Phát huy giá trị văn hóa để phát triển bền vững

(VOV5) - Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021 là bước triển khai cụ thể phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của công tác văn hóa trong giai đoạn 2021-2025.

Trong những năm qua, việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước luôn là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Năm 2021 đặt dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của đất nước khi Đại hội lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam xác định những định hướng lớn cho những năm sắp tới, trong đó vai trò của văn hóa được đặc biệt nhấn mạnh.Trong diễn tiến đó, Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021 là bước triển khai cụ thể phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của công tác văn hóa trong giai đoạn 2021-2025.

Theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa VIII, “văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Vǎn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc”.

Phát huy giá trị văn hóa để phát triển bền vững - ảnh 1Toàn cảnh Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Ảnh: VGP

Điểm nhấn xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam là Việt Nam đã phát huy được những giá trị truyền thống trường tồn, từng bước sàng lọc hủ tục lạc hậu đồng thời liên tục tiếp thu, bổ sung tinh hoa văn hóa, văn minh nhân loại, góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam với những giá trị chân - thiện - mỹ, có lối sống đẹp, nhân cách tốt. Hơn thế, thấm nhuần tinh thần dân tộc với những đức tính nổi bật được phát huy, như lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, lòng nhân ái…, các thế hệ người Việt Nam đã đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để cùng nhau dựng xây cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đặc biệt, trong xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Việt Nam đã phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; trong đó, yếu tố văn hóa và con người rất được chú trọng. Chính vì vậy, văn hóa đã thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn lực cho phát triển đất nước.

Phát huy giá trị văn hóa Việt Nam là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội Việt Nam. Điều này càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cũng như tác động mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông mới, khiến thế giới trở thành ngôi làng toàn cầu và vì thế, quốc gia nào không giữ được bản sắc thì không những bị hòa tan trong thế giới rộng lớn mà còn có nguy cơ mất nước vì “mất văn hóa là mất tất cả”. Trong khi đó, những quốc gia nào biết  phát huy bản sắc văn hóa của mình sẽ tạo nên dấu ấn riêng, giá trị so sánh trong phát triển bền vững đất nước.

Phát huy nguồn sức mạnh vô tận của văn hóa, lần đầu tiên, khái niệm “sức mạnh mềm” của văn hóa được nêu trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam cùng với định hướng lớn là: phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Quan điểm chỉ đạo về văn hóa được Đại hội XIII của Đảng thông qua là định hướng quan trọng cho nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo. Để văn hóa, con người tiếp tục thực sự trở thành nguồn lực nội sinh, lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, do Ban Bí thư Trung ương Đảng chủ trì, ngày 24-11-2021, là dấu mốc quan trọng để những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của công tác văn hóa trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2045, đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra, sớm đi vào cuộc sống.

Được đặt ở vị trí ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa đã và sẽ tiếp tục là một trong những động lực quan trọng để phát triển đất nước Việt Nam trong giai đoạn tới. Do đó, cùng với những định hướng lớn tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và những nhiệm vụ, giải pháp được bàn thảo, thống nhất tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này, các bộ, ngành, địa phương sẽ sớm cụ thể hóa đối với ngành mình, cấp mình để hiện thực hóa một cách hiệu quả, thực chất, để vừa bảo tồn được nguồn lực văn hóa, vừa khai thác đúng tầm giá trị của nguồn tài nguyên vô giá này cho sự phát triển. Trong đó, những vấn đề lớn mà các ngành các cấp ở Việt Nam tiếp tục quan tâm là đổi mới phương thức bảo tồn và phát triển văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa thành động lực mới của nền kinh tế; bảo tồn, khai thác và phát huy nguồn tài nguyên văn hóa… làm động lực cho phát triển bền vững và hội nhập vào nền văn minh của nhân loại.

Bao trùm trên tất thảy các nhiệm vụ nêu trên, xét cho cùng chính là việc phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Việt, đó là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, nghĩa đồng bào. Sức mạnh dân tộc được tạo nên từ những điều giản dị nhưng bền vững nhất chính là “sức mạnh mềm”, là yếu tố nội sinh vô cùng quan trọng để dựng xây lên một đất nước Việt Nam ngày càng văn minh, hiện đại và giàu bản sắc.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác