Chuyện những phụ nữ đơn thân qua cuộc triển lãm từ thiện

(VOV5) - 27 bức hình về những người phụ nữ khuyết tật đơn thân vươn lên trong cuộc sống lần đầu xuất hiện trong một triển lãm ảnh có tên gọi: “Xương rồng vẫn nở hoa” vừa diễn ra tại Hà Nội. Triển lãm là một trong những bước đầu tiên trong dự án chương trình hành động của Trung tâm Phát triển Cộng đồng (ACDC), nhằm gây quỹ hỗ trợ cuộc sống cho các bà mẹ đơn thân khuyết tật và giúp những đứa con của họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.


Chuyện những phụ nữ đơn thân qua cuộc triển lãm từ thiện - ảnh 1


Triển lãm “Xương rồng vẫn nở hoa” được tổ chức tại Trung tâm phụ nữ và phát triển, quận Ba Đình, Hà Nội đã mang lại cho nhiều người xem cảm xúc khó quên, bởi mỗi tấm hình ở đây là một câu chuyện xúc động về những người phụ nữ đơn thân khuyết tật. Hình ảnh bình dị của những người phụ nữ khuyết tật Việt Nam trong cuộc sống lao động hay những nụ cười hạnh phúc đùa vui bên đứa con thơ.. đã thu hút đông đảo người xem, bởi đằng sau những bức ảnh ấy là những nghị lực phi thường vượt lên số phận. Họ được ví nhưng những cây xương rồng, nở hoa trên cát, dù phải đối mặt với số phận nghiệt ngã, đối mặt với cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng vẫn vượt qua và sống thật ý nghĩa.



Triển lãm “ Xương rồng vẫn nở hoa” là những bước đi ban đầu của một dự án do Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) thực hiện nhằm gây quỹ cải thiện cuộc sống của những người phụ nữ khuyết tật đơn thân trong xã hội, giúp cho họ có cuộc sống tốt hơn, tự tin và hoà nhập với cuộc sống. Dự án ra đời từ chính những nghiên cứu, khảo sát thực tế về tình trạng phụ nữ khuyết tật đơn thân trên địa bàn Hà Nội. Chia sẻ về hoạt động của dự án, chị Nguyễn Thị Lan Anh, Giám đốc  ACDC, cho biết: Xương rồng vẫn nở hoa” là một sáng kiến mới của Trung tâm phát triển cộng đồng ACDC, tập trung chủ yếu hỗ trợ chủ yếu cho những đối tượng rất đặc biệt, đó là nhưng người phụ nữ khuyết tật đơn thân. Qua khảo sát nghiên cứu, chúng tôi biết, những người phụ nữ khuyết tật đơn thân thì cuộc sống khó khăn rất nhiều lần so với những đối tượng khác trong xã hội. Thứ nhất là họ là những nguời khuyết tật, thứ hai họ là phụ nữ, lại là những phụ nữ đơn thân, người mẹ đơn thân nuôi con. Chính vì thế chúng tôi thấy họ là những người cần hỗ trợ hơn ai hết.


Triển lãm đã đưa ra công chúng một góc cạnh của đời sống xã hội, đó là số phận  nỗi vất vả của những phụ nữ khuyết tật đơn thân trong cuộc sống, công việc, nuôi dạy con cái.. Những bức ảnh người phụ nữ khuyết tật đang làm việc nhà như nấu cơm, quét một mảnh sân, chăm sóc con cái hay làm các công việc mưu sinh như làm ruộng, tết chổi, thu mua đồ cũ…đã gây xúc động cho người xem. Anh Nguyễn Anh Vũ, một tác giả chụp ảnh, cho biết ban đầu khi tiếp xúc với một phụ nữ khuyết tật, anh cứ băn khoăn không hiểu chỉ với một bàn tay duy nhất, lại không lành lặn thì không biết chị phụ nữ ấy sẽ xoay sở để làm mọi việc như thế nào. Thế nhưng những sự việc cứ tự nhiên diễn ra trước ống kính máy ảnh như những điều kỳ diệu của cuộc sống. Nguyễn Anh Vũ, chia sẻ: Tôi ấn tượng nhất đó là những nghị lực của họ với toàn bộ nhưng khó khăn như vậy  mà họ vẫn vượt qua và qua những bức ảnh,  tôi thấy họ cười rất nhiều. Tôi không thấy họ buồn đau như mình nghĩ.


27 bức ảnh phụ nữ khuyết tật đơn thân tại triển lãm, mỗi người một hoàn cảnh khó khăn riêng, song họ có một điểm chung, đó là khát vọng vươn lên trong cuộc sống, khát vọng tìm niềm vui cho chính bản thân mình. Với những bà mẹ đơn thân, những đứa con  luôn là động lực thôi thúc phấn đấu trong cuộc sống đời thường. Nhiều người xem triển lãm đã dừng lại hồi lâu xem những dòng chữ bên cạnh một bức ảnh: “ Con muốn nói với mẹ nhiều điều, mẹ tần tảo sớm hôm nuôi chăm con từng tháng, từng ngày, lưng mẹ còng dần giúp con cao hơn. Con yêu mẹ, mẹ hãy mãi ở bên con, vì con chỉ có mẹ trong cuộc đời”. Đó là những dòng tâm sự của cậu bé Phùng Hữu Nam, con trai của chị Phùng Thị Hậu, một phụ nữ khuyết tật đơn thân sống ở Ba Vì, Hà Nội. Cách đây 3 tháng, thông qua sự giúp đỡ của dự án, chị Hậu đã được Ngân hàng chính sách xã hội giúp đỡ cho vay 20 triệu đồng để ổn định nghệ thu mua đố cũ. Có mặt tại triển lãm, ngắm những bức ảnh chụp cuộc sống của mình, chị Phùng Thị Hậu hết sức xúc động vì sự quan tâm của dự án. Chị tâm sự: Tới nay nếu mà nói là đủ ăn  thì cũng chưa hẳn như vậy, nhưng dù sao cũng được bữa này bữa kia. Còn tiền học cho cháu vẫn chưa đủ vẫn phải vay thêm tiền học cho cháu.


Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, song những người như chị Hậu và nhiều phụ nữ khuyết tật đơn thân khác vẫn âm thầm vượt qua mọi khó khăn để nuôi con khôn lớn. Với 500 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội, 25 phụ nữ khuyết tật đơn thân ở huyện Ba Vì đã được vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, giúp tu sửa lại nhà cửa, hỗ trợ con cái của họ học hành.

Hiện cả nước có hơn 12 triệu người khuyết tật, trong đó 58% là nữ giới, 75% sống tập trung ở khu vực nông thôn và 32,5% trong số này thuộc diện nghèo. Chỉ 20% phụ nữ khuyết tật cả nước có gia đình, trong đó khảo sát riêng tại 10 huyện ngoại thành Hà Nội hiện có khoảng 500 phụ nữ khuyết tật đơn thân có hoàn cảnh khó khăn. Chị Nguyễn Thị Lan Anh, giám đốc dự án “Xương rồng vẫn nở hoa” cho biết tới đây dự án sẽ tổ chức nhiều các lớp tập huấn cho phụ nữ khuyết tật đơn thân như: tập huấn tài chính, ý tưởng kinh doanh, cách tiếp cận vốn vay, tập huấn sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục… Với những hoạt động của dự án này, các bà mẹ khuyết tật đơn thân sẽ có cơ hội cải thiện chất lượng cuộc sống và hòa nhập với cộng đồng tốt hơn./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác