Ngày xuân đánh trận cờ người

(VOV5)- Cờ người là một hình thức đấu trí, thể hiện rõ tính cộng đồng, trách nhiệm của người cầm quân, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.

Các cao thủ làng cờ tướng Hà Nội vẫn truyền nhau câu định danh:“Phi chùa Vua bất thành danh thủ”, tức là chưa đánh cờ ở Chùa Vua thì chưa được coi là danh thủ. Các kỳ thủ đến hội cờ Chùa Vua giành giải quán quân liên tiếp trong 3 kỳ hội sẽ được khắc tên vào bia đá lưu niệm đặt tại di tích. Vì thế, đến hẹn lại lên, hàng trăm danh thủ lại đến ghi danh thi đấu mỗi dịp Tết đến xuân về.


Ngày xuân đánh trận cờ người - ảnh 1
Các lão kỳ thủ thi đấu biểu diễn trước hội cờ chùa Vua

Chùa Vua ở phố Thịnh Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội được khởi dựng vào thời Lý với tên chữ là Hưng Khánh tự. Ngôi chùa có điện thờ Đế Thích, người được coi là đánh cờ giỏi nhất cả cõi nhân gian và Thiên đình. Tương truyền, đến đời Lê, vì ngưỡng vọng Đế Thích, một vị hoàng tử nhà Lê mê cờ đã chọn chùa Vua làm trung tâm đấu cờ tướng của kinh đô Thăng Long. Tục lệ mở hội đánh cờ tướng được lưu giữ từ đó đến tận hôm nay. Cứ vào mùng 6 đến mùng 9 tháng Giêng âm lịch, các kỳ thủ lại nô nức tìm về Chùa Vua ở phố Thịnh Yên, Hà Nội tham gia lễ hội cờ danh tiếng để phân tài cao thấp. Ông Lê Đình Bội, Chủ nhiệm câu lạc bộ cờ tướng Chùa Vua, cho biết: “Từ mùng 6 đến mùng 8 là đấu loại, đến ngày mùng 9 là vào chung kết. Từ mùng 6 đến mùng 8 là đánh cờ bỏi, là đánh bàn cờ rộng ngoài sân chùa nhưng không có người. Đến mùng 9 mới tổ chức đánh cờ người. Các kỳ thủ các nơi về thi đấu theo luật quốc gia.”

Gần hết diện tích sân Chùa Vua là bàn cờ dành cho trận đấu cờ chung kết. Cờ người là một môn cờ tướng do người đóng thế thành các quân cờ. Mỗi ván cờ lúc bắt đầu phải đủ 32 quân, bao gồm 16 nam và 16 nữ. Đây là những nam thanh, nữ tú được tuyển chọn từ các gia đình nề nếp. Hai tướng (Tướng ông và Tướng bà) là những người có ngoại hình đẹp nhất và nổi bật nhất trong số 32 người được tuyển chọn. Trang phục trên sân cờ là màu quân đỏ hoặc vàng dành cho 16 nam và màu quân đen hoặc xanh dành cho 16 nữ. Trước khi cuộc thi diễn ra, các “quân cờ” sẽ tiến hành tập luyện các thế đi, đường võ để khi chuẩn bị xung trận biểu diễn cho từng thế cờ. Ông Lê Đình Bội cho biết thêm: “Hình thức đánh cờ ở chùa Vua luôn luôn thay đổi. Ví dụ năm nay đánh di kỳ bất di nhân (quân cờ người chỉ ngồi một chỗ và chỉ di chuyển các quân cờ bỏi). Có những năm thay đổi là di nhân (người đi theo quân cờ). Các hình thức luôn luôn thay đổi để người khách đến xem đánh cờ thấy sinh động hơn.”

Ông Nguyễn Thành Quân, người giúp việc lâu năm tại chùa Vua cho biết:“Năm nào vào dịp đầu năm cũng có lễ hội cờ người ở chùa Vua. Năm nào cũng có rất đông người đến xem.”

Điểm đặc biệt trong hội cờ người là có rất đông người xem nhưng tất cả đều cố giữ im lặng để hai kỳ thủ không bị phân tâm. Người thuyết minh không được phép mách nước, khi gặp nước cờ hay thì mới bình luận. Cuộc đấu trí càng căng thẳng hơn khi mỗi nước cờ có người đánh trống thúc cờ ở mỗi bên. Nếu quân cờ chưa đi thì trống cái bên ngoài lại thúc giục một lần nữa. Bên nào có quân tướng bị chiếu bí là thua. Vì thế, mỗi cuộc thi cờ là một cuộc đấu trí và cả tốc độ. Các danh thủ không chỉ ở Hà Nội mà ở các tỉnh lân cận thậm chí ở cả miền Nam cũng ra Hà Nội để thi đấu. Các kỳ thủ những nước khác cũng tìm sang thi đấu bởi đây là giải đấu có uy tín cao. Ông Lê Đình Bội chia sẻ:“Điểm chính của Lễ hội cờ người chùa Vua là đến chùa Vua để gặp các cao thủ ở trong cả nước và quốc tế.  Trước đây có cả những người đánh cờ ở các nước như Canada, Singapore… đã đến đánh ở sân chùa Vua. Những cao thủ đều thích đến đây để gặp các cao thủ khác.”

Bà Nguyễn Thị Oanh, người dân ở phố Thịnh Yên, Hà Nội, cho biết:“Lễ hội cờ người chùa Vua là nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam. Lễ hội có nét đặc sắc, đó là sự đấu trí giữa các danh thủ để chọn ra người tài được mọi người ngưỡng mộ, khâm phục.”

Cờ người là một hình thức đấu trí, thể hiện rõ tính cộng đồng, trách nhiệm của người cầm quân, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Cùng các lễ hội khác mỗi dịp Tết đến xuân về, lễ hội cờ người chùa Vua góp phần làm cho không khí đầu năm thêm tưng bừng, rộn rã./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác