(VOV5) - Trong những chuyến hải trình ra Hoàng Sa, Trường Sa, tiếng kêu từ ốc u gắn với bao câu chuyện can trường của dân binh.
Từ bao đời nay, những câu chuyện về đội Hùng binh Hoàng Sa năm xưa luôn ăn sâu trong tâm thức mọi người. Các thế hệ người dân trên đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi tiếp nối truyền thống cha ông, họ ngày đêm vươn khơi bám biển, khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Các thế hệ người dân trên đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vươn khơi bám biển, khẳng định chủ quyền
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tiếng ốc u, một thanh âm quen thuộc gắn liền với người dân đảo Lý Sơn từ bao đời nay. Hàng trăm năm trước, ốc u là phương tiện liên lạc trên biển duy nhất của đội Hùng binh Hoàng Sa khi họ vâng lệnh vua ban, vượt sóng, tiến ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cắm những cột mốc đầu tiên, khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Theo năm tháng, tiếng ốc u vang vọng năm xưa đã đi vào lời ru, thơ ca, gắn liền với cuộc sống của người dân trên đảo Lý Sơn.
Từ bao đời nay, tiếng ốc u ăn sâu trong tâm thức người dân Lý Sơn
|
Ơ… ớ… ơ…/ Ốc u đã thổi lên rồi Để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa.
Tiếng ốc u trong khúc hát ru của người mẹ Lý Sơn tiễn chồng, tiễn con ra Hoàng Sa từ thuở xưa vang vọng tới bây giờ. Bà Đỗ Thị Hảo ở thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn đã hơn 70 tuổi vẫn giữ được giọng hát đầy xúc cảm qua những bài hát ru về Đội Hùng binh Hoàng Sa. Có nhiều bài hát ru về Đội Hùng binh Hoàng Sa nhưng theo “người đàn bà hát ru giữa biển” Đỗ Thị Hảo thì khúc hát ru Ốc u như tiếng vọng từ ngàn xưa, khắc sâu vào tâm khảm của bao thế hệ người dân trên đảo Lý Sơn.
Người đàn bà hát ru giữa biển - Đỗ Thị Hảo
|
Bà Hảo cho biết: "Trong thời kỳ xa xưa, trên đảo này, chỉ lấy ốc u làm cái lệnh. Trong các đội thuyền đi ra giữ Hoàng Sa, người chủ thuyền bảo một người bạn cầm con ốc u thổi lên. Thổi cho rông lên. Anh em trong đội thuyền đó, nghe ốc u đã nổi lên rồi, thì phải lo ăn uống để lên thuyền để đi ra Hoàng Sa".
Vào đầu thế kỷ 17, Chúa Nguyễn đã cho lập đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tại làng An Vĩnh và An Hải, nay thuộc đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Nhiệm vụ của đội Hùng binh Hoàng Sa là đo đạc hải trình, dựng bia, cắm mốc chủ quyền và thu lượm sản vật tại Hoàng Sa và Trường Sa. Và trong hành trang mang theo của những binh phu có một thứ không thể thiếu đó là những con ốc u.
Trong những chuyến hải trình ra Hoàng Sa, Trường Sa, tiếng kêu từ ốc u gắn với bao câu chuyện can trường của dân binh. Ông Võ Chú, 85 tuổi ở xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi là thế hệ thứ 4 trong dòng tộc biết thổi ốc u. Mỗi dịp dân trên đảo tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, tiếng ốc u mà ông thổi vang dội vào từng vách núi, con sóng, vọng ra tận khơi xa như nhắc nhớ về các lớp hùng binh năm xưa. Ông Chú tâm sự: "Gia đình tôi 4 đời thổi ốc u. Đời ông cố tôi, đời ông nội tôi, đến đời ông già, rồi ông già truyền lại cho tôi".
Ông Võ Chú, 85 tuổi ở xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi
là thế hệ thứ 4 trong dòng tộc biết thổi ốc u
|
Hằng năm, cứ vào khoảng tháng 3 Âm lịch, các tộc họ ở đảo Lý Sơn lại tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa để tri ân các bậc tiền nhân với nhiều nghi lễ truyền thống như: Lễ Cung nghinh, Lễ yết và rước thần, linh vị binh phu Hoàng Sa, Lễ tế cổ truyền, Lễ thả hình nhân thế mạng...
Lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa
|
Sau phần lễ, tiếng ốc u hòa cùng tiếng chiêng, tiếng trống vang lên từng hồi dài như hiệu lệnh xung trận. Thanh niên trai tráng các tộc họ rước thuyền từ đình làng xuống biển. Đoàn thuyền mô hình cùng những hình nhân thế mạng được thả xuống biển tưởng niệm đội hùng binh Hoàng Sa thuở xưa dong thuyền mở cõi.
Mô hình thuyền và hình nhân thế mạng tái hiện trong Lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa
|
Năm 2013, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản phi vật thể quốc gia. Chị Nguyễn Thúy Hiền một du khách từ Hà Nội đến tham quan đảo Lý Sơn bày tỏ: "Sau khi xem lễ hội Khao lề thế lính Hoàng Sa, tôi thấy đây là một lễ hội rất độc đáo của huyện đảo Lý Sơn. Tôi cũng mong muốn lễ hội này được phát huy và bảo tồn. Qua đây, tôi cũng cảm thấy rất biết ơn, tri ân những người lính Hoàng Sa đã có công khai phá và cắm cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam".
Lễ thả hình nhân thế mạng, tại Lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa
|
Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải, huyện Lý sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Mỗi ngư dân chúng tôi, dù khó khăn thế nào cũng kiên quyết bám biển Hoàng Sa đến cùng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc".