Phiên chợ Bắc Hà

Bắc Hà là phiên chợ thuộc vào loại lớn nhất vùng cao biên giới, nơi giao lưu, mua bán, trao đổi hàng hóa của đồng bào 14 dân tộc anh em sống ở thị trấn Bắc Hà và các huyện, tỉnh lân cận. Hàng tuần chợ họp một lần vào ngày chủ nhật. Bình thường chợ vốn đã tấp nập nay phiên giáp tết, chợ lại càng nhộn nhịp hơn. Người qua kẻ lại nô nức, mua sắm chuẩn bị đón một cái tết mới đang đến thật gần.

 

Trời Tây Bắc đang trong những ngày giá rét, sương mù giăng trắng bao phủ khắp cả vùng. Dòng người từ khắp các thôn bản đổ về chợ khi trời còn chưa sáng tỏ. Trai thanh gái lịch, ông già bà cả, trẻ con hẹn nhau đi chợ từ lúc trời còn tối, có người đi từ chiều hôm trước. Đây là phiên chợ cuối cùng nên ai cũng muốn bán hết hàng để có thêm tiền sắm tết. Hôm nay, anh Thào Thêu Dế ở xã Thải Giàng Phố mang bán hai gùi hương. Anh bảo, phải bán hết chỗ hương này, đóng  anh mới đi sắm tết.

 

Phiên chợ Bắc Hà - ảnh 1
Bên chảo thắng cố - Ảnh: Tráng Xuân Cường - www.gdtd.vn

Tiếng cười nói, tiếng trao đổi mua bán náo nhiệt cả một vùng. Chợ ngày giáp tết nên mặt hàng quả là phong phú. Người dân mang đến chợ đủ thứ sản vật vùng cao: chè shan, hoa quả, mật ong, rượu, áo quần thổ cẩm, đồ trang sức bạc, hoa phong lan, cây giống, dắt theo những con ngựa, bò, lợn, khệ nệ vác những bao ngô, khoai. Người có tiền thì đi sắm hàng tết luôn nhưng đa số người dân phải mang vật nuôi, nông sản của nhà đi bán rồi mới có tiền mua đồ. Ông Tổ Củi, người dân tộc Phù Lá, ở xã Lùng Phìn hy vọng phiên chợ này sẽ bán được bốn cái yên ngựa sớm. Ông bảo “ Một tuần làm được bốn cái yên ngựa thồ. Lần này bán được thì lấy tiền thì mua rượu uống tết, mua 4kg thịt. Ở  nhà thì mổ mấy con gà.”

 

Tết với người dân tộc vùng cao không thể thiếu thịt lợn vì thế quầy háng bán thịt luôn động nghịt người. Mọi phiên, Giàng Seo Sang chỉ mổ một con lợn nhưng đến phiên chợ tết, anh phải mổ hai con. Anh Sang bảo, lượng thịt như vậy mà chỉ bán một lúc là hết. “Bán từ 6h sáng, mỗi con nặng một tạ tư, mà giờ gần hết rồi. Dân mua thịt để treo ăn tết.”

 

Gia đình nào ít cũng mua 5kg thịt, bình thường thì 10kg hoặc nhiều hơn. Lượng mua nhiều nên số lượng mặt hàng tăng nhiều hơn và kéo theo giá cả cũng tăng cao. Ông Phạm Văn Thuỷ, cán bộ quản lý chợ Bắc Hà cho biết: “Thịt lợn hôm nay nhiều phải đến 70-80 bạt, bình thường khoảng 20-30 bạt. Chợ tết tăng nhiều. Thịt gà hôm nay giá tăng lên 110.000 đ/kg, bình thường chỉ có 80.000 đồng. Giá tăng từng phiên.”

 

Phiên chợ Bắc Hà - ảnh 2
Ảnh: Tráng Xuân Cường - www.gdtd.vn

Khu vực bán giá súc như trâu, bò, ngựa cũng khá náo nhiệt. Người ta dẫn trâu hay bò hoặc ngựa đi đi lại lại để xem dáng, nhìn chân, vỗ mông rồi mặc cả. Con trâu của anh Thào A Dính dù được nhiều người đến xem và hỏi mua nhưng anh chưa đồng ý bán vì chưa được giá. Giá anh đưa ra là 15 triệu. Anh  bảo: “nhà có hai con, bán một con ăn tết còn một con để cày. Năm nay trời rét, lạnh, nuôi hai con không có chỗ thả, sợ trâu chết nên phải bán. Còn phải mua nhiều thứ cho vợ con lắm”

 

Phiên chợ Bắc Hà - ảnh 3
Ảnh: Tráng Xuân Cường - www.gdtd.vn

Không chỉ lương thực, thực phẩm đắt hàng mà các dụng cụ như bừa, lưỡi cày, dao cũng rất đắt hàng. Với người dân vùng cao các dụng cụ phục vụ cho việc sản xuất đóng một vai trò quan trọng nên họ muốn năm mới được dùng những nông cụ mới. Sau một hồi chọn lựa, anh Vàng Văn Lồ, người Tày ở Na Hối cũng đã chọn được một cái: “Ưng ý thì mới mua. Làm thế mới thắng lợi. Đi cày nương cày ruộng, năm mới phải dùng cái mới. Ngoài ra còn mua nhiều thứ đấy, mua quần áo, giầy dép cho con cái. Thức ăn thì ở nhà khắc nuôi được.”

 

Rực rỡ và vui mắt nhất vẫn các quầy hàng bán váy, áo, khăn dành cho các chị, các em. Người thử váy, người xem cái áo, đôi giày, họ chọn lựa thật kỹ. Bán quần áo ở chợ Bắc Hà bốn năm anh Thào Văn Sinh cho biết: “Cả già trẻ đều mua, không phân biệt, ai cũng mặc được. Từ sáng bán được gần hai triệu rồi.”

 

Khi đã mua đủ mọi thứ cần thiết, cả già trẻ, trai ai đều nán lại bên hàng thắng cố. Lúc này, mọi người mới có dịp trao đổi, hỏi han sức khoẻ, công việc và nhất là việc chuẩn bị tết. Còn những chàng trai cô gái, phiên chợ giáp tết còn là dịp để họ hẹn hò chơi xuân./.  

Lan Anh



Phản hồi

Các tin/bài khác