Hiện thực hóa quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân

(VOV5) - Phát biểu tại Hội thảo “Quy trình, thủ tục, cách thức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992” được tổ chức hôm nay, tại TP Hồ Chí Minh, ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, nhấn mạnh: Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp là phương thức dân chủ nhất để nhân dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình về các vấn đề được Hiến pháp quy định.


Hiện thực hóa quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân - ảnh 1


Các tham luận tại Hội thảo đã tập trung trao đổi, thảo luận vào những vấn đề chính như: Làm thế nào để lấy ý kiến nhân dân một cách hiệu quả và thực chất nhất; cần lấy ý kiến về những nội dụng nào, bằng cách nào, lấy ý kiến ai, tổ chức nào và cơ chế tiếp nhận, thu thập, tổng hợp, phân tích và đặc biệt là phản hồi ý kiến đóng góp của nhân dân để đạt hiệu quả cao nhất, thể hiện sự trân trọng trí tuệ và tình cảm của nhân dân, đáp ứng cả “ý Đảng và lòng dân”, làm sao để mang cuộc sống vào Hiến pháp và để sau này đưa được Hiến pháp vào cuộc sống.


Giáo sư Trần Ngọc Đường, một trong những người có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng Hiến pháp năm 1992,  nhấn mạnh việc lấy ý kiến nhân dân đối với Hiến pháp sửa đổi phải tiến hành một cách cởi mở và thật sự dân chủ; phải được hướng dẫn và phổ biến sâu rộng về nội dung cơ bản của dự thảo Hiến pháp sửa đổi; phải được tiến hành đa dạng phong phú về hình thức và bảo đảm mọi ý kiến đều được nghiên cứu xem xét.


Hiện thực hóa quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân - ảnh 2


Trong khi đó, Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Như Phát nêu rõ: Phải tuân thủ nguyên tắc về chủ quyền nhân dân thể hiện trong Hiến pháp, coi tham vấn nhân dân về Hiến pháp là quyền cơ bản của công dân; phải tin dân, dựa vào dân để phát hiện ý chí và nguyện vọng chung của nhân dân…


Tại hội thảo, một số học giả nước ngoài đã giới thiệu những kinh nghiệm quốc tế về quy trình, thủ tục lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp; Sự tham gia của công chúng và các công cụ lấy ý kiến nhân dân – kinh nghiệm của Nam Phi và một số nền dân chủ mới.

Phản hồi

Các tin/bài khác