Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) giúp Việt Nam thực hiện tốt hơn các điều ước quốc tế

(VOV5) - Dự án luật nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội.    

Sáng nay (24/06), tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Đây là đạo luật rất quan trọng, liên quan tới công tác phòng, chống mua bán người, tiếp nhận, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân của hành vi mua, bán người, hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người. Dự án luật nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội.    

Tại phiên thảo luận, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết và những nội dung lớn sửa đổi, bổ sung trong Luật Phòng chống mua, bán người. Các đại biểu đánh giá dự thảo Luật đã bổ sung những nguyên tắc và chính sách quan trọng của Nhà nước về phòng, chống mua bán người, qua đó, khẳng định chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống mua bán người. 

Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) giúp Việt Nam thực hiện tốt hơn các điều ước quốc tế - ảnh 1Quang cảnh kỷ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, tỉnh Lâm Đồng, nhấn mạnh:  Việc sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người (2011) đã góp phần thực hiện tốt hơn trách nhiệm thành viên của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế. Theo đó, Việt Nam có trách nhiệm tuân thủ, thực hiện các điều ước quốc tế về vấn đề này một cách tận tâm, thiện chí. Dự thảo Luật này đã xây dựng hệ thống các điều, khoản quy định về quyền của nạn nhân, về tiếp nhận, xác minh và bảo vệ nạn nhân, người thân thích của họ,… cho thấy tính ưu việt so với Luật Phòng, chống mua bán người (2011) trong bảo vệ quyền con người, thực hiện một cách thiện chí các cam kết mà Việt Nam là thành viên.

Tham gia ý kiến, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, thành phố Hà Nội, đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ đối tượng, hình thức tuyên truyền, giáo dục về phòng ngừa mua bán người. "Dự thảo Luật cần quy định việc đưa vào nội dung chương trình dạy học bắt buộc đối với các địa bàn vùng cao, biên giới để giáo dục về phòng ngừa mua bán người, giúp các em học sinh có thể nhận thức về những hành vi mua bán người từ sớm. Qua đó, bản thân có khả năng nhận diện nguy cơ và có biện pháp để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.

Các đại biểu cũng cho ý kiến liên quan tới một số nội dung, như: phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Luật, trong đó bổ sung hành vi mua bán thai nhi; bổ sung nguyên tắc bình đẳng giới; trách nhiệm của các bên liên quan trong công tác phòng, chống mua bán người…

Trước đó, cũng trong sáng nay, Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) với 94,25% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác