Hầu hết các thiết chế kinh tế-tài chính lớn trên thế giới đều đánh giá kinh tế thế giới trong năm nay tăng trưởng ổn định, nhưng tiếp tục phải đối mặt với những rủi ro lớn liên quan đến xung đột thương mại và bất ổn địa chính trị.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu công bố cuối tháng 10 năm ngoái, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới năm nay tăng trưởng 3,2%. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) hay Ngân hàng thế giới (WB) cũng đưa ra các con số dự báo tương tự, dao động quanh mốc 3%, thậm chí có thể lên tới 3,3%.
Hạ cánh mềm
Nền tảng để kỳ vọng vào một sự tăng trưởng ổn định của kinh tế thế giới trong năm nay là các thành tích tương đối khả quan trong năm 2024. Theo Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), ông Mathias Cormann, trong năm qua nền kinh tế toàn cầu đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng chú ý, khi lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn giảm dần về tỷ lệ mục tiêu (2%) của các ngân hàng trung ương, trong khi tăng trưởng vẫn ổn định. Nhận định này được củng cố bởi các số liệu được IMF đưa ra trong báo cáo mới nhất cuối tháng 10 vừa qua, theo đó, tỷ lệ lạm phát trung bình trên thế giới sẽ về mức 3,5% vào cuối năm nay, sau khi đạt đỉnh 9,4% vào quý III năm 2022. Hiện tại, tỷ lệ lạm phát hiện dao động quanh mức 2,7% tại Mỹ, 2,2% tại khu vực đồng tiền chung châu Âu – Eurozone và 2,6% tại Anh.
Việc tăng lãi suất cao từ 2 năm nay để chống lại lạm phát đã không gây ra sự suy thoái mạnh mà hầu hết các nhà dự báo lo ngại. Trong khi, chi tiêu cho dịch vụ và nhu cầu lao động vẫn mạnh. Bắt đầu từ nửa cuối năm ngoái, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã từng bước tiến hành cắt giảm lãi suất và một cuộc “hạ cánh mềm”, tức hạ nhiệt nền kinh tế mà không gây suy thoái, được cho là đang trong tầm tay. Theo S&P Global (Mỹ), hiện trạng này giúp kinh tế toàn cầu bước sang năm nay ở vị thế tương đối tốt. Tuy nhiên, một số chuyên gia thận trọng khi cho rằng tỷ lệ lạm phát ở nhiều nền kinh tế lớn vẫn chưa về mức mục tiêu 2%, thậm chí có xu hướng tăng nhẹ trong những tháng cuối năm. Do đó, chính sách lãi suất vẫn cần phải được điều hành một cách từ tốn, đồng thời, các rủi ro đối với tăng trưởng cần phải được theo dõi chặt chẽ.
Bà Rebeca Grynspan, Tổng thư ký Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), nhận định: “Nền kinh tế toàn cầu của chúng ta đang trong tình huống mà chúng ta mặc dù có thể ăn mừng khả năng hạ cánh mềm, nhưng rất có thể chúng ta lại hạ cánh nhầm đường băng. Chúng ta đang hạ cánh trong bối cảnh tăng trưởng thấp, nợ cao, đầu tư yếu và thương mại phân mảnh”.
Chia sẻ sự thận trọng này, trong các phát biểu chính sách mới nhất cuối năm vừa qua, cả Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell lẫn Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde đều cho rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận về cuộc chiến chống lạm phát cũng như năm tới sẽ có nhiều yếu tố khó đoán về xung đột thương mại, do đó, cả Fed và ECB đều sẽ tiến hành việc cắt giảm lãi suất với tốc độ chậm hơn so với dự kiến trước đó.
“Biến số” nước Mỹ
Dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm nay, OECD lạc quan nhất khi cho rằng mức tăng trưởng có thể đạt 3,3%, tiếp đến là IMF với 3,2%. Thận trọng hơn, hai ngân hàng hàng đầu của Mỹ là Morgan Stanley và Goldman Sachs đưa ra dự báo lần lượt là 3% và 2,7%. Tuy nhiên, triển vọng khác nhau đáng kể giữa các khu vực. Goldman Sachs cho rằng Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ tăng trưởng GDP tốt hơn các nước phát triển khác, đạt mức 2,5% trong năm nay, gần tương đương nhận định của OECD (2,4%). Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 4,7%, theo OECD và 4,5% theo WB. Trong khi đó, kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu – Eurozone dự báo chỉ tăng 1,3%, Nhật Bản 1,5%.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, "biến số" còn phụ thuộc vào Mỹ. Ông Seth Carpenter, chuyên gia kinh tế trưởng của Morgan Stanley, nhận định kết quả cuộc bầu cử Mỹ, với chiến thắng của ông Donald Trump, mở ra những thay đổi về chính sách, với tác động sẽ lan tỏa khắp nền kinh tế toàn cầu. Chung quan điểm này, Goldman Sachs nhận định GDP của Eurozone có thể chỉ tăng 0,8% năm nay do chính sách thuế quan và quy định mới của Mỹ, đặc biệt nếu có xung đột thương mại.
Trung Quốc cũng được dự báo không tránh khỏi ảnh hưởng bởi thuế quan của chính quyền mới tại Mỹ nên GDP năm sau có thể chỉ tăng 4,1%, theo S&P Global. Nhưng tác động không phải một chiều mà nền kinh tế Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu xảy ra kịch bản ông Donald Trump đánh thuế cao với các đối thủ kinh tế, dẫn đến xung đột thương mại quy mô lớn. Chuyên gia Joseph Stiglitz (Mỹ), người từng đoạt giải Nobel Kinh tế, cảnh báo:
“Hầu hết mọi người nghĩ rằng việc đánh thuế của Mỹ lần này sẽ hiệu quả hơn trước đây bởi ông Donald Trump đe dọa đánh thuế cao hơn. Ông Trump đã nói rằng ông ấy yêu thích việc đánh thuế nhưng người Mỹ lo lắng là việc này có thể tạo nên một số tác động ngược lại với nền kinh tế Mỹ”.
Theo Ngân hàng Goldman Sachs, nếu bất ổn thương mại tăng lên mức cao như giai đoạn 2018-2019, GDP của Mỹ có thể giảm 0,3%, trong khi Eurozone và Trung Quốc giảm đến 0,9% và 0,7%. Tuy nhiên, theo tổ chức nghiên cứu Capital Economics (Anh), rủi ro xung đột thương mại hiện chỉ ở mức trung bình, do các biện pháp trả đũa từ các quốc gia khác sẽ được thiết kế để tránh leo thang căng thẳng với Mỹ.