Linda Lê với cuộc viễn du vĩnh viễn

(VOV5) - ... "Không bao giờ tôi xác định được tôi là ai, bởi vì tôi luôn đứng giữa phương Tây và phương Đông..."

Nhà văn Pháp gốc Việt lừng tiếng Linda Lê vừa từ trần ngày 9/5 tại Pháp, hưởng dương 58 tuổi. Đài phát thanh France24 cho biết Linda Lê bệnh nặng từ một năm nay. Bà làm việc cho một nhà xuất bản ở Pháp. Là một người lấy văn chương làm lẽ sống, có thể nói Linda Lê thực sự là một tín đồ văn chương thuần thành và kiệt xuất.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 
Linda Lê với cuộc viễn du vĩnh viễn  - ảnh 1Nhà văn Linda Lê - Ảnh internet

Sinh ở Việt Nam năm 1963, đến Pháp năm 1977, Linda Lê sớm lựa chọn tiếng Pháp là ngôn ngữ duy nhất để sáng tạo văn chương. Tên tuổi bà đi vào lịch sử văn học Pháp với những tác phẩm xuất sắc, trong đó nhiều cuốn đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam, như Vượt sóng, Tiếng nói, Thư chết, Lại chơi với lửa, Vu khống…, Năm 2012, tiểu thuyết Sóng ngầm củaLinda Lê là một trong bốn cuốn lọt vào vòng chung kết giải Goncourt 2012 - giải thưởng văn chương số 1 tại Pháp.

Đi xa hơn những chiêm nghiệm về một cộng đồng đơn lẻ, xa hơn sự hòa nhập hay hội nhập của cả một nhóm người, là việc chiêm nghiệm về sự “lưu vong” của chính mỗi cá nhân trong môi trường mình sống, qua trang viết xuất sắc của những nhà văn, mà gốc Việt chỉ còn là một mối liên hệ duy nhất với xứ sở.

Điều đó cũng nổi bật trong ngòi bút Linda Lê - một trong các nhà văn nữ hàng đầu tại nước Pháp ngày nay. Sinh tại Đà Lạt, sang Pháp theo mẹ có quốc tịch Pháp, trong khi cha người Việt ở lại quê nhà; mối chia lìa này là cơn cớ cho những đau khổ day dứt khôn nguôi trong những trang văn của bà. Linda Lê tự ví mình “như người cưỡi ngựa đi giữa hai thế giới”, khi "không phải là thịt, cũng chẳng phải cá, là ở lại nơi tờ mờ để khỏi bị xếp loại".

Phản đối việc coi mình là sứ giả hay cầu nối hai nền văn hóa, Linda Lê thậm chí tự nhận mình là "kẻ bội phản" bởi vì để có thể theo đuổi trọn vẹn con đường viết văn bằng tiếng Pháp, bà đã không sử dụng tiếng Việt nữa. Điều này được nữ văn sĩ nhắc đến khá nhiều trong các tác phẩm của mình, bằng rất nhiều day dứt và ám ảnh.

 “Tôi dù sao vẫn có rất nhiều những kỷ niệm về Việt Nam. Tôi còn giữ lại nhiều kỷ niệm lắm. Tôi còn nhớ lại cái âm điệu, âm hưởng của tiếng Việt. Tôi bị giằng co giữa lòng chung thủy với phương Đông, mà cha tôi là đại diện, và sự cám dỗ của phương Tây mà mẹ tôi - người bạn của nước Pháp - là hiện thân” – Bà từng trả lời trong một buổi hội thảo giới thiệu sách của bà tại Việt Nam, một trong số lần ít ỏi bà xuất hiện trước truyền thông.

Linda Lê với cuộc viễn du vĩnh viễn  - ảnh 2

Những tác phẩm của Linda Lê đã được dịch ra tiếng Việt, không dễ đọc với độc giả đại chúng, nhưng được những người yêu văn chương đón nhận với những rung cảm sâu sắc. “Mặc cảm Caliban” là một cuốn tiểu thuyết mà Linda Lê đã viết, cũng là một tiểu luận rút tỉa từ thời niên thiếu của bà, như bà từng chia sẻ: “Ở trung tâm của tác phẩm này có một đoạn là Mặc cảm của Caliban, trong đó tôi có nói cái mặc cảm của người đi lưu đày và phải viết trong một thứ tiếng khác – như mặc cảm của Caliban vậy. Caliban là một nhân vật của Shakespeare, và đó là một nhân vật không có một nền văn hóa nào cả. Đó là một nhân vật phải tự học hỏi những gì mà mình có thể để sống sót. Cuốn sách này cũng thể hiện quan điểm của tôi, bởi vì không bao giờ tôi xác định được tôi là ai, bởi vì tôi luôn đứng giữa phương Tây và phương Đông, tôi luôn là người bị giằng xé giữa hai nhân vật khác nhau. Do đó tôi có đề cập trong cuốn tiểu luận của mình, một nhân vật là Adrien – thần Biển – một người luôn bị đung đưa giữa hai thế giới khác nhau.” .

Các sáng tác của Linda Lê đề cập nhiều đến sự "lưu vong” trong tâm tưởng. Đó là sự tự lưu đày vĩnh viễn trong tâm hồn con người, là con người hiện đại luôn sống giữa hai thế giới và luôn luôn thấy mình không thuộc về nơi này hay nơi kia, hay bất kỳ nơi nào. Họ bắc một nhịp cầu thương nhớ vào ký ức, vào sự tìm kiếm ý nghĩa tồn tại. Và hình ảnh một quê hương vĩnh viễn xa mờ, vĩnh viễn không nắm bắt được trong trí tưởng, là cái cớ cho những cuộc viễn du của tâm hồn ra khỏi thế giới thực tại.

“Trong giai đoạn đầu, dưới ảnh hưởng lớn từ nhà văn Áo Thomas Bernhard, văn chương Linda Lê mang đến một giọng văn cuồng dại bị kìm nén trong những câu văn chắt lọc tỉ mỉ. Đó là trường hợp của những tác phẩm như Vu khống hay Les dits d’un idiot.. Dần dần, văn của bà trở nên u sầu hơn, bị chia cắt bởi sự trống rỗng và vắng mặt. Thư cho đứa trẻ không ra đời thừa hưởng di sản đó và nhận giải Renaudot cho mục sách khổ nhỏ năm 2011. Trong văn chương của mình, Linda Lê luôn hé lộ, gián tiếp hay trực tiếp, ít nhiều về bản thân mình. Trong Voix, bà kể lại những trầm cảm, những cơn điên và bệnh viện tâm thần nơi mình đã từng sống trong thời gian ngắn.Nhận giải Weplercho tác phẩm Cronos năm 2010 và giải Hoàng tử Monaco cho toàn bộ sự nghiệp vào năm 2019, Linda Lê vừa xuất bản một tác phẩm mới tháng 2 vừa qua.”

               (Tạp chí L’Obs/ tuoitre.vn dịch)

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác