Người Cơ Tu học làm du lịch

(VOV5) -  Từ cầu bến Giằng trên đường Hồ Chí Minh đi theo hướng cửa khẩu Nam Giang - Đắc tà Oọc khoảng 15 km là đến xã Tà Bhing, H. Nam Giang, Quảng Nam. Nơi đây, có những bản làng Cơ Tu với mái Gươl truyền thống,  những chiếc cầu treo bắc qua sông thơ mộng, những điểm du lịch khá nổi tiếng như thác Grăng, làng dệt thổ cẩm Za ra, khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh...Với sự trợ giúp của  “Dự án du lịch dựa vào cộng đồng do Tổ chức Cứu trợ và Phát triển quốc tế (FIDR) của Nhật Bản thực hiện, người Cơ Tu ở Ta Bhing đang học cách làm du lịch.


Người Cơ Tu học làm du lịch - ảnh 1




Nghe nội dung chi tiết tại đây:




Hơn 30 du khách Nhật bước xuống từ trên hai chiếc xe ca tại Bến Giằng. Gần 10 hướng dẫn viên là các chàng trai, cô gái trong trang phục Cơ Tu niềm nở đón chào. Bhriu Thương- Trưởng nhóm điều phối du lịch cộng đồng tự tin giới thiệu với khách điểm dừng đầu tiên là đường Hồ Chí Minh.

Đường Hồ Chí Minh năm xưa được tái hiện đầy đủ với các lán trại, trạm xá, trạm giao liên, điểm dừng chân của bộ đội ta trên đường hành quân... Những mái lá, võng, bạt, hầm chữ A tránh bom cùng cung đường nham nhở bụi đất ngoằn nghoèo giữa núi rừng tạo cảm giác thật ngỡ ngàng đối với du khách đến từ đất nước Mặt trời mọc. Họa sĩ Tasuma Kanna mái đầu bạc trắng say mê ký họa về những chiếc ô tô tải thô sơ của người lính cụ Hồ năm xưa còn nham nhở vết đạn bom. Còn ông Matsu Moto Gienme từng có nhiều hoạt động tích cực ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Đứng trước cảnh tượng tái hiện những cánh rừng trơ sỏi đá vì chất độc da cam mà Mỹ rải xuống, đôi mắt ông ngấn nước: “Chiến tranh thật là phi nghĩa. Tôi cảm nhận được nỗi đau của nhân dân Việt Nam và đến đây, tôi càng cảm thấy khâm phục tinh thần, ý chí của cả một dân tộc. Có tận mắt xem những hiện vật còn sót lại sau chiến tranh thì mới hiểu được nhân dân Việt Nam đã thể hiện khát vọng yêu hòa bình như thế nào. Thực sự là ấn tượng”.


Người Cơ Tu học làm du lịch - ảnh 2



Du khách không những được tham quan, trải nghiệm qua các hoạt động chính như xem điệu múa Tung tung Ya Ya, mặc trang phục truyền thống Cơ Tu và chụp hình cùng với người dân địa phương mà còn đắm mình trong không gian hoang sơ của thác Grăng và trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm, đan lát cùng với những bàn tay tài hoa của người phụ nữ và đàn ông Cơtu; giao lưu với người dân trong điệu múa sạp uyển chuyển, thưởng thức văn hóa ẩm thực Cơ Tu. Thông qua cuộc sống đời thường và những sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Cơtu, du khách được hòa mình trong không khí như ngày hội và cảm nhận, khám phá được nét rất riêng, rất đặc biệt của cuộc sống người Cơtu.

Sau phần biểu diễn trước Nhà Gươl của đội dân ca dân vũ thôn Pà Ia, xã Tà Bhing, du khách tỏ ra thích thú khi được mặc trang phục Cơ Tu, học múa điệu tung tung da dá hay nhảy sạp dưới sự hướng dẫn của các bạn trẻ. Không còn khoảng cách, chỉ còn rộn rã tiếng nói cười. Bà Yasaka Otsuky là người vui tính, học rất nhanh kiểu nướng thịt và cách làm món zơ rá cũng như tự tay ngồi khung dệt thổ cẩm để thử xâu cườm. Trong chiếc váy lễ hội của phụ nữ Cơ Tu, bà cũng là người tham gia điệu múa tung tung tích cực nhất: “Các món ăn ở đây được chế biến chủ yếu từ các sản phẩm của rừng núi như thịt lợn rừng nướng que, rau quả hái ở suối. Trang phục của phụ nữ Cơ Tu thật tuyệt, là thổ cẩm nhưng mà khác với tất cả những nơi mà tôi đã đến ở Việt Nam, nó được đính bằng những hạt cườm nhỏ, rất công phu, tạo nên hoa văn nổi. Còn điệu múa cổ truyền của người dân ở đây nó có sự mềm mại của các cô gái, kết hợp với sự dũng mãnh của các chàng trai”.

Không giống các dự án du lịch cộng đồng đã được triển khai trước đây, dự án “Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu” do Tổ chức FIDR phối hợp với huyện Nam Giang tổ chức tập trung vào mục tiêu chính là phát huy tính chủ động của cộng đồng với việc kết nối nhiều thành phần tham gia. Để phục vụ đưa đón khách, dự án đã thiết lập hệ thống điều hành tour tại xã Ta Bhing với các thành viên là người Cơ Tu và thành lập 15 nhóm sáng kiến cộng đồng như nhóm múa truyền thống, nhóm ẩm thực, nhóm dệt, nhóm cải thiện vệ sinh cộng đồng, nhóm an ninh, an toàn du lịch, nhóm soạn thảo quy định du lịch, nhóm thuyết minh viên… Mỗi nhóm đều có kế hoạch hoạt động riêng. Các thành viên trong ban điều hành tour có nhiệm vụ điều phối các nhóm cùng hợp tác phục vụ khách./.

 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác