(VOV5) - Tọa đàm được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thiết kế riêng cho Việt Nam nhằm thảo luận về xu hướng của thương mại và đầu tư toàn cầu.
Chiều qua (21/01), theo giờ địa phương, tại Davos (Thụy Sĩ), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Tọa đàm “Hướng tới Hội nghị Bộ trưởng UNCTAD 16: Tương lai của Thương mại và Phát triển toàn cầu trong Kỷ nguyên Thông minh” trong khuôn khổ Hội nghị WEF Davos năm 2025.
Quang cảnh toạ đàm. Ảnh: Ảnh: Vũ Khuyên/VOV |
Tọa đàm được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thiết kế riêng cho Việt Nam nhằm thảo luận về xu hướng của thương mại và đầu tư toàn cầu, đồng thời xây dựng chương trình nghị sự cho Hội nghị Bộ trưởng Hội nghị của Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) 16 do Việt Nam đăng cai, dự kiến vào cuối năm 2025.
Phát biểu dẫn đề, Tổng thư ký UNCTAD, bà Rebeca Grynspan ca ngợi thành tích tăng trưởng của Việt Nam, đạt 7% trong vòng 30 năm qua, đánh giá các thành tựu phát triển kinh tế, hội nhập khu vực và nâng cao vị thế ngoại giao đã biến Việt Nam thành hình mẫu cho việc tái định hình tương lai của thương mại và phát triển toàn cầu.
Trước đó, hôm 17/01, trong thông báo về việc Việt Nam sẽ đăng Hội nghị UNCTAD 16 vào tháng 10 tới, bà Rebeca Grynspan khẳng định việc Hội nghị được tổ chức tại một quốc gia phát triển năng động nhờ mở cửa, hội nhập thành công như Việt Nam đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa trong trong giai đoạn mới của UNCTAD: “Việt Nam không chỉ đại diện cho một câu chuyện phát triển thành công mà còn là chứng nhận cho việc thương mại và phát triển có thể đồng hành cùng nhau ra sao để thay đổi cuộc sống của người dân. Điều đặc biệt quan trọng là Việt Nam cam kết mạnh mẽ với tăng trưởng bao trùm, một ưu tiên hàng đầu của UNCTAD 16”.
Phát biểu tại tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định các thách thức hiện nay đối với thương mại và phát triển diễn ra trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng toàn diện đến tất cả mọi người nên cần cách tiếp cận toàn dân, toàn diện và toàn cầu. Để đối mặt với các thách thức trong kỷ nguyên thông minh, Thủ tướng cho rằng phải nắm bắt “kỷ nguyên thông minh” một cách tổng thể từ bốn khía cạnh khác nhau, gồm: từ khía cạnh địa chính trị, an ninh là hoà bình, hợp tác; từ khía cạnh kinh tế là phát triển nhanh và bền vững; từ khía cạnh môi trường là khai thác sử dụng bền vững; từ khía cạnh xã hội là tiến bộ, công bằng xã hội, không để lại ai phía sau.
Tại Tọa đàm, lãnh đạo các tổ chức quốc tế và các chuyên gia, học giả đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua, nhất là tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thực thi hiệu quả chính sách “không bỏ ai lại phía sau,” đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, và nông thôn, nỗ lực vươn lên đứng trong top 15 về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu, trở thành hình mẫu quốc tế về đổi mới sáng tạo và khả năng ứng phó linh hoạt, khéo léo trước nhiều biến động kinh tế toàn cầu.