Trung tâm “Vì ngày mai”- Nơi thóc lép nảy mầm


Trung tâm “Vì ngày mai”- Nơi thóc lép nảy mầm  - ảnh 1

(VOV) - Nhiều người không may, từng nghĩ mình vô dụng, nhưng khi đến với Trung tâm, họ đã tìm thấy nguồn vui, hạnh phúc và vượt lên bằng khả năng của chính mình.

Từ “đoàn quân du mục”

Trung tâm “Vì ngày mai” tại Số nhà 96- Tổ 19b- Cổ Nhuế - Từ Liêm - Hà Nội, được thành lập từ ngày 8/3/2002 do bà Lê Minh Hiền làm Giám đốc.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, ngay từ nhỏ chị Lê Minh Hiền là niềm tự hào của cả gia đình vì kết quả học tập xuất sắc của mình. Khi tương lai đang mở ra trước mắt thì một tai nạn đã đến,khiến bà mất đi 80% sức lực. Con nhỏ, đồng lương mất sức không đủ để bà nuôi sống ba mẹ con, buộc bà phải tìm thêm việc để làm. Cạnh nhà bà có 4 em khuyết tật, ban đầu chúng hay đến để phụ giúp bà nhưng về sau mọi người cùng nhau làm để kiếm tiền. Chính cái duyên ấy đã đưa bà tiếp xúc nhiều hơn với trẻ em khuyết tật.

Kể từ đó, bà quyết định thành lập Trung tâm với cái tên ban đầu: Cơ sở dạy nghề và tạo việc làm cho thanh thiếu niên khuyết tật. Đến nay, Trung tâm đã đào tạo được 450 em khuyết tật tuổi từ 15 đến 35 với tất cả các dạng khuyết tật: vận động, trí tuệ, khiếm thính, khiếm thị… Trong đó đã có 3 em học xong Đại học.

Trung tâm “Vì ngày mai”- Nơi thóc lép nảy mầm  - ảnh 2

Bà Hiền bên cạnh em Nguyễn Thị Thu Thương


Khó khăn chồng chất khó khăn, với 10 năm được thành lập cũng là từng ấy thời gian cả Trung tâm phải vượt qua biết bao gian nan, vất vả. Chuyển địa điểm liên tục, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, nhà xưởng phải đi thuê… Bà Hiền- Giám đốc Trung tâm đùa buồn: “Mọi người hay gọi chúng mình là đoàn quân du mục”.

Bà Hiền thổ lộ: “Đa số người khuyết tật đến với Trung tâm thường mặc cảm, thiếu tự tin, lại theo nếp sống tự do không chịu khép mình vào kỷ luật, thích thì làm bằng được nhưng không làm được là bỏ. Vì vậy, việc đào tạo để họ có một nghề ổn định, tự nuôi sống bản thân gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, thời gian đào tạo thường gấp 3, 4 lần người bình thường”.

Khó khăn như thế, nhưng mọi người đã dắt tay nhau, cùng nhau vượt qua số phận để đến hôm nay, Trung tâm phần nào được ổn định và trở thành mái nhà chung của những em khuyết tật.

Song song với dạy nghề, dạy văn hoá, Trung tâm còn thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, đi chơi xa, tạo cho các em có một cuộc sống tập thể vui tươi, lành mạnh; giáo dục các em có tình cảm thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, coi nhau như anh em một nhà.

… đến nơi “thóc lép nảy mầm”


“Trắc trở mà em không dám buông lơi/ Vẫn bám chặt vào tinh thần để sống/ Em gắng vươn tâm hồn về xa rộng/Để thấy bình minh phía cuối đường hầm”- câu thơ mà tối đã từng đọc đâu đó thật đúng với những người đang sinh sống dưới mái nhà “Vì ngày mai”.

Nhìn những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đẹp mắt, khéo léo, chẳng mấy ai nghĩ nó được làm ra từ những đôi bàn tay co quắp, dị tật, từ những con người chẳng bao giờ được nhìn thấy ánh sáng…

Trung tâm “Vì ngày mai”- Nơi thóc lép nảy mầm  - ảnh 3

Những sản phẩm do chính tay các em khuyết tật tại Trung Tâm làm


Mười năm sau ngày thành lập, sáng 8/3/2012, những em khuyết tật được trở về Trung Tâm để thăm lại trường cũ. Những giọt nước mắt thân thương, những niềm vui, hạnh phúc và cả niềm tự hào là những gì mọi người cảm nhận được rõ ràng từ buổi gặp mặt ấy.

Ông Lâm Gia Điền, phó giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Ngày hôm nay được gặp lại các em, tôi nhận thấy rõ sự trưởng thành trong mỗi em. Từ những em mang trong mình mặc cảm, tủi hờn thì giờ phút này đây, tôi đã thấy được sự tự tin cũng như niềm vui, niềm hạnh phúc của các em”.

Em Nguyễn Thu Thương, mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh, nằm trong chiếc xe đẩy bé xíu, tâm sự: Đã có lúc em buồn chán và tủi hờn cho số phận nghiệt ngã của mình. Nhưng với nhiều nguồn động viên, sau hai năm, em đã có thể vượt qua chính mình, vươn lên thực hiện ước mơ trở thành “bà chủ”.

Nhìn thân hình nhỏ thó của cô bé khi cô chỉ  cao chưa đầy 80cm, hai tay và chân co quắp, suốt 25 năm trời Thương chỉ nằm một chỗ. Ai cũng nghĩ cô sẽ là gánh nặng của gia đình cho đến một ngày cô đến với Trung tâm để rồi khi hôm nay, cô được quay về nơi mình trưởng thành. Ước mơ ngày nào đã thành hiện thực, khi một cô bé như em không chỉ tự nuôi sống bản thân mà còn giúp đỡ, tạo việc làm cho nhiều bạn kém may mắn như mình. Hiện nay, Thương đang là chủ của cửa hàng bán đồ Handmade tại nhà cũng như qua trang mạng: http://thuongthuong.net.

Hay như hai chị em khiếm thính Nguyễn Thị Thơm và Nguyễn Thị Nhẫn đến từ Nam Định, mới chỉ 15 – 17tuổi, nhưng có lúc các em đã nghĩ quẫn khi đón nhận những cú sốc đầu đời. Nhưng sau khi đến Trung tâm, chính sự ân cần dạy dỗ của người mẹ tại Trung tâm, qua thời gian, với tay nghề làm hoa lụa và thêu thành thục, các em đã tự mình mở một xưởng làm hoa, thu hút được nhiều khách hàng. Điều đặc biệt hơn, cô chị đã tìm được hạnh phúc của mình với người chồng và đứa con 6 tuổi…

Trung tâm “Vì ngày mai”- Nơi thóc lép nảy mầm  - ảnh 4

Một học sinh cũ chia sẻ niềm hạnh phúc trong lễ kỷ niệm


Nhắc đến những cô cậu học trò của mình, đôi mắt bà Hiền ánh lên niềm vui, niềm hạnh phúc. Đối với bà: “Các em là niềm tự hào, niềm vui của cả Trung tâm. Hạnh phúc lắm khi thấy những đứa con của mình biết vượt qua những mặc cảm, số phận để thành những người có ích cho xã hôi”.

Đến với Trung tâm, nhiều em đã thực sự tìm thấy một nửa hạnh phúc của đời mình. Gần 30 đôi uyên ương được tổ chức lễ cưới tại Trung tâm có lẽ là đủ để chứng minh điều đó. Nơi đây còn là nơi các em tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc, biết vượt qua số phận để “thấy bình minh nơi cuối đường hầm”./.

Trung tâm “Vì ngày mai” được thành lập 8/3/2012.  Năm 2008, Trung tâm nhận được “Giải băng xanh” của tổ chức bree Trao tặng.

Năm 2009, trung tâm chính thức có tư cách pháp nhân, được nhận nhiều bằng khen của các tổ chức như: Bộ lao động thương binh và xã hội; Hiệp hội các làng nghề Việt Nam; Hiệp hội sản xuất, kinh doanh người khuyết tật Việt Nam; Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam…

Năm 2009, Trung tâm được Tổ chức Đông tây hội ngộ, Đài truyền hình Việt Nam, Bộ lao động thương binh và xã hội đánh giá và xếp hạng là một trong 10 tổ chức của Người khuyết tật tốt nhất ở Việt Nam về dạy nghề và việc làm.

Năm 2010, Trung tâm được tổ chức công bằng thương mại thế giới (WFTO) sang kiểm toán và đã là thành viên của tổ chức này.

Năm 2011, Việt Nam là nước ngoài đầu tiên nhận giải Vì cộng đồng của Hàn Quốc và Trung tâm Vì ngày mai là đơn vị đầu tiên đại diện nhận giải. Cũng trong năm này, bạn Vũ Thị Mai, thành viên của Trung tâm giành giải ba về Tin học giữa thnah thiếu niên khuyết tật Việt Nam Và Hàn Quốc.


Phản hồi

Các tin/bài khác