Xây dựng ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, cạnh tranh

(VOV5) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đây là Hội nghị đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. 

Sáng nay (22/12), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về Phát triển các Ngành công nghiệp Văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh thành trong cả nước.

Xây dựng ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, cạnh tranh	 - ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đây là Hội nghị đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Nói về công nghiệp văn hóa là đề cập đến các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể; thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hoá để thu về những nguồn lợi kinh tế. Thủ tướng nhấn mạnh: Thời gian qua, các ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế, dịch vụ quan trọng. Sự đầu tư nguồn vốn và các ngành công nghiệp văn hóa đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa có những bước tiến mới đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội. Để công nghiệp văn hóa của Việt Nam sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy, đến hành động, góp phần xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam sáng tạo, bản sắc, độc đáo chuyên nghiệp, cạnh tranh.

Thủ tướng chỉ rõ phát triển công nghiệp văn hóa phải được đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, kết nối các hoạt động sáng tạo, văn hóa, nghệ thuật với sản xuất, kinh doanh. Phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, có tính cạnh tranh cao, đồng thời đa dạng hóa, liên kết đa ngành, đa lĩnh vực; phù hợp với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường và xu thế của thời đại. Phát triển công nghiệp văn hóa phải gắn liền với việc quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa phải đảm bảo đáp ứng được các yếu tố “Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Cạnh tranh”, trên nền tảng “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng”; từng bước tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm và dịch vụ mang tầm quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thủ tướng đề nghị, các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần nỗ lực, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn; chủ động, phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa, khuyến khích mọi sự tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo; chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế để đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác