(VOV5) - Lễ khai mạc ghi dấu với đoàn rước từ Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ (50 Đào Duy Từ) ra đình Kim Ngân.
Chương trình đặc biệt Tết Việt-Tết phố do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức hôm qua 19/1, với nhiều hoạt động đậm nét văn hoá truyền thống.
Lễ khai mạc ghi dấu với đoàn rước từ Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ (50 Đào Duy Từ) ra đình Kim Ngân. Quy mô đoàn rước với 400 thành viên mặc trang phục truyền thống, di chuyển qua nhiều tuyến phố, như: Hàng Buồm - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay - Lê Thái Tổ và dừng lại ở đình Kim Ngân tổ chức dâng lễ vật. Lễ vật là những vật phẩm truyền thống ở Hà Nội, như: Mứt tết, trà sen, bánh chưng, bánh cốm, hoa đào…
Bách hoa bộ hành - Tết 2025 là một trong những hoạt động cộng hưởng trong kỳ "Tết Việt - Tết Phố 2025", đưa cổ phục Việt đến gần hơn với công chúng ngay giữa lòng Hà Nội. Ảnh: VOV |
Trong đoàn diễu hành hơn 400 người, trong đó đa số là các bạn trẻ, đã tái hiện và phục dựng lại một cách chân thực bối cảnh cũng như các hoạt động trong phong tục tập quán của dân tộc trong dịp Tết cổ truyền.
Mình đã dậy từ 5h sáng để chuẩn bị. Mình cảm thấy tự hào, rất là vui tại vì mặc dù là mùa đầu tiên tham gia nhưng mà mình đã được cùng với mọi người cùng với tất cả mọi người tái hiện lại khung cảnh Tết phố của ngày xưa tại Hà Nội."
"Tôi cảm thấy rất thú vị, đó chính là vào những ngày cuối năm, trong không khí vẫn còn rất nhộn nhịp thấy các bạn trẻ trong trang phục truyền thống. Tôi hy vọng rằng qua những sự kiện này có thể lan tỏa được những giá trị tinh thần như bản sắc trong những tà áo của dân tộc."
"Xung quanh, mọi người cũng mặc trang phục truyền thống như mình tự nhiên cảm thấy tinh thần yêu nước của mình rất là lớn. Đây cũng như một lần này mà mình quảng bá về văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Trên đoạn đường diễu hành, mình cũng gặp rất nhiều người nước ngoài và mọi người cũng xin chụp hình."
Điểm nhấn mở màn cho chuỗi sự kiện Tết Việt- Tết phố 2025 là thực hiện các nghi thức quan trọng, như: Lễ Cáo yết Thành hoàng, cúng Tổ nghề, dựng cây nêu tại đình, trình diễn thư pháp và các tiết mục âm nhạc dân gian.
Ông Nguyễn Đức Bình, Thành viên Ban tổ chức Chương trình Tết Việt-Tết phố, cho biết: "Năm nào cũng thế, điểm nhấn là tái hiện lễ rước của một cộng đồng dâng cúng Thành hoàng làng. Giới trẻ hiện nay họ rất chủ động trong việc tiếp nhận văn hóa truyền thống. Ví dụ, như cả đêm qua, các bạn trẻ thức để chuẩn bị trang phục chuẩn bị và makeup để chuẩn bị đi diễu hành. Đây là sự thể hiện lớn nhất, tôi nghĩ là khó có ai có thể làm được như giới trẻ hiện nay."
Diễn ra từ ngày 19/1 - 28/2 (ngày 20 tháng Chạp đến hết ngày 1/2 năm Ất Tỵ), Chương trình Tết Việt-Tết phố còn có các hoạt động trang trí, sắp đặt không gian Tết truyền thống; sắp đặt không gian sinh hoạt, đón Tết của một gia đình Hà Nội xưa; trang trí không gian Tết truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ; trình diễn thư pháp Việt... Ngoài ra, còn nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật âm nhạc truyền thống, như: chương trình ca nhạc đêm Giao thừa chào Xuân mới Ất Tỵ tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm (ngày 28/1), biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại đình Kim Ngân (30/1 - mùng 2 Tết)... và tại nhiều không gian văn hóa tại phố cổ Hà Nội.