Trịnh Hữu Ngọc (sinh 1912- mất 1997) là một họa sĩ, một nhà thiết kế nội thất, “nghệ sĩ thiền họa Tây Hồ” với thương hiệu nội thất MÉMO lừng danh đầu thế kỉ 20, là người truyền cảm hứng đến thế hệ nghệ sĩ ngày nay. Được đào tạo từ trường mỹ thuật Đông Dương, Trịnh Hữu Ngọc có hơn 600 tác phẩm hội họa, một số tác phẩm thiết kế đồ gỗ đã đi vào lịch sử.
Nói như tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế: “Khi đặt họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc trong nền công nghiệp sáng tạo hôm nay mới đánh giá hết vai trò của ông, đó là sự kết hợp tinh hoa của văn hóa Á Đông với nét hiện đại của phương Tây. Những tư tưởng mới mẻ, mang tinh thần tự do, khai phóng khiến cho các tác phẩm của ông không bị cầm tù trong khuôn mẫu.”
Tại hội thảo “Kiến trúc và Nghệ thuật ứng dụng tại Việt Nam, từ trường Mỹ thuật Đông Dương nhìn về hôm nay” do Trường Khoa học liên ngành và nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ, con trai họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, có những chia sẻ về tính dân tộc trong thiết kế nội thất Việt, nhìn từ di sản Trịnh Hữu Ngọc.
Một số sản phẩm nội thất của thương hiệu nội thất MÉMO lừng danh đầu thế kỷ 20. |
Sự nghiệp của Trịnh Hữu Ngọc gắn bó chặt chẽ với mỹ thuật ứng dụng, giúp làm giàu cho đời sống thiết thực của người dân Việt bằng những ý tưởng và đóng góp từ tài năng Việt. Đề dẫn cho câu chuyện, tiến sĩ, kiến trúc sư Lê Phước Anh cho rằng: Với những sáng tạo từ MÉMO, cố họa sĩ, nhà thiết kế Trịnh Hữu Ngọc có thể được coi là "ông tổ đối với nghề thiết kế nội thất hiện đại Việt Nam. Những tác phẩm của Trịnh Hữu Ngọc thực sự là những tác phẩm truyền cảm hứng. Và cái truyền cảm hứng không phải chỉ dừng ở những hình thức mà còn tỏa đến cả từ những triết lý thiết kế, những quan điểm đằng sau đó nữa.”.
Họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ chia sẻ, về thiết kế nội thất, ông không bao giờ quên một câu nói của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc: “Làm thiết kế nội thất không phải là làm trang trí cho đẹp mắt, mà thiết kế nội thất là để tạo ra một không gian sống”.
Theo họa sĩ Trịnh Lữ, không gian sống đó “có mục đích thúc đẩy xây dựng một nếp sống cụ thể, nếu là người Việt sống ở đó thì phải rất Việt Nam, phải hoàn toàn là nếp sống của người Việt. Những câu chuyện hình thức, những hoa văn của kiến trúc, nội thất vv.. chỉ là những dấu vết của từng thời kỳ, phụ thuộc vào trình độ công nghệ thời kỳ ấy đến đâu. Có những phương pháp chế tác khác nhau thì hình thức khác là điều tất nhiên. Nhưng tất cả những điều ấy chỉ là dấu vết của từng thời kỳ, chứ không phải hình hài của dân tộc tính. Cụ quan niệm dân tộc tính phải là ý thức sống. Ý thức sống mới thể hiện cái dân tộc tính của mình là như thế nào."
Họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ trong phần nói chuyện tại Hội thảo 100 năm Nghệ thật Việt Nam từ góc nhìn liên ngành và khai phóng... |
Những bài học từ nhà thiết kế Trịnh Hữu Ngọc, khi dạy sinh viên trường Mỹ thuật công nghiệp, có điều rất nên tránh là “không bao giờ thiết kế nội thất để giúp chủ nhà bày hàng khoe của”. Họa sĩ Trịnh Lữ kể lại, như từ ban thờ truyền thống, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc cũng đã thiết kể để ban thờ thành một trung tâm văn hóa trong gia đình.
“Tư tưởng của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc xuất phát từ những khái niệm rất giản dị, nhưng rất thực tế, về đóng góp cái gì cho xã hội, chứ không phải làm những gì kì quái, hay nghĩ lầm rằng sáng tạo tức là phải làm cho nó phải khác hẳn đi. Cái tham thanh chuộng lạ thực sự không phải là bản chất của nghệ thuật. Bởi vì mọi người hay nhầm lẫn cầu kỳ mới là đẹp, nhầm lẫn phải đắt tiền mới là sang trọng, rồi nhầm lẫn khi có những người mang danh nghệ sĩ mà sống bừa bãi, cẩu thả thì lại bảo đấy mới là giản dị, cũng là không phải. - Họa sĩ Trịnh Lữ nói.
Họa sĩ Trịnh Lữ chia sẻ: “Tôi đọc được những lời phát biểu của một Giáo sư Trung Quốc ở Đại học Thanh Hoa. Sang đây làm việc có mấy ngày, mà ông nhận định rằng Trung Quốc phải học tập Việt Nam ở chỗ, dân giàu nhưng chính quyền thì nghèo, mà người dân ở Việt Nam hạnh phúc hơn dân Trung Quốc nhiều, vì ra đường chỗ nào người ta cũng có thể ngồi làm một cốc cafe, ai cũng thấy ăn mặc tử tế, đẹp đẽ, thanh niên con trai, con gái ăn mặc không ai giống ai cả…Tất cả những điều ấy đều len lỏi vào rất sâu sắc ở trong lĩnh vực kiến trúc và nội thất. Bởi vì nghề kiến trúc và nghề nội thất là tạo dựng một không gian sống cho con người.
Theo họa sĩ Trịnh Lữ, dù có rất nhiều hình thức sống, nhưng nếu ở trên đất Việt Nam, là người Việt Nam, thì những người công việc kiến trúc phải có sự hiểu biết và sự mẫn cảm rất sâu sắc đối với bản chất của người Việt mình, là thích sống một nếp sống như thế nào trong thời đại này: “Nếu như tạo ra được những không gian ấy, hấp dẫn được người ta, ai cũng có thể sử dụng được chứ không phải chỉ có người giàu, thì dần dần những tiêu chuẩn về chuyện thế nào là đẹp, thế nào là giản dị…sẽ trở thành những tiêu chuẩn bình thường ai cũng công nhận và ai cũng muốn theo.” - Họa sĩ Trịnh Lữ nói.
Quá khứ đã được minh chứng, khi những nhà thiết kế đóng góp làm thay đổi nếp sống của cả xã hội, như họa sĩ Lemur Cát Tường sáng tạo ra áo dài tân thời; hay xưởng đồ gỗ MÉMO do những điều kiện lịch sử chỉ tồn tại hơn 10 năm, nhưng cuối những năm 50 của thế kỷ 20, hầu hết những công sở ở Hà Nội, những gia đình trí thức Tây học…hầu hết dùng đồ gỗ MÉMO; và có những gia đình gìn giữ đến tận hôm nay như một di sản quý giá.
Theo họa sĩ Trịnh Lữ trong sự hiện diện khá hỗn loạn của kiến trúc, thiết kế nội thất trong đời sống của người Việt hiện nay, nên có những nghiên cứu có tính chất xã hội học về đời sống của người Việt đang ở giữa một thời kì bản lề giữa cái cũ và cái mới, trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo phát triển, và những yêu cầu về công nghiệp văn hóa, liên quan đến phát triển và lợi nhuận, để tìm ra và xây dựng được không gian sống thật sự phù hợp:
“Quan hệ giữa đồ nội thất và trang trí nội thất trong nhà, với việc hình thành tính cách của con người qua nếp sống là một đề tài rất thú vị mà chưa thấy ai làm nghiên cứu. Cần có những nghiên cứu về nếp sống của người Việt Nam ở trong thời đại này, khi mọi người đã giàu có hơn nhiều và cũng giao lưu với thế giới hơn nhiều. Làm nội thất, chỗ dựa đầu tiên và cuối cùng: là làm thế nào để dùng không gian nội thất để mà ươm trồng, thúc đẩy một thái độ sống cho đúng. Thái độ sống của con người văn minh là thái độ sống rất cẩn trọng, rất yêu cuộc sống hằng ngày của mình, và nghĩ rằng ngôi nhà thể hiện con người mình vào cuộc sống hằng này. Nếu nghĩ được như thế thì từng căn nhà, từng gia đình sẽ rất khác.”