Vào EVFTA, doanh nghiệp Việt lo rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu vào EU

(VOV5) -Thị trường xuất khẩu hàng hoá Việt Nam đã phủ 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Sáng 21/8, Bộ Công thương phối hợp với UBND TPHCM tổ chức hội nghị Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), những cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và những điều cần lưu ý.

Theo ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương, Việt Nam đang đứng vị trí 27 nước trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu lớn. Thị trường xuất khẩu hàng hoá Việt Nam đã phủ 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Về nông nghiệp, Việt Nam đứng vị trí thứ 15 về quy mô sản phẩm xuất khẩu. Việc ký hiệp định EVFTA sẽ tạo nhiều lợi thế xuất khẩu cho Việt Nam.

Dự kiến, sau khi hiệp định này có hiệu lực sẽ giúp 99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7 đến 10 năm; đây là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các hiệp định thương mại tự do đã ký. Liên minh châu Âu (EU) dành tổng lượng hạn ngạch cho Việt Nam 80 ngàn tấn/năm đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát, thuế trong hạn ngạch 0%.

Vào EVFTA, doanh nghiệp Việt lo rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu vào EU - ảnh 1Dệt may là ngành hàng sẽ được EU xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với 42,5% dòng thuế khi EVFTA có hiệu lực. Ảnh Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Công ty cổ phần Ðồng Tiến (Ðồng Nai). -Ảnh Nhandan

Đối với doanh nghiệp, vấn đề lo lắng nhất khi tham gia EVFTA đó là các hàng rào kỹ thuật khi nhập khẩu hàng hóa vào thị trường của các nước EU, nhất là các sản phẩm nông nghiệp. Các doanh nghiệp rất cần các cơ quan chuyên ngành hỗ trợ vấn đề này.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn INTIMEX kiến nghị: "Cơ quan kiểm dịch thực vật phải đưa ra danh sách những hóa chất nào được sử dụng trong nông nghiệp hiện nay. Chúng ta phải có biện nào ngăn chặn việc nhập lậu các loại hóa chất không đảm bảo an toàn thực phẩm như thuốc cỏ, một số hóa chất khác…

Sắp tới Châu Âu sẽ tiếp tục cấm một số hóa chất thì chúng ta phải có biện pháp ngăn chặn chứ nếu không các sản phẩm nông nghiệp của chúng ta xuất khẩu bị trả về sẽ rất khó khăn doanh nghiệp."

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác