Muôn nẻo đường tơ–Đưa di sản văn hóa Việt Nam đến gần hơn với công chúng

(VOV5) - Với sắc màu văn hóa của “36 phố phường” gắn liền với quá trình hình thành phát triển của đất Thăng Long - Hà Nội, đã tạo dấu ấn trong lòng du khách bốn phương.

Chuỗi hoạt động văn hóa với chủ đề “Muôn nẻo đường tơ” đang diễn ra sôi nổi tại các địa điểm trong khu vực Phố cổ Hà Nội. Là sự kiện thường niên chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), năm nay, chương trình có nhiều đổi mới, đưa các loại hình văn hóa tiếp cận gần hơn tới công chúng trong nước và nước ngoài.

Nghe âm thanh bài viết tại đây :

Diễn ra từ ngày 18 đến ngày 31/12, “Muôn nẻo đường tơ” gồm nhiều sự kiện nhằm lưu giữ, quảng bá, lan tỏa các giá trị di sản văn hóa truyền thống của Thủ đô Hà Nội. Ngay tại Lễ khai mạc diễn ra vào tối ngày 18/11, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, Chương trình nghệ thuật “Muôn nẻo đường tơ” đã giới thiệu đến người xem những nét đặc sắc của Áo dài Việt Nam được may trên chất liệu lụa tơ tằm và lụa của các làng nghề Việt Nam, kết hợp với biểu diễn âm nhạc dân gian truyền thống và đương đại, gồm các bộ sưu tập Áo dài ngũ thân truyền thống - đương đại của nhà thiết kế Năm Tuyền; bộ sưu tập Lụa ứng dụng của Thương hiệu Gamme- Colletive; bộ sưu tập Áo dài lụa của Thương hiệu Trịnh Fashion.

Muôn nẻo đường tơ–Đưa di sản văn hóa Việt Nam đến gần hơn với công chúng - ảnh 1Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phổ cổ Hà Nội phối hợp với các đơn vị và cá nhân tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa “Muôn nẻo đường tơ” chào mừng Ngày di sản văn hoá Việt Nam. Ảnh minh họa: baodantoc.vn

Du khách cũng có thể đến tham quan các gian trưng bày, giới thiệu nghề ươm tơ, dệt vải truyền thống vùng Đồng bằng Bắc Bộ tại không gian Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm; hay không gian Trà Việt và nghệ thuật thư pháp với chủ đề “Thư – Trà kỳ ngộ” tại Ngôi nhà Di sản  87 Mã Mây, Hoàn Kiếm; hoặc đến đình Kim Ngân, 42 Hàng Bạc, để tìm hiểu các sản phẩm cây thuốc nam của người Việt và nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn trong chuỗi Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2022.

Bà Trần Thúy Lan, Phó Trưởng ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội, cho biết: "Với tinh thần của tuần lễ Thiết kế sáng tạo, chúng tôi cũng đưa những sản phẩm truyền thống đó qua các bàn tay, qua những ý tưởng của các nghệ sĩ, nhà thiết kế thiết kế ra những cái mới hơn để làm sao đáp ứng được với nhu cầu thị trường hiện nay và cũng tạo ra được một không gian nghệ thuật phục vụ công chúng. Mặc dù cái gốc là truyền thống nhưng đã được ứng dụng vào thực tế hiện đại qua những bàn tay của các nghệ sĩ, các họa sĩ được giới thiệu để mọi người hiểu hơn về những sản phẩm truyền thống.

Muôn nẻo đường tơ–Đưa di sản văn hóa Việt Nam đến gần hơn với công chúng - ảnh 2Các bộ sưu tập trang phục từ tơ tằm và lụa của các làng nghề Việt Nam sẽ được trình diễn kết hợp với âm nhạc dân gian truyền thống và đương đại. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

“Muôn nẻo đường tơ” mở ra nhiều hoạt động văn hóa với ý tưởng ứng dụng được vào nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau để phục vụ du khách. Trong lĩnh vực sáng tác mỹ thuật, các họa sĩ, nghệ sĩ tạo nên các tác phẩm từ chính chất liệu tơ lụa do các nghệ nhân ở các làng nghề sản xuất, kết nối với đó là hoạt động thiết kế thời trang, với những bộ sưu tập kết hợp từ truyền thống đến hiện đại.

Điển hình là  Nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy, Thương hiệu Trịnh Fashion, phối hợp cùng Nhà thiết kế Nguyễn Khả Hân, Thương hiệu Gamme Colletive, lấy cảm hứng từ chiếc “áo bông chần” thấm đẫm giá trị văn hóa Việt, để thiết kế, giới thiệu tới công chúng bộ sưu tập thời trang mang tên “Nhân bản”. “Nhân bản” nói về sợi dây liên kết vô hình giữa các thế hệ trong gia đình trong sự phát triển, biến đổi của văn hóa.

Nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy chia sẻ: "Ý tưởng trong bộ sưu tập Nhân bản lần này mình muốn nhấn mạnh 3 điểm nhấn về giá trị văn hóa trong bộ sưu tập. Đó chính là mình đã dùng những sản phẩm lụa từ các làng nghề và những ứng dụng mỹ thuật vào trong bộ sưu tập và những giá trị về thẩm mỹ. Đó là những phần về sắc màu và cách sắp đặt, cách kết cấu của sản phẩm. Đặc biệt, mình cũng đã dùng trang trí đắp vải bằng cách truyền thống của Việt Nam nhưng với một cách thiết kế mới nhất cho sản phẩm áo bông chần năm nay."

“Muôn nẻo đường tơ” còn có nhiều chương trình nghệ thuật, thu hút đông đảo người xem như Chương trình hòa nhạc di sản cổ truyền và đương đại Việt Nam, trải nghiêm công nghệ VR3D - “Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2022” (từ ngày 11-18/11); triển lãm ảnh “Việt Nam - Quê hương tôi” tại khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm từ ngày 11- 30/11.

Chị Hoàng Quý, du khách ở Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: "Tôi với gia đình ở Hà Nội 2 ngày qua, được tham dự rất nhiều hoạt động văn hóa trong chương trình “Muôn nẻo đường tơ”. Không có điều kiện để đi thăm được hết Hà Nội nhưng các hoạt động trong phố cổ, cũng như tham gia của nhiều nghệ nhân, thợ thủ công, các nghệ sĩ, họa sĩ, nhà thiết kế… giúp gia đình tôi biết rõ hơn về Thủ đô Hà Nội. Từ đó, chúng tôi hiểu hơn về văn hóa của mảnh đất Kinh kỳ xưa được gìn giữ qua ngàn năm lịch sử.

Các sự kiện được tổ chức trong không gian Phố cổ Hà Nội, với sắc màu văn hóa của “36 phố phường” gắn liền với quá trình hình thành phát triển của đất Thăng Long - Hà Nội, đã tạo dấu ấn trong lòng du khách bốn phương.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác