốn tiểu thuyết xuất sắc trong sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Bình Phương hay không – đó lại là một vấn đề khác. Nhưng dù ít dù nhiều thì nói như PGS.TS Phạm Xuân Thạch, việc trao giải cho cuốn tiểu thuyết này cũng là một dấu mốc về văn học sử: “Nếu đọc từ xã hội học văn bản thì chúng ta sẽ thấy những thứ như là “Mình và họ”, đặc biệt những thứ như “Một ví dụ xoàng”, đấy là một kiểu diễn ngôn mới. Chúng ta sẽ không thể nói về thiện ác tốt xấu với kiểu diễn ngôn đó. Chúng ta không thể đem đạo đức theo kiểu một tên tội phạm hay là một người điên, một người tâm thần vào kiểu diễn ngôn ấy. Và với kiểu diễn ngôn ấy, nó đạt tới độ gọi là hoàn thiện ở trong “Một ví dụ xoàng”. Thế thì điều đó nó vượt lên cái gì? Nó vượt lên kiểu diễn ngôn ý thức hệ khi mà luôn luôn đặt ra chỉ có hai mặt đối lập. Đã là ý thức hệ  bao giờ cũng chia thế giới thành hai phần đối lập nhau, tương phản nhau. Và như vậy, chúng ta thấy rằng tất cả những tiểu thuyết từ “Mình và họ” cho đến “Một ví dụ xoàng” tạo ra một kiểu diễn ngôn mới, một kiểu văn chương mới, một kiểu viết mới của tiểu thuyết. Và kiểu viết ấy, tôi không nói cao hơn, thấp hơn, tôi không nói về mặt giá trị, nhưng nó là kiểu khác với những gì Đối mới đã làm từ năm 1991. Và từ khía cạnh ấy thì Giải thưởng của Hội Nhà văn năm 2021 hoàn toàn có thể đặt nó ngang hàng với Giải thưởng của Hội Nhà văn năm 1991 trong ý nghĩa văn học sử của nó.”

Hơn 30 năm sáng tác và với gia tài 10 cuốn tiểu thuyết, nhà văn Nguyễn Bình Phương đã “đi qua đủ chặng đường nghệ thuật”. Trong mắt các nhà phê bình, vị thế của ông trong văn học đương đại nước nhà, cho đến nay, là điều không thể phủ nhận dù bản thân tác giả “Kể xong rồi đi” luôn cho rằng: “Khi nhà văn nằm xuống, đồi núi của anh ta mới trồi lên”. Với người khác, tọa đàm “Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong chuyển động của văn học Việt Nam đương đại” là một cuộc định vị một nhà văn. Còn với riêng Nguyễn Bình Phương, đó là một cuộc lắng nghe, một cuộc đối thoại xem mình “vuông tròn ra sao” trong những năm tháng đã qua: “Những bước chân đầu tiên của tôi khá là tự do. Sau rồi khi viết, nhận ra mình có độc giả, thì mình tự ý thức về những điều mình viết và mình công bố. Nó cũng dần dần tước bớt của tôi một chút tự do. Khi sáng tác, thi thoảng tôi cũng đặt cho mình một câu hỏi: Viết là tìm thấy hay là đánh mất? Đa phần tôi cho là tìm thấy. Nhưng lắm khi tôi nghĩ viết cũng là đánh mất. Bởi vì khi viết ra một tác phẩm tức là chúng ta đã cố định được một phương án cho nhân vật nhưng liền đấy, ta mất đi những phương án, số phận phái sinh mà ở thời điểm khác, ta nghĩ có thể nó ưu viết hơn phương án mà ta đã cố định trong tác phẩm.”

 
 
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác