(VOV5) - Trong quá trình tham gia Cơ chế UPR, Việt Nam luôn thể hiện tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, với tỷ lệ chấp thuận khuyến nghị ngày càng tăng, lên tới hơn 83% tại chu kỳ III.
Hội thảo quốc tế về kinh nghiệm xây dựng Báo cáo theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) - Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN |
Sáng nay (27/4), tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế về kinh nghiệm xây dựng Báo cáo theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR). Tham dự hội nghị có đại diện Bộ Ngoại giao, các chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực quyền con người và nhiều đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam.
Kể từ khi ra đời năm 2008 đến nay, cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát UPR được đánh giá là một trong những cơ chế thành công nhất của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, giúp tăng cường năng lực cho các quốc gia trong thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, cam kết về quyền con người trên cơ sở nguyên tắc đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan, minh bạch và xây dựng.
Trong quá trình tham gia Cơ chế UPR, Việt Nam luôn thể hiện tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, với tỷ lệ chấp thuận khuyến nghị ngày càng tăng, lên tới hơn 83% tại chu kỳ III, cao hơn mặt bằng chung của các quốc gia khác. Đầu năm ngoái, Việt Nam đã nộp Báo cáo giữa kỳ tự nguyện lên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và là 1 trong 39 nước nộp Báo cáo này. Với chu kỳ IV, Việt Nam sẽ nộp Báo cáo quốc gia lên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đầu năm tới. Xuyên suốt quá trình xây dựng Báo cáo, Việt Nam luôn nỗ lực bảo đảm một số nguyên tắc trong đó có việc thực hiện các khuyến nghị UPR luôn gắn với tổng thể chủ trương, chính sách và nỗ lực của Việt Nam về bảo đảm, thúc đẩy quyền con người, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cùng với đó, tăng cường gắn Báo cáo UPR với thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các khuyến nghị đã chấp thuận, từ đó tạo chuyển biến tích cực trong hoàn thiện các khuôn khổ chính sách, pháp luật về quyền con người.
Hội thảo cũng nghe nhiều tham luận của các đại biểu quốc tế về kinh nghiệm xây dựng báo cáo UPR, những xu thế mới và các khuyến nghị.