Nơi sự sống hồi sinh

(VOV5) - 5 năm sau trận lũ ấy, người dân xã An Dân đã gây dựng lại được nhà cửa, bắt đầu một cuộc sống mới. 

Xã An Dân, huyện Tuy An của tỉnh Phú Yên là một trong số những địa phương chịu nhiều thiệt hại sau cơn lũ lớn tháng 11/2009. Lũ về bất ngờ nên người dân không kịp trở tay, tài sản của bà con cũng bị cuốn trôi theo dòng nước lũ. 5 năm sau trận lũ ấy, người dân xã An Dân đã gây dựng lại được nhà cửa, bắt đầu một cuộc sống mới.  
Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 An Dân là một xã ven biển còn nhiều khó khăn, đất canh tác nông nghiệp không nhiều, do vậy, người dân phải làm thêm nhiều ngành nghề khác: đánh cá, buôn bán nhỏ lẻ. Chị Phan Thị Phượng xóm 3 ngậm ngùi kể: trước năm lụt kinh tế gia đình cũng ổn định, sau năm lụt thì trôi hết. Nước ngập đầu làm thóc, lúa, trâu, bò, tủ, bàn đều trôi mất. Đời sống lúc đó rất khó khăn: “Phải nhờ nguồn cứu trợ, chứ không có nguồn cứu trợ thì chắc mình chết. Từ hồi giờ chưa có trận lụt nào như trận lụt này. Mình tưởng tượng, hồi đó mình nghĩ chết chứ không nghĩ sống. Vì khi nước tràn vào rồi, thì không biết đường nào mà thoát. Trong này cây tre nhiều quá, nên ca nô không vào được. Khi đó là xuôi tay rồi, tưởng là chết rồi”.

 May mắn với gia đình chị sau lũ vẫn còn được 2 con bò. Vợ chồng đồng lòng làm lại từ đầu. Vay mượn được 30 triệu của ngân hàng, hai vợ chồng mua thêm một cặp bò, trồng lúa và khoai. Bây giờ cuộc sống gia đình cũng ổn định: “Hồi lụt, trâu mất mình nghĩ chắc không có cách nào mình làm lại. Nhờ Nhà nước hỗ trợ, cứu trợ đồ ăn, rồi mình vay mượn để cho con ăn học. Nợ thì giờ cứ nghĩ để từ từ con ăn học xong rồi tính chứ giờ không còn con đường nào hết.

Nơi sự sống hồi sinh - ảnh 1
Người dân Phú Yên chuẩn bị lương thực, thực phẩm để ứng phó với lũ lụt tháng 11/2013. (Nguồn: TTXVN)

Không chỉ gia đình chị Phượng trắng tay sau lũ, mà hầu như tất cả các hộ gia đình ở đây đều chung cảnh màn trời chiếu đất. Gia đình anh Nguyễn Hoàng Ân ở xóm 3 thiệt hại 16 con cả heo và bò, vì thế mất kế sinh nhai. Sau lũ, anh Ân mạnh dạn đi vay mượn tiền về mua bò về nuôi, tới nay cuộc sống đã dần ổn định: “Tự mình đi vay, đi mượn về gây dựng cuộc sống gia đình chứ cha mẹ đâu có của. Bò bây giờ có giá, nuôi bán được 20 - 30 triệu. Chúng tôi vay 10 - 15 triệu mua con nghé để nuôi rồi bán. Cái vốn mình trả lại, còn chưa bán thì mình vẫn nuôi."

 Gia cảnh chị Trần Thị Thơm lại khác. Trước lũ, chị ở nhà trông con. Mọi chi phí sinh hoạt gia đình là do chồng chị đi làm xa gửi về, ở nhà chỉ có 3 mẹ con. Cơn lũ về làm nhà chị mất hết đồ dùng. May mắn con trâu đi xuống khu dưới được người ta dắt trả lại.  Bây giờ chị làm đan len cho một cở sản xuất của huyện và làm rẫy thuê. Cuộc sống đang ổn định: “Em đan chậm thì ngày được 2 cái, 36.000 đồng một cái. Ngày nào công ty có hàng thì mình làm, không có thì mình nghỉ. Có mùa làm cỏ, làm rẫy thì 1 công 2 công. Chồng cũng ở nhà ai mướn gì thì làm nấy. Em thì một tháng làm được 300.000 đồng.

Cùng chung hoàn cảnh tay trắng, anh Nguyễn Văn Danh bây giờ đã thoát nghèo. Nhờ chăm chỉ làm việc và tiết kiệm cuộc sống của anh thay đổi hẳn. Giờ anh đã có nhà để ở: “Nói chung là mình cũng làm ráng hơn. Hồi đó ở bên báo Thanh Niên cấp cho 30 triệu rồi nhà nước cho 12 triệu nữa là 42 triệu. Nhà đây hồi xưa xây là hơn 50 triệu. 10 triệu nữa thì ông ngoại cho thêm chứ vợ chồng hồi đó khổ lắm đâu có tiền."

 Sau 5 năm, người dân xã An Dân đã tự vượt qua khó khăn và đang phấn đấu để cuộc sống no ấm, đàng hoàng hơn. Để có điều đó, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền, thì đó là sự nỗ lực và cố gắng làm lụng của người dân nơi đây./.

                              


Phản hồi

Các tin/bài khác