Sức sống nơi huyện đảo tiền tiêu

(VOV5) - Huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, dù còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng với sự nỗ lực cán bộ, chiến sỹ và nhân dân nơi đây, đang thay đổi từng ngày. Màu xanh của cây cối phủ kín khắp nơi và khi đêm đến, cả quần đảo sáng bừng bởi ánh điện như thành phố nổi giữa Biển Đông.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:


 

Nằm ở phía nam quần đảo Trường Sa, đảoTrường Sa Đông có diện tích hơn tự nhiên hơn hơn 3 héc ta. Trước đây, Trường Sa Đông ít bóng cây xanh và hầu như chưa có vật nuôi nào chịu được cái nắng gió ở đảo. Thế nhưng hơn 10 năm trở lại đây, bóng mát cây xanh đã phủ kín trên đảo. Lối đi quanh đảo được hơn 200 cây xanh cách loại như bàng vuông, dừa, cây tra, cây phong ba tỏa bóng mát. Bên cạnh đó là những vườn rau tươi tốt, những giàn bầu, giàn mướp trĩu quả. Cán bộ, chiến sỹ và người dân Trường Sa Đông là những người đầu tiên trên của huyện đảo Trường Sa đã chế tạo ra máy ấp trứng gia cầm bằng đèn dầu. Tỷ lệ ấp nở thành công trên 80%. Hiện nay, với nguồn điện từ quạt gió và năng lượng mặt trời, đảo đã có lò ấp trứng cung cấp con giống cho đảo và các đảo khác. Thiếu úy Lê Thanh Tâm, Cán bộ hậu cần đảo Trường Sa Đông, cho biết: Các khu tăng gia sản xuất của đảo đều được xây dựng cẩn thận, che gió mưa tốt nên cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo quanh năm có rau xanh và thịt tươi trong bữa ăn: Chúng tôi quy hoạch vườn rau, khu tăng gia tập trung để tiện chăm sóc, làm tốt tăng gia sản xuất. Rau xanh thì đảm bảo đủ nước tưới. Mỗi ngày chúng tôi dành ra khoảng 1 tiếng để quấn và dân chăm sóc rau xanh, vật nuôi trên đảo.

Sức sống nơi huyện đảo tiền tiêu - ảnh 1
Đảo Trường Sa của Việt Nam( Ảnh tư liệu)



Trường Sa Đông có một khu bệnh xá với những bác sỹ, y tá trình độ chuyên môn cao ngày đêm túc trực khám chưa bệnh cho quân, dân cùng những ngư dân trên ngư trường Trường Sa. Bác sỹ Phạm Minh Thành, đang công tác tại bệnh xá, chia sẻ: Công việc chính là “chữa bệnh cứu người” nhưng khi ra đảo, anh có thêm nghề mời là là bác sỹ thú y cho đàn vật nuôi của đảo: Tôi viết đơn tình nguyện để ra đảo công tác và đã làm việc tại đảo Trường Sa Đông được gần 1 năm. Nắng gió thất thường, khó khăn nhưng mình phải luôn xác định hoàn thành nhiệm vụ là trên hết. Lần đầu ra đảo đã gặp một cơn bão lớn, rất lo lắng nhưng tôi cùng đồng đội đã vượt qua và cảm thấy không khó khăn nào không vượt qua được.

Sức sống nơi huyện đảo tiền tiêu - ảnh 2
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Hậu cần nghề cá đảo Đá Tây kiểm tra thực phẩm trong kho trước khi xuất bán cho ngư dân. Ảnh:Mạnh Thái



Bác sỹ Phạm Minh Thành cho biết hiện đảo đã có một hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt nên công tác y tế cũng được cải thiện đáng kể. Cũng như các đảo khác ở huyện đảo Trường Sa, đảo Trường Sa Đông đã có điện 24/24h nhờ hề thống điện năng lượng mặt trời và tua bin gió. Thượng úy Hà Văn Cường, Nhân viên kỹ thuật, cho biết: Hiện đảo Trường Sa Đông có 10 tua bin gió, 240 tấm pin năng lượng mặt trời và hơn 300 ắc quy tích điện: Lượng điện trên đảo hiện nay ổn định, đủ điện cho sinh hoạt cho đảo. Tuy việc chăm sóc, bảo trì máy móc chỉ là kiêm nhiệm nhưng chúng tôi luôn tìm tòi, học hỏi để máy luôn hoạt động.  

Sức sống nơi huyện đảo tiền tiêu - ảnh 3
Điểm đảo Đá Tây B. Ảnh: Thanh Long



Khác với Trường Sa Đông, Đá Tây là một đảo chìm với 3 điểm đảo. Khu vực biển quanh đảo là nơi hoạt động của rất nhiều tàu thuyền của ngư dân nên đảo có một khu hậu cần nghề cá và khu nuôi trồng hải sản. Trung tâm hậu cần nghề cá đảo Đá Tây, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có diện tích hơn 3000m2, là nơi cung ứng các dịch vụ hậu cần nghề cá như: lương thực, thực phẩm, nhiên liệu; sửa chữa, cứu hộ tàu, thuyền gặp nạn. Ông Chu Minh Sơn, Trưởng Ban quản lý Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây, cho biết: Hoạt động của trung tâm bận rộn quanh năm vì ngư dân ra biển đánh bắt dài ngày rất cần tiếp tế nhu yếu phẩm. Đơn vị có đội thợ cơ khí và máy móc với các xưởng cơ khí như: hàn, tiện, khoan, phay bào, đáp ứng nhu cầu sửa chữa tàu thuyền của ngư dân:Hiện trung tâm chúng tôi đang được nâng cấp các bến bãi và phương tiện để sửa chữa cho các tàu thuyền. Dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào hoạt động trong năm 2017. Khi đưa vào sử dụng, trung tâm sẽ có đẩy đủ các trang thiết bị phục vụ việc sửa chữa tàu thuyền cho ngư dân. Trung tâm chúng tôi đã có những thời điểm tiếp nhận cùng một lúc 70 tàu cá của ngư dân vào tránh trú bão trong lòng hồ đảo Đá Tây.


Vượt qua những khó khăn, vất vả, cán bộ, chiến sỹ và người dân huyện đảo Trường Sa luôn kiên cường bám biển, giữ vững mảnh đất tiền tiêu của Tổ Quốc. Những người dân, ngư dân người lính hải quân, bác sỹ, thợ máy… tất cả gác lại nỗi nhớ đất liền, ngày đêm miệt mài với công việc, tất cả vì Trường Sa, vì biển đảo quê hương./.

 

 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác