(VOV5) - Ngoài dân ca, dân vũ, góp phần làm phong phú thêm văn hóa của tỉnh Sơn La còn có các lễ hội của người Dao đỏ.
Đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng dân tộc Dao ở Sơn La đang từng bước được cải thiện... Cùng với phát triển kinh tế, đồng bào cũng luôn tích cực bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để nét đẹp văn hóa dân tộc mình không bị mai một.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nghệ nhân Bàn Văn Đức, ở bản Suối Lìn, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, là người đã dành nhiều năm để duy trì và phát triển chữ Nôm Dao. Từ năm 2012 đến nay, ông Đức đã mở gần 20 lớp học và giảng dạy cho trên 700 học viên về ngôn ngữ và giá trị lịch sử, văn hóa, góp phần giúp cộng đồng người Dao tiếp cận với chữ viết truyền thống. Ông Đức cho biết một trong những di sản văn hóa quý báu gắn liền với các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Dao chính là chữ Nôm Dao, hệ thống chữ viết cổ độc đáo được dùng trong các văn bản ghi chép về lịch sử, tín ngưỡng và các nghi lễ truyền thống của người Dao. Ông nói: "Là người dân tộc Dao, mình đã am hiểu về bộ chữ sau này rất là tốt, dạy cho con người sinh sống và mình nghĩ là phải dạy cho lớp trẻ học tập để nói theo, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Dao cho mai sau".
Hệ thống chữ viết cổ độc đáo được dùng trong các văn bản ghi chép về lịch sử, tín ngưỡng và các nghi lễ truyền thống của người Dao - Ảnh: Trấn Long/VOV |
Dân ca, dân vũ của dân tộc Dao cũng là những nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt thường ngày. Những điệu hát Páo Dung, những vũ điệu múa chuông truyền thống đã ăn sâu vào tâm hồn người Dao, trở thành một phần không thể thiếu trong các dịp lễ hội, cưới xin, và các sự kiện văn hóa. Nét đẹp văn hóa này luôn được người Dao duy trì và phát huy qua các đội văn nghệ của bản, của xã. Anh Bàn Văn Phong, ở xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, Sơn La, chia sẻ: "Tôi và bà con nhân dân bản suối Lìn rất yêu thích nét văn hóa của dân tộc Dao. Từ điệu múa, ca hát, chữ viết của dân tộc, cố gắng học để gìn giữ cho con cháu sau này".
Ngoài dân ca, dân vũ, góp phần làm phong phú thêm văn hóa của tỉnh Sơn La còn có các lễ hội của người Dao đỏ, như: Lễ cúng rừng, lễ hội Púng Hiéng, lễ Tết nhảy, hay lễ cấp sắc…. Trong đó, hầu hết các yếu tố văn hóa truyền thống cũng như quan niệm về thế giới tâm linh, các sắc thái tôn giáo tín ngưỡng, cách thức sinh hoạt văn nghệ dân gian, tập quán giáo dục cộng đồng… đều được thể hiện một cách rõ nét. Ông Lý Trọng Sinh, bản Suối Khem, xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, cho biết: "Chúng tôi có lễ hội Púng Hiếng là to nhất. Chúng tôi rất tự hào rằng chúng tôi đang còn giữ gìn và bảo tồn. Trong lễ hội này, chúng tôi tái hiện lại, truyền dạy những bài ca, những tiếng hát, điệu múa điệu xoè, học tập đánh trống, đánh chiêng liên quan đến văn hóa bản sắc dân tộc Dao".
Gìn giữ nét văn hóa truyền thống qua các đội văn nghệ của bản, của xã - Ảnh: Trấn Long/VOV |
Những năm qua, nhiều chương trình hỗ trợ đã được tỉnh Sơn La triển khai để bảo tồn tiếng nói, chữ viết và các nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc Dao. Bên cạnh đó, đầu tư nâng cấp các thiết chế văn hóa, tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ và hội thảo nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống. Các nghệ nhân dân gian được khuyến khích và hỗ trợ trong việc truyền dạy chữ viết, dân ca, dân vũ cho thế hệ trẻ. Những nỗ lực này đã tạo ra một môi trường thuận lợi để các giá trị văn hóa của dân tộc Dao được bảo tồn và phát huy một cách hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, cho biết: "Hiện nay Mộc Châu đã có 11 lễ hội được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó có 7 lễ hội chung với tỉnh Sơn La và 4 lễ hội của Mộc Châu. Một trong những lễ hội đó là lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc Dao Tiền. Trên cơ sở những gì đồng bào dân tộc đang có, chúng tôi sẽ hỗ trợ để bà con tiếp tục khôi phục, tạo dựng, để bà con tự hào với bản sắc văn hóa dân tộc mình, vừa giữ gìn và phát triển, lưu chuyển cho đời sau".
Việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, làm phong phú bản sắc văn hóa, xây dựng bản làng giàu đẹp, văn minh.