Việt Nam 2014: Phát huy nội lực để phát triển

(VOV5) - Việt Nam đón năm mới 2014 với sự ổn định trong phát triển kinh tế xã hội. Niềm tin này xuất phát từ những thành công của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực: chính trị, quan hệ ngoại giao, kinh tế, xã hội, văn hóa… trong năm 2013, cho thấy quyết tâm đổi mới, hội nhập sâu rộng với quốc tế của Việt Nam.

Việt Nam 2014: Phát huy nội lực để phát triển - ảnh 1


Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Ngày đầu tiên của năm mới 2014, người dân Việt Nam có thời gian nhìn lại năm 2013 với những sự kiện nối tiếp, nhất là những tin vui vào những ngày cuối năm. Đó là khi Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Hiến pháp 2013 và sửa đổi một số Luật quan trọng; khi các ban ngành chức năng của Việt Nam đang tiến hành đàm phán các hiệp định thương mại với các đối tác và nền kinh tế hàng đầu thế giới để hoàn tất việc gia nhập Hiệp định đối tác, hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương… Đây là những cơ sở quan trọng để Việt Nam thực hiện mạnh mẽ về xây dựng thể chế, kiến tạo môi trường phát triển quốc gia để hội nhập quốc tế hiệu quả.

Tín hiệu khả quan từ các chỉ số quan trọng

Những chỉ số quan trọng mà Việt Nam đạt được trong năm 2013 sẽ là cơ sở để Việt Nam phát triển hơn năm 2014. Việt Nam vẫn vững vàng ổn định kinh tế vĩ mô khi tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt khoảng 5,42%, tuy con số này chưa đạt được mục tiêu 5,5% đã đề ra, nhưng đây là chỉ số phát triển hợp lý, cho thấy tín hiệu của sự phục hồi. Cùng với đó thu hút đầu tư nước ngoài đạt khoảng 21,6 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt 132,3 tỷ USD, đáng chú ý là tỷ lệ nhập siêu giảm, cho thấy gam màu sáng là chủ đạo trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Trên cơ sở đó cho thấy Việt Nam có thể đạt được tốc độ tăng trưởng ổn định và bền vững trong năm 2014. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: “Kinh tế Việt Nam năm 2013 đã tăng trưởng cao hơn, lạm phát giảm và tỷ giá tương đối ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng lên, đó là những cải thiện đáng mừng. Triển vọng kinh tế hai năm sắp tới phụ thuộc vào khả năng có cải cách gì không, có đổi mới gì không? Nếu đổi mới thì nền kinh tế có tiềm năng sẽ có thể tăng trưởng được. Tôi hy vọng có sự thay đổi tích cực vì Chính phủ đã đi đúng hướng”.

Việt Nam kiên định các mục tiêu phát triển

Diễn đàn Việt Nam và các đối tác phát triển lần đầu tiên tổ chức đầu tháng 12-2013 là dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của Việt Nam, chuyển giai đoạn hợp tác giữa chính phủ Việt Nam với các nhà tài trợ phát triển sang một giai đoạn mới: Việt Nam từ một nước nhận viện trợ đã trở thành đối tác của các nhà tài trợ. Tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày các mục tiêu, định hướng cơ bản của Việt Nam trong năm 2014. Theo đó, Việt Nam sẽ giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu; bên cạnh đó, tiếp tục kiên trì đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế. Về tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm sẽ là tái cơ cấu đầu tư, trong đó có đầu tư công; tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, công tác đảm bảo an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân được coi là một trong những ưu tiên lớn của chính phủ Việt Nam trong năm 2014. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Trong năm 2014, tập trung bảo đảm an sinh – xã hội và phúc lợi xã hội tốt hơn. Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung sức để tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, đặc biệt giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số bằng những chính sách thiết thực, hiệu quả”.

Ổn định để phát triển từ nội lực sẵn có

Ngày 01/11/2013, Việt Nam đã đón công dân thứ 90 triệu và Việt Nam đang trong thời kỳ “dân số vàng” với rất nhiều lợi thế và tiềm năng về lực lượng lao động. Đây là một thuận lợi, là nguồn nội lực, là thời cơ tốt để Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững trong năm đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phát triển nguồn nhân lực được xem là một trong 3 giải pháp đột phá chiến lược góp phần quan trọng trong nâng cao sức cạnh tranh giữa Việt Nam với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Một nguồn nhân lực vừa có sức khỏe, vừa có trí tuệ, có khả năng tiếp thu nhanh những đổi mới sẽ tạo nên những bước tiến vững chắc của Việt Nam trong năm 2014 và những năm tiếp theo. Tiến sỹ Franz Jessen, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, cho rằng: “Tôi nghĩ Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và những tiềm năng này đã được các bạn phát huy tối đa. Việt Nam đang làm rất tốt trong lĩnh vực giáo dục. Chúng ta đã thấy được kết quả của chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA 2012), mà theo bảng xếp hạng này, học sinh Việt Nam có thứ hạng cao hơn nhiều nước giàu trên thế giới. Việt Nam hiện có đông dân số trẻ và họ là những người có trình độ. Đây chính là tiềm năng của Việt Nam”.

Để thực hiện được các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2014, cần có sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, từ chính phủ, các ban ngành đến người dân để phát huy được nguồn nội lực của Việt Nam. Quyết tâm, kiên định thực hiện mục tiêu phát triển đã đề ra hứa hẹn năm 2014 là một năm khởi sắc của kinh tế - xã hội Việt Nam./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác